09:08, 14/08/2019

Giữ bình yên trong mỗi buôn làng

Hiện nay, tại các buôn làng ở miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình hình an ninh trật tự, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã được nâng lên.

Hiện nay, tại các buôn làng ở miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, tình hình an ninh trật tự (ANTT), ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã được nâng lên. Thành quả đó đến từ sự kiên trì thực hiện chính sách phổ biến pháp luật và xây dựng các mô hình đảm bảo ANTT của chính quyền các cấp.


Phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn


Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xã Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn) có nhiều nhân tố điển hình tích cực. Với mô hình “Gương sáng”, xã đã vận động được đội ngũ già làng tham gia giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong mỗi xóm làng. Tổ “Gương sáng” có 15 thành viên, trong đó già làng Cao Hồ Thân (thôn Du Oai) đóng vai trò tiên phong. Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn thường xuyên đến từng hộ trong thôn để trò chuyện, nắm bắt tình hình xóm làng. Đặc biệt, với những gia đình, đối tượng thường có biểu hiện gây mất ANTT nơi cư trú, già Thân dành sự quan tâm, nói điều hay lẽ phải và chính sách pháp luật để họ biết.

 

Già làng Cao Hồ Thân (bên phải) đến nhà người dân trong thôn để nói chuyện về các chính sách pháp luật.

Già làng Cao Hồ Thân (bên phải) đến nhà người dân trong thôn để nói chuyện về các chính sách pháp luật.


Ở thôn Suối Cát (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh), đồng bào DTTS rất quý trọng và nghe lời ông Pi Năng Liễng. Với vai trò của một thôn trưởng và là người có uy tín trong vùng, ông luôn thực hiện phương châm làm cho dân hiểu, nói cho dân nghe, chỉ cho dân làm. Ông đã cùng các già làng tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cụ thể, ông đã chủ động tuyên truyền cho con cháu nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Khi địa bàn có những vụ việc xảy ra hoặc có những tin đồn và dư luận xấu xuất hiện, những người xấu đến dụ dỗ, lôi kéo đồng bào, ông thông báo với các cơ quan chức năng trong xã, đồng thời vận động người dân không nghe theo người xấu xúi giục. Đối với các vụ việc mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, tranh chấp đất đai, khiếu kiện… ông cùng tổ hòa giải đến tìm hiểu nguyên nhân, giải thích để đối tượng hiểu và chấp hành.


Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, nhờ thực hiện các giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đảm bảo ANTT nên vùng đồng bào DTTS của huyện không để xảy ra các vụ việc nổi cộm, khiếu nại, khiếu kiện đông người. Nhận thức pháp luật của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ việc tranh chấp đều được hòa giải thành công ở cơ sở, đơn thư khiếu nại được giải quyết 100%. Phong trào quần chúng bảo vệ ANTT được phát động rộng khắp trong cộng đồng dân cư.


Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật


Theo ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, địa phương luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn. Với phương châm “hướng về cơ sở”, “đối tượng nào, hình thức đấy”, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn ở cơ sở, giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.


Theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, 5 năm qua, tỉnh đã mở 147 lớp tập huấn tại các xã với hơn 6.700 lượt người tham gia. Qua đó, đồng bào DTTS được tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 92 người DTTS được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín. Những người này là hạt nhân vận động, tuyên truyền người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã giới thiệu, tập huấn văn bản pháp luật mới cho hơn 6.700 đại biểu là cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã; báo cáo viên pháp luật; già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Nhìn chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ. Nhiều hình thức, cách làm hay được thực hiện. Qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức pháp luật của đồng bào.


Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, khắc phục, nhưng với nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân, ý thức chấp hành pháp luật, tình hình ANTT vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Sự bình yên trong mỗi buôn làng là một yếu tố cần thiết để góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi và vùng đồng bào DTTS.


GIANG ĐÌNH