10:11, 24/11/2019

Chấn chỉnh vi phạm an toàn giao thông đường thủy

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc đợt tổng kiểm tra các phương tiện hàng hải, tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vi phạm, qua đó yêu cầu chủ tàu sớm khắc phục để bảo đảm an toàn giao thông.

 

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc đợt tổng kiểm tra các phương tiện hàng hải, tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vi phạm, qua đó yêu cầu chủ tàu sớm khắc phục để bảo đảm an toàn giao thông.


Chủ phương tiện còn chủ quan


Đợt này, đoàn tập trung kiểm tra phương tiện vận chuyển hành khách (kể cả đò ngang sông), phương tiện sửa chữa, hoán cải về an toàn kỹ thuật, các điều kiện an toàn đối với hoạt động chở khách, đặc biệt là thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phạm vi vùng hoạt động. Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, đoàn tập trung kiểm tra hạn đăng kiểm của phương tiện để xử lý các phương tiện không đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm. Riêng đối với các phương tiện chở xăng dầu, gas, hàng hóa nguy hiểm, đoàn kiểm tra các quy định bắt buộc về điều kiện hoạt động đối với phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm.

 

Vẫn còn nhiều chủ phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Vẫn còn nhiều chủ phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông.


Lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 500 phương tiện thủy nội địa tại các địa phương, chiếm gần 50% tổng số phương tiện đang hoạt động trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, đa số các phương tiện chấp hành tốt về đăng ký, đăng kiểm, bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện, người làm việc trên phương tiện có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm trong quá trình hoạt động trong khu vực bến thủy nội địa, trong đó có lỗi chủ quan của chủ phương tiện. Đoàn đã phát hiện và xử lý 66 trường hợp vi phạm, với số tiền gần 35 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là các lỗi vi phạm: Không bố trí đủ thuyền viên, sử dụng thuyền viên chưa được đăng ký, thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện; không trang bị đủ số lượng thiết bị phòng cháy chữa cháy, dụng cụ cứu sinh; không có chứng chỉ chuyên môn phòng cháy chữa cháy; sử dụng phương tiện không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...

Kiên quyết xử lý tàu cá hoán cải để chở khách


Một chủ phương tiện thủy nội địa ở Bến tàu du lịch Cầu Đá, TP. Nha Trang cho biết: “Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, nhất là đảm bảo an toàn cho du khách. Máy trưởng hay thuyền viên đều được tập huấn cứu nạn cứu hộ, đảm bảo về khả năng lái tàu. Ngoài ra, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy cũng được bố trí đầy đủ và kiểm tra về niên hạn. Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn còn một số thiếu sót nhỏ, chúng tôi sẽ khắc phục như: Bổ sung sổ danh bạ thuyền viên theo quy định, bố trí đủ định biên thuyền viên và nhắc nhở các thuyền viên làm việc trên tàu mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân”.


Theo Thượng tá Trần Thị Tư - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, thông qua đợt cao điểm này, đơn vị từng bước tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ phương tiện trong việc chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường thủy. Tuy nhiên, những vi phạm của chủ phương tiện cho thấy, một bộ phận chủ tàu vẫn chủ quan, chưa chú trọng đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố hay tai nạn trên tuyến thủy nội địa. Do đó, thời gian tới, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển người dân, khách du lịch; kiên quyết đình chỉ hoạt động các trường hợp vi phạm. Về hoạt động của tàu cá hoán cải làm du lịch trên địa bàn tỉnh thực tế là có. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra làm việc thì các địa phương lại báo cáo không có. Chỉ đến khi xảy ra vụ việc cụ thể mới cử lực lượng chức năng xác minh làm rõ. Như vậy, việc quản lý phương tiện ở các địa phương thực sự chưa chặt chẽ, cần siết lại, không để tình trạng hoạt động chui. Có như vậy mới bảo đảm an toàn tính mạng của người dân cũng như du khách khi tham gia giao thông đường thủy.


Khánh Hòa là địa phương có thế mạnh về du lịch biển. Các hoạt động giao thông trên tuyến đường thủy nội địa diễn ra thường xuyên. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của các lực lượng chức năng, Trong đó, chú trọng việc kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật trên các phương tiện; kịp thời xử lý và chấn chỉnh các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và du khách.


THÀNH NAM