09:05, 26/05/2021

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Thiếu nguồn cung cấp vật liệu

Sau khi khảo sát, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá, nguồn cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm đang bị thiếu trầm trọng. Cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đang rà soát và đề xuất bổ sung thêm một số vị trí cải tạo để thu hồi đất phục vụ dự án.

Sau khi khảo sát, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá, nguồn cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm đang bị thiếu trầm trọng. Cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đang rà soát và đề xuất bổ sung thêm một số vị trí cải tạo để thu hồi đất phục vụ dự án.


Thiếu gần 2,5 triệu m3 đất đắp


Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, sau hơn 1 năm khảo sát trữ lượng, đơn vị nhận thấy các mỏ cung cấp đất san lấp không cung ứng đủ nhu cầu dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Đoạn tuyến này cần hơn 3,5 triệu m3 đất đắp nền đường nhưng trước mắt, các vị trí mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được hơn 1 triệu m3. Bởi một số mỏ trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác, một số mỏ chưa được bổ sung quy hoạch nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

 

Trong khi nguồn đất san lấp bị thiếu cho dự án đường cao tốc thì một quả đồi tại xã Sơn Tân (Cam Lâm) bị khai thác trái phép.

Trong khi nguồn đất san lấp bị thiếu cho dự án đường cao tốc thì một quả đồi tại xã Sơn Tân (Cam Lâm) bị khai thác trái phép.


Được biết, năm 2020, UBND tỉnh có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở GTVT về các vị trí mỏ đất san lấp để phục vụ dự án. Cụ thể, đối với mỏ đất san lấp, toàn tỉnh có 22 khu vực đạt yêu cầu kỹ thuật, trong đó 10 khu vực được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, 10 khu vực chưa được cấp phép khai thác (đề nghị bổ sung quy hoạch cấp mới), 2 khu vực đang khai thác trái phép. Đối với các khu vực mỏ đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường và mỏ đất dùng san lấp chưa được cấp phép khai thác, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xử lý, giải quyết.


Với tình hình đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm cung cấp vật liệu đắp nền đường cho dự án (bổ sung quy hoạch, cấp phép, nâng công suất khai thác…), đáp ứng yêu cầu tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Bổ sung một số vị trí


Mới đây, Sở TN-MT đã có văn bản gửi Sở GTVT đề xuất các phương án cải tạo, thu hồi đất san lấp phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Phương án này được Liên doanh Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển môi trường Xanh và Công ty Cổ phần Khai thác xây dựng vận tải Phương Nam lập, trình thẩm định. Cụ thể, các khu vực đề nghị cải tạo đất để thu hồi đất phục vụ dự án gồm 9 vị trí. Trong đó, huyện Diên Khánh có 3 vị trí ở xã Suối Tiên (2 vị trí) và Diên Thọ; huyện Cam Lâm có 6 vị trí ở xã Suối Cát, Cam An Bắc và Cam Phước Tây (4 vị trí).


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho hay, hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã thực hiện xong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng dự án; dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2021. Vì vậy, Sở TN-MT sớm rà soát để báo cáo UBND tỉnh, đảm bảo nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho dự án. Đối với các vị trí đề nghị cải tạo, thu hồi đất san lấp đạt yêu cầu kỹ thuật đã được UBND tỉnh thống nhất năm 2020, Sở TN-MT rà soát, có ý kiến hướng dẫn các thủ tục liên quan chuyên ngành cho phù hợp. Đối với các vị trí đề nghị cải tạo thu hồi đất chưa được đơn vị tư vấn đánh giá về yêu cầu kỹ thuật của đất đắp nền đường, đề nghị Sở TN-MT lấy ý kiến của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn để đảm bảo chất lượng đất đắp phục vụ dự án.


Trong phương án cải tạo đất, Sở GTVT cũng lưu ý, ngành chức năng cần rà soát đánh giá chất lượng, quy mô các tuyến đường hiện trạng phục vụ công tác vận chuyển vật liệu đất đến công trình đường bộ cao tốc để đưa ra phương án vận chuyển phù hợp; các phương tiện vận chuyển phải đảm bảo phù hợp với quy mô các tuyến đường hiện hữu. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung phương án nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông hiện hữu (đường mòn, đường dân sinh…) để bảo đảm công tác vận chuyển, an toàn giao thông, ổn định kết cấu hạ tầng giao thông; thống nhất với đơn vị quản lý tuyến đường về phương án nâng cấp, cải tạo phù hợp theo quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị vận chuyển phải thực hiện cam kết tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, quy định về tải trọng, hạn chế tốc độ lưu thông của phương tiện vận chuyển, ký quỹ duy tu bảo dưỡng và khôi phục hiện trạng tuyến đường. Ngoài ra, Sở TN-MT lấy ý kiến của các đơn vị liên quan về sự phù hợp quy hoạch khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, phương án cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vị trí đề nghị cải tạo thu hồi đất để tham mưu báo cáo UBND tỉnh.


MẠNH HÙNG