Hiện nay, hạn hán bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt của người dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nhất là các xã cánh nam. Trước tình hình này, huyện đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn cho người dân.
Hiện nay, hạn hán bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt của người dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nhất là các xã cánh nam. Trước tình hình này, huyện đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn cho người dân.
Bắt đầu thiếu nước
Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Trần Văn Hòa (thôn Xuân Cam, xã Xuân Sơn) gieo sạ gần 1ha lúa. Đến nay, cây lúa đang bước vào thời kỳ trổ đòng. Tuy nhiên, ông Hòa đang lo lắng vì thiếu nước tưới, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Ông Hòa chia sẻ: “Do lượng nước từ đầu nguồn về hồ Đá Đen ít hơn mọi năm, cùng với nắng hạn kéo dài, trời ít mưa đã gây thiếu nước sản xuất. Mọi năm, vào thời điểm này, nguồn nước luôn đảm bảo cho cây lúa phát triển; việc thiếu nước có thể gây lép hạt làm ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch”.
Theo ông Lê Xuân Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, việc thiếu nước tưới vào vụ đông xuân là điều ít xảy ra trước đây. Do lượng nước chứa trên hồ Đá Đen hiện đang duy trì rất thấp nên không đủ khả năng tưới cho toàn bộ diện tích lúa đông xuân của xã. Tình hình này kéo dài, vụ hè thu sắp tới, địa phương không tổ chức sản xuất lúa mà chỉ đưa vào trồng các loại cây màu với diện tích khoảng hơn 20ha. Đồng thời, chuyển sang ưu tiên cấp nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi từ nguồn nước dẫn về từ suối Diên.
Còn tại xã Vạn Hưng, tình trạng hạn hán cũng đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân. Hiện nay, hơn 49ha lúa vụ đông xuân tại Đồng Cong đang ở giai đoạn trổ bông bị thiếu nước. Để cứu lúa, một số hộ dân đã khoan giếng bơm nước nên trước mắt lúa chưa bị cháy. Tuy nhiên, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, lo sợ nguồn nước ngầm bị thiếu, nhiễm mặn sẽ không giữ được cây lúa. Bên cạnh đó, hơn 210ha đất lúa dưới hạ du hồ Đá Bàn của xã đã bị thiếu nước trầm trọng. Do vậy, số diện tích này sẽ ngừng sản xuất vụ hè thu mà chờ sản xuất vụ mùa. Nước sinh hoạt hiện vẫn chưa thiếu, nhưng việc cấp nước cũng không được thường xuyên như trước. Người dân cũng đã chủ động mua bình dự trữ, đào ao giữ nước sinh hoạt, chăn nuôi. Nếu hạn hán kéo dài thì nước sinh hoạt của người dân sẽ thiếu nghiêm trọng.
Nhiều biện pháp chống hạn
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, trước tình hình hạn hán đang diễn biến, huyện đã xây dựng phương án chi tiết và chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc. Trước mắt, đã thực hiện nâng công suất Nhà máy nước Vạn Ninh lên hơn 12.000m3/ngày đêm để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Với các xã Xuân Sơn, Vạn Hưng sẽ được các đơn vị cấp nước luân phiên giữa các khu vực để người dân có nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, các xã đã tiến hành sửa chữa 6 giếng khoan và khoan thêm 20 giếng mới để phục vụ nhân dân. Đồng thời, lên kế hoạch vận chuyển cấp nước cho hơn 1.760 người dân ở các thôn đảo xã Vạn Thạnh với mức 20 lít/người/ngày.
Đối với hoạt động sản xuất, hiện 13 xã, thị trấn đã và đang áp dụng các biện pháp chống hạn, trước mắt nhằm cứu vãn lúa vụ đông xuân đang giai đoạn trổ bông. Ông Lê Xuân Bảy cho biết, xã Xuân Sơn đang triển các giải pháp chống hạn như: thành lập 4 tổ điều hành nước tưới ở 4 thôn; xây dựng phương án chống hạn; tiến hành nạo vét các hồ, ao tại thôn Xuân Thọ và Xuân Trang; khoan mới 1 giếng bơm; cải tạo lại 4 giếng tại các thôn và hỗ trợ 1.400 lít dầu, 100 lít xăng cho nhân dân bơm tưới những diện tích lúa bị thiếu nước sản xuất với kinh phí gần 170 triệu đồng. Đến nay, lúa đông xuân trên địa bàn đã bước vào giai đoạn trổ đòng nên bằng các giải pháp trên đã giúp địa phương giảm diện tích lúa bị cháy do thiếu nước.
Theo ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, hạn hán đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Do đó, huyện đã chủ động xây dựng phương án chống hạn cụ thể. Đối với diện tích thuộc các công trình: hồ Đá Đen, Suối Lớn, Cây Bứa, Suối Luồng, đập Đá Trắng, Suối Rễ, Vinh Huề sẽ không thực hiện sản xuất vụ hè thu. Hơn 380ha đất sản xuất của các xã: Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Thắng sẽ lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chống hạn. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng đã và đang lắp đặt các trạm bơm dã chiến với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng để cấp nước cho hơn 699ha do địa phương quản lý. Cùng với đó, vận động người dân ra quân nạo vét kênh mương, đập dâng, cửa lấy nước và đắp bờ thửa tránh lãng phí nước. “Tuy nhiên, để huyện thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, UBND tỉnh cần xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các phương án chống hạn. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân có diện tích ngừng sản xuất và thực hiện bơm nước chống hạn. Ngoài ra, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư đường ống cấp nước sinh hoạt cho các xã như: Vạn Lương, Vạn Phú, Vạn Khánh, Vạn Bình, Vạn Thắng, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Thọ”, ông Phẩm đề xuất.
VĂN GIANG - THANH HẢI