10:01, 01/01/2020

Mương thoát nước ở phường Cam Lợi: Tắc nghẽn do rác thải

Vừa qua, gần 20 hộ ở tổ dân phố Lợi Phú, phường Cam Lợi, thành phố Cam Ranh có đơn phản ánh đến các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, cho rằng 2 hộ trong khu vực xây nhà lấn ra, làm thu hẹp mương thoát nước khiến nước mưa và nước thải sinh hoạt thường xuyên bị ứ đọng. Nhưng sự thật không phải như vậy.

Vừa qua, gần 20 hộ ở tổ dân phố Lợi Phú, phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh có đơn phản ánh đến các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, cho rằng 2 hộ trong khu vực xây nhà lấn ra, làm thu hẹp mương thoát nước khiến nước mưa và nước thải sinh hoạt thường xuyên bị ứ đọng. Nhưng sự thật không phải như vậy.


Nỗi khổ của người dân


Theo phản ánh của người dân tổ dân phố Lợi Phú qua đường dây nóng, chúng tôi đã đến khu vực này để tìm hiểu nguyên nhân. Ông Nguyễn Văn Lý, người dân trong khu vực cho biết: “Đoạn mương thoát nước chung của khu vực này trước đây là mương hở, rộng khoảng 4m, thoát nước rất tốt. Nhưng từ mấy năm trước, có 2 hộ xây nhà lấn ra khiến lòng mương chỉ còn khoảng 2m, đồng thời đúc tấm đan đậy lên trên. Vì thế, mỗi khi trời mưa lớn, khu vực này đều bị ngập cục bộ, nhà tôi phải xây con lươn phía trước cổng để ngăn nước tràn vào”. Ông Nguyễn Đức Quý, nhà ở gần con mương này cũng bức xúc phản ánh: “Ngoài việc lòng mương bị thu hẹp, ảnh hưởng đến thoát nước mưa, thời gian qua, đoạn mương này thường xuyên bị tắc nghẽn, khiến nước thải sinh hoạt ứ đọng, bốc mùi hôi thối, phát sinh nhiều muỗi mòng. Chúng tôi đã nhiều lần chui vào mương để khơi thông, nhưng rất khó khăn vất vả vì vướng các tấm đan đậy dọc phía trên”.

 

Khi đoạn mương bị tắc nghẽn, nước thải ứ đọng ngập các con hẻm phía trên.

Khi đoạn mương bị tắc nghẽn, nước thải ứ đọng ngập các con hẻm phía trên.


Theo quan sát của chúng tôi, trong khu dân cư này có rất nhiều con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, địa hình khá dốc. Dọc các con hẻm này đều có mương thoát nước âm phía dưới, đấu nối vào con mương nói trên. Tuy nhiên, theo nhiều người dân nơi đây, khu vực này lại thường xuyên bị ngập cục bộ khi trời mưa lớn.


Đâu là nguyên nhân


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khu vực nói trên trước đây là một trong những “điểm nóng” về môi trường của địa phương, do người dân có thói quen vứt rác bừa bãi dọc các con mương nhánh và mương thoát nước chính đổ ra biển. Từ năm 2016, sau khi UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để địa phương cải tạo, nâng cấp con mương thoát nước chính thành mương bê tông hộp, vấn đề môi trường của khu vực này đã được cải thiện hoàn toàn. Trong đó, con mương mà người dân cho rằng bị lấn chiếm nói trên thực chất chỉ có chiều dài khoảng 10m, có vai trò chuyển tiếp nước mưa và nước thải trong khu dân cư và một phần nước thải từ chợ Cam Lợi, trước khi đổ vào con mương thoát nước chính.


Theo ông Phan Chí Thanh - Chủ tịch UBND phường Cam Lợi, trước đây, đoạn mương chuyển tiếp nói trên là mương hở, người dân thiếu ý thức thường vứt rác xuống gây vùi lấp và bốc mùi hôi thối. Vì thế, hộ ông Hồ Văn Cường và bà Trần Thị Trang (nằm dọc đoạn mương) đã xây bờ mương và đúc các tấm đan lên trên nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như thuận hơn trong việc đi lại. Tuy nhiên, do không thiết kế lưới chắn rác phía trước nên qua thời gian, rác thải từ phía trên dồn xuống gây tắc nghẽn lòng mương, ảnh hưởng đến việc thoát nước. Khi người dân trong xóm ra dỡ các tấm đan để khơi thông đoạn mương này thì xảy ra mâu thuẫn với gia đình ông Cường và bà Trang.


Ông Thanh cũng cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh về sự việc này, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xác định việc xây dựng nhà của gia đình ông Cường và bà Trang đã từ rất lâu và không hề lấn ra mương thoát nước. Riêng việc 2 hộ này đúc tấm đan dọc đoạn mương, địa phương nhận thấy cũng hợp lý, bởi nó giúp cho khu vực này sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, do nó thuộc phạm vi đất công, nên chúng tôi yêu cầu 2 hộ này tuyệt đối không được ngăn cản việc người dân dỡ các tấm đan để khơi thông mương khi cần thiết. Bên cạnh đó, địa phương cũng có hướng vận động người dân trong khu vực tự đóng góp để lắp tấm lưới sắt chắn rác phía trước nhằm hạn chế tắc nghẽn và dễ dàng khơi thông đoạn mương này khi cần thiết”.


THẾ ANH