09:01, 21/01/2019

Nỗ lực giảm nghèo

Năm 2018, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, giảm nghèo. Kết quả, đã có 220 hộ giảm nghèo. Tuy nhiên, huyện vẫn còn 3.015 hộ nghèo, chiếm hơn 44% tổng số hộ...

 

Năm 2018, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển sản xuất, giảm nghèo. Kết quả, đã có 220 hộ giảm nghèo. Tuy nhiên, huyện vẫn còn 3.015 hộ nghèo, chiếm hơn 44% tổng số hộ...


Tỷ lệ giảm nghèo năm 2018 của huyện đạt hơn 4%, đây là mức cao hơn trung bình nhiều năm và vượt chỉ tiêu so với nghị quyết HĐND huyện từ đầu năm. Nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo đã được triển khai thực hiện, nhưng nó chưa thể mang lại kết quả trong một sớm một chiều. Trong cơ cấu kinh tế của Khánh Sơn, nông nghiệp vẫn là chủ đạo, nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp ở huyện còn manh mún, nhỏ lẻ; cây trồng, vật nuôi chưa thể đem lại thu nhập cho người dân trong một thời gian ngắn.

 

Ông Cao Mà Nân chăm sóc vườn bưởi da xanh.

Ông Cao Mà Nân chăm sóc vườn bưởi da xanh.


Xã Thành Sơn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện với hơn 70%. Năm 2015, gia đình ông Cao Mà Nân (thôn A Pa 1) được hỗ trợ 8 triệu đồng để phát triển sản xuất. Với số vốn này, ông đã cải tạo vườn tạp, đầu tư trồng bưởi da xanh với khoảng 70 cây giống. Hiện tại, cây bưởi phát triển khá tốt, nhưng vẫn chưa cho trái để ông có thu hoạch. Sau 3 năm, kinh tế gia đình ông vẫn chưa có nhiều thay đổi, cái nghèo vẫn còn đeo bám. “Sau khi nhận được tiền hỗ trợ, xã cũng cho tôi tham gia tập huấn cách trồng bưởi da xanh. Giờ đây, tôi đã biết cách phòng trừ sâu bệnh, chăm bón cho cây phát triển bình thường. Nhưng trong lúc chờ cây cho trái thì vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn, trồng bắp để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống”, ông Cao Mà Nân cho biết.


Những năm gần đây, xã Thành Sơn được thụ hưởng kinh phí khoảng 300 triệu đồng/năm để phát triển sản xuất nông nghiệp từ Chương trình 135, dành cho các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, xã còn được hỗ trợ 10 mô hình giảm nghèo từ các chính sách của tỉnh. Chương trình hỗ trợ thì nhiều, nhưng cũng cần thời gian dài mới đem lại kết quả. Chưa kể yếu tố như thiên tai, dịch bệnh tác động làm giảm hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi. Nhưng ngoài các chính sách hỗ trợ, xã không có nguồn lực đáng kể nào khác để thực hiện việc giảm nghèo cho người dân. “Năm 2018, xã đã hỗ trợ cho 17 hộ thoát nghèo, chỉ đạt 80% kế hoạch giao. Nguyên nhân chính là các mô hình kinh tế chỉ mới hỗ trợ trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm, trong khi các loại cây trồng cần một thời gian dài mới có thể thu hoạch. Cùng với đó, người dân cũng chưa nắm được kỹ thuật canh tác dẫn đến nhiều mô hình hiệu quả còn thấp”, ông Tạ Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết.


Theo báo cáo của UBND huyện, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn hơn 44%. Đây là nỗ lực rất lớn của huyện song vẫn còn cao so với mặt bằng chung. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm tới 96% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Bên cạnh đó, vẫn có tới 11 trường hợp tái nghèo. Năm 2019, kế hoạch của huyện sẽ giảm 400 hộ nghèo. Để đạt được chỉ tiêu trên, huyện cần nhiều hỗ trợ từ các ngành chức năng. “Để thoát nghèo một cách bền vững, ngoài việc vận động nguồn lực từ người dân, địa phương thì tỉnh cũng nên tính đến các phương án hỗ trợ huyện. Chúng tôi sẽ cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cơ bản xong để tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để đầu tư khoản kinh phí hơn 194 tỷ đồng cho hai huyện miền núi trong năm 2019. Hy vọng rằng, từ nguồn kinh phí này sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng mô hình giảm nghèo cho địa phương”, ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.


Với quyết tâm, nỗ lực của huyện cũng như các ban, ngành chức năng, việc giảm nghèo ở Khánh Sơn thời gian tới sẽ được chú trọng hơn nữa. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác này, vấn đề cần thiết là phải rà soát, lựa chọn lại các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế, để vừa giải quyết được vấn đề thu nhập cho người dân trước mắt, vừa từng bước cải thiện giúp họ thoát nghèo.


Giang Đình