Từ hiệu quả thiết thực của mô hình thí điểm Tổ tự quản giúp nhau giảm nghèo tại 3 xã Diên An, Diên Tân, Diên Xuân, năm nay, huyện Diên Khánh nhân rộng mô hình này thêm 4 xã trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức tự lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các hộ nghèo, cận nghèo trong việc thoát nghèo bền vững.
Từ hiệu quả thiết thực của mô hình thí điểm Tổ tự quản giúp nhau giảm nghèo tại 3 xã Diên An, Diên Tân, Diên Xuân, năm nay, huyện Diên Khánh nhân rộng mô hình này thêm 4 xã trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức tự lực, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các hộ nghèo, cận nghèo trong việc thoát nghèo bền vững.
Hiệu quả bước đầu
Trước năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Phùng (thôn Láng Nhớt, xã Diên Tân) là hộ nghèo của xã. Tuy đã tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo nhưng gia đình ông vẫn không thể thoát nghèo do không chọn được hình thức sản xuất phù hợp. Năm 2017, ông tham gia Tổ tự quản giúp nhau giảm nghèo thôn Láng Nhớt, được tham dự các buổi tập huấn về phương pháp cải tạo vườn tạp, cách chăm bò cái sinh sản, vỗ béo bò đực nuôi lấy thịt… Có được những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, tận dụng nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Phùng đã mua bò cái sinh sản về nuôi, kết hợp trồng keo. Ngoài sản xuất tại gia đình, ông Phùng còn đi làm thuê, 4 người con của ông cũng làm công nhân cho xưởng sản xuất đá granite trong xã. Nhờ vậy, kết quả tổng điều tra hộ nghèo của xã năm vừa qua, gia đình ông Phùng có thu nhập bình quân cao hơn mức quy định (500.000 đồng/người/tháng) nên được công nhận thoát nghèo.
Ông Châu Văn Bích - Trưởng thôn Láng Nhớt, Tổ trưởng Tổ tự quản giúp nhau giảm nghèo cho biết, tổ thành lập từ tháng 2-2017 với 24 thành viên, trong đó có 18 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Trong sinh hoạt thường kỳ của tổ, mọi vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo đều được phổ biến cho các thành viên. Tổ cũng nắm bắt nhu cầu của các thành viên về các vấn đề như: vay vốn, nhà ở, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi… để kiến nghị Ban giảm nghèo của xã có hướng giúp đỡ, giải quyết. Ngoài ra, tổ thường xuyên bàn bạc, trao đổi, phân công các thành viên giúp những thành viên còn khó khăn, lúng túng trong làm ăn. Tổ đã vận động tiền tiết kiệm trong các thành viên để lập quỹ tương trợ, giúp đỡ các hộ khó khăn trong tổ với số vốn hơn 4 triệu đồng. Từ 18 hộ nghèo khi mới thành lập, đến nay chỉ còn 3 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo ban đầu cũng đã thoát nghèo bền vững.
Thành lập từ tháng 3-2017 với 30 thành viên, Tổ giúp nhau giảm nghèo xã Diên Xuân có 3 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo. Các thành viên trong tổ cũng tự nguyện đóng góp 100.000 đồng/hộ/quý để giúp các thành viên trong tổ còn khó khăn. Quỹ tiết kiệm của tổ được gần 8 triệu đồng, cho 3 thành viên trong tổ vay để sản xuất. Đến nay, tổ không còn hộ nghèo và chỉ còn 22 hộ cận nghèo.
Từ 6 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo khi mới thành lập vào năm 2016, đến nay, Tổ giúp nhau giảm nghèo xã Diên An chỉ còn 1 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Những hộ này đều thuộc diện nghèo vĩnh viễn (người già neo đơn, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội).
Phát triển mô hình tại 4 xã
Ông Võ Văn Nhu - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diên Khánh cho biết, triển khai từ năm 2016 đến 2018, mô hình thí điểm Tổ tự quản giúp nhau giảm nghèo hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự lực, trách nhiệm vươn lên thoát nghèo của các thành viên; tăng cường tính cộng đồng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong tiếp cận, sử dụng nguồn vốn để tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, phần lớn các hộ trong tổ tự quản có cuộc sống ổn định và chiều hướng phát triển. Từ hiệu quả thiết thực của mô hình thí điểm, năm nay, huyện Diên Khánh nhân rộng mô hình ra 4 xã là: Diên Lâm, Diên Đồng, Diên Điền và Suối Tiên; đồng thời tiếp tục mở rộng mô hình tại xã Diên Tân và Diên Xuân.
Để mô hình phát huy hiệu quả, huyện chỉ đạo các xã thực hiện thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tình hình kinh tế cụ thể của hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình; tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo tham gia tổ tự quản giúp nhau giảm nghèo… Các địa phương cũng chủ động tổ chức các hoạt động hỗ trợ mô hình hoạt động sau thành lập như: tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ giống, vốn, đầu ra sản phẩm…
MAI HOÀNG