10:02, 18/02/2019

Chủ động phòng, chống cháy rừng

Mùa khô 2019 đang đến rất gần và được dự báo gay gắt hơn nhiều so với năm 2018. Do đó, ngay từ đầu năm, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Mùa khô 2019 đang đến rất gần và được dự báo gay gắt hơn nhiều so với năm 2018. Do đó, ngay từ đầu năm, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).


Nguy cơ cháy cao


Ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết: “Năm nay, bên cạnh dự báo mùa khô đến sớm, kéo dài và gay gắt hơn những năm trước thì địa bàn Ninh Hòa còn có đặc thù là nhiều diện tích rừng trồng mới sau cơn bão số 12 năm 2017 đến nay vẫn chưa khép tán, do đó nguy cơ cháy càng cao hơn”. Qua thống kê sơ bộ của Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, mùa khô năm nay, toàn thị xã có hơn 5.000ha rừng (trong đó có hơn 2.400ha rừng trồng và hơn 2.600ha rừng tự nhiên) có nguy cơ cháy cao, tập trung tại các địa phương như: Ninh Phú, Ninh Tân, Ninh Sơn, Ninh Thượng, Ninh Xuân, Ninh Phước, Ninh Thọ, Ninh Vân, Ninh Đông, Ninh An, Ninh Trung, Ninh Tây.

 

Hạt Kiểm lâm Hòn Bà xác định khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong mùa khô 2019.

Hạt Kiểm lâm Hòn Bà xác định khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong mùa khô 2019.


Trong khi đó, huyện Cam Lâm có hơn 24.505ha rừng và đất có rừng, trong đó có hơn 19.145ha rừng tự nhiên, 4.163ha rừng trồng. Các khu vực rừng trọng điểm như: tiểu khu 316, 313 với khoảng 340ha rừng trồng (xã Cam Phước Tây); 50ha rừng trồng ở tiểu khu 310 (xã Cam An Bắc); 160ha rừng trồng và lồ ô ở tiểu khu 299 (xã Cam Tân); toàn bộ diện tích rừng tại tiểu khu 306 (xã Sơn Tân); khu vực Bến Hai (tiểu khu 305, xã Cam Hiệp Bắc); 60ha rừng trồng ở tiểu khu 231 (xã Suối Tân); khu vực rừng ngoài lâm nghiệp ở núi Hòn Thẻ (giáp ranh xã Cam Hải Tây và xã Cam Hòa)… đối diện nguy cơ cháy cao. “Phần lớn diện tích rừng của huyện là rừng trồng, nhiều khu vực giáp ranh với dân cư, đường đi, nương rẫy của người dân; địa hình đồi dốc, xa nguồn nước, nhiều khu vực có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, dễ bắt lửa. Đây là những khó khăn trong công tác phòng, chống cháy rừng của địa phương”, ông Hồ Tấn Pháp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm cho biết.


Với những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết năm nay, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà cũng đang khẩn trương triển khai công tác PCCCR. Rà soát sơ bộ, ban quản lý xác định mùa khô năm nay có hơn 230ha rừng trong khu bảo tồn, chủ yếu là dầu rái, sao đen, keo lá tràm tập trung ở các địa phương như: Cam Lâm, Diên Khánh có nguy cơ cháy rất cao. Ngoài ra, một số khu vực giáp ranh với vùng sản xuất của người dân cũng có nguy cơ cháy cao.


Ông Lê Kim Hoàn Vũ - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Bà nhận định: “Dân cư sống xen kẽ với khu bảo tồn; việc đốt nương làm rẫy; sử dụng lửa trong khu bảo tồn của người dân vẫn diễn ra. Ngoài ra, hiện có một số điểm du lịch nằm ven rừng nên chỉ cần bất cẩn trong việc sử dụng lửa sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Lâm phận của khu bảo tồn rất lớn, địa hình phức tạp, mùa nắng nóng kéo dài trong khi nhân lực, phương tiện PCCCR vẫn còn hạn chế nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng cháy của đơn vị trong mùa khô năm nay”.


Qua trao đổi với hạt kiểm lâm các địa phương, đơn vị chủ rừng nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, tất cả đều có chung nhận định, mùa khô 2019 sẽ gay gắt hơn nhiều so với năm 2018. Vì thế, ngay từ đầu năm, song song với việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn nạn phá rừng, các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát, nhận định nguy cơ cháy rừng, những khu vực trọng điểm và khẩn trương triển khai công tác PCCCR. Năm nay, hàng chục nghìn héc-ta rừng trồng, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh sẽ đứng trước nguy cơ cháy rất cao, tập trung tại Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm.


Chủ động phòng cháy


Theo ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương, trong suốt mùa khô năm nay tham mưu cho chính quyền các cấp về công tác PCCCR; phân công trực chỉ huy, trực báo cháy nghiêm túc; quan tâm các khu vực rừng trọng điểm, nguy cơ cháy cao; sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng… Bên cạnh đó, phải đôn đốc, kiểm tra kỹ lưỡng công tác chuẩn bị PCCCR của các chủ rừng trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra tại các khu vực trọng điểm để phát hiện kịp thời điểm cháy…


Theo lãnh đạo các hạt kiểm lâm, ngay từ đầu năm, các địa phương đã triển khai song song nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR. Hạt kiểm lâm các địa phương đã tham mưu UBND cấp huyện xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR trong năm 2019, củng cố đội liên ngành chống phá rừng và PCCCR cấp huyện; tiến hành kiểm kê xong các dụng cụ, phương tiện PCCCR; rà soát các khu vực có nguy cơ cháy cao để có phương án ứng phó cụ thể. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, các đơn vị sẽ tập trung khâu tuyên truyền, vận động người dân sinh sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; đôn đốc, kiểm tra công tác PCCCR tại các chủ rừng; có kế hoạch cụ thể cho công tác PCCCR trong cao điểm mùa khô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, thậm chí dài hơn… Bên cạnh lực lượng chức năng, việc chủ động triển khai công tác phòng, chống của chủ rừng sẽ giảm thiểu nguy cơ, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do cháy rừng gây ra.


HẢI LĂNG