10:06, 14/06/2020

Siết chặt quản lý hoạt động vận tải

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 12 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7. Đây là cơ sở để quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình vận hành.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 12 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7. Đây là cơ sở để quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong quá trình vận hành.


An toàn giao thông được đặt lên hàng đầu

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, Thông tư 12 nhằm cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 10 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Cụ thể, trước khi giao nhiệm vụ vận chuyển cho người lái xe, bộ phận quản lý các điều kiện ATGT tại doanh nghiệp, đơn vị phải tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm; kiểm tra giấy phép người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với hoạt động vận chuyển khách…; kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra).

 

Thông tư 12 hướng dẫn cụ thể về quy định hoạt động vận tải hành khách. (Ảnh chụp Bến xe phía bắc Nha Trang)

Thông tư 12 hướng dẫn cụ thể về quy định hoạt động vận tải hành khách. (Ảnh chụp Bến xe phía bắc Nha Trang)


Người lái xe phải kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe, đảm bảo tình trạng hoạt động tốt; kiểm tra hệ thống lái, các bánh xe, hệ thống phanh, đèn, còi, thông tin niêm yết trên xe. Trước khi cho xe khởi hành, tài xế phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe.


Thông tư 12 cũng quy định rõ nhiệm vụ của lái xe và doanh nghiệp khi xe đang vận hành trên đường cũng như kết thúc hành trình. Ngoài ra, các doanh nghiệp, đơn vị, định kỳ thống kê số vụ, nguyên nhân, mức độ tai nạn giao thông xảy ra của từng lái xe; xây dựng và thực hiện phương án xử lý xảy ra sự cố gây mất ATGT…


Dùng dữ liệu hình ảnh camera để xử phạt


Theo đại diện Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái - Sở GTVT, một điểm đáng chú ý trong Thông tư 12 là thông tin, dữ liệu từ camera lắp trên xe được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp cho cơ quan công an, ngành GTVT để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự, ATGT.


Thông tư quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Camera lắp trên xe phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu. Cụ thể, camera phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phải có chức năng ghi, lưu trữ dữ liệu video, bảo đảm dữ liệu không bị mất; dữ liệu hình ảnh được trích xuất phải trên đường truyền với tần suất 3 đến 5 phút/lần truyền…


Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian không quá 2 phút, kể từ thời điểm máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải nhận được dữ liệu. Trường hợp đường truyền bị gián đoạn thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường. Dữ liệu cung cấp được chia thành 2 loại, bao gồm các dữ liệu định danh và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe. Việc khai thác dữ liệu từ camera lắp trên xe thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và pháp luật khác có liên quan.


Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.


THÀNH NAM