10:01, 14/01/2019

Đất rừng tiểu khu 313: Không có tình trạng xâm lấn

Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được phản ánh của người dân về việc đất rừng phòng hộ tại tiểu khu 313 (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm quản lý bị một số hộ xâm lấn, canh tác trái phép.

Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được phản ánh của người dân về việc đất rừng phòng hộ tại tiểu khu 313 (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm quản lý bị một số hộ xâm lấn, canh tác trái phép. Tuy nhiên, đơn vị chủ rừng khẳng định không có chuyện này, bởi các hộ canh tác trên đất rẫy mà họ đã được cấp sổ, chỉ 1 trường hợp lấn chiếm 2.000m2 đã bị xử lý, thu hồi để trồng rừng.

 

Khu vực gia đình ông Hòa lấn chiếm đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm thu hồi, trồng rừng phòng hộ.

Khu vực gia đình ông Hòa lấn chiếm đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm thu hồi, trồng rừng phòng hộ.


Một người dân đề nghị giấu tên phản ánh: Hiện nay, tại tiểu khu 313, ven tuyến đường đèo Tỉnh lộ 9, thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm quản lý có một số hộ đang canh tác, xây dựng trang trại trái phép trên đất rừng phòng hộ. Thậm chí, nhiều hộ canh tác ngay sau lưng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cam Phước Tây nhưng trạm này vẫn làm ngơ, không xử lý mà để các hộ tự do canh tác.

 
Tại khu vực tiểu khu 313, chúng tôi thấy có khá nhiều vườn điều lâu năm nằm tiếp giáp với khu vực rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm. Một số hộ canh tác tại đây cho hay, họ đã canh tác ổn định tại khu vực này từ trước năm 1995; đến nay, các diện tích đang canh tác đều đã được cấp sổ đỏ nên nói họ canh tác trên đất rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm là không đúng.


Ông Phan Hải Ninh - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cam Phước Tây cũng xác nhận điều này; đồng thời cho biết, trong quá trình canh tác, có hộ đã xâm lấn sang đất rừng phòng hộ của ban, đã bị xử lý.


Để minh chứng điều mình nói, ông Ninh cho chúng tôi xem biên bản trạm lập vào tháng 11-2017 về trường hợp ông Nguyễn Chiến Hòa (thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây) lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Cụ thể, ngày 22-11, qua tuần tra, kiểm soát, trạm phát hiện gia đình ông Hòa đã phát, lấn sang lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm (tại khoảnh 6, tiểu khu 313) với tổng diện tích 2.000m2. Trạm đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu ông Hòa dừng ngay việc phát, dọn, không trồng cây trên phần diện tích đã lấn chiếm. Năm 2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm đã tiến hành trồng rừng trên diện tích lấn chiếm này.


Đối với phản ánh về trường hợp bà Nguyễn Thị Tiến (thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây) xây dựng trang trại trên đất rừng phòng hộ, ông Ninh khẳng định: “Không có chuyện bà Tiến lấn chiếm, canh tác, xây dựng trang trại trên đất rừng phòng hộ mà trạm làm ngơ. Thực tế, khi bà Tiến tiến hành lập vườn, canh tác nương rẫy, chúng tôi đã kiểm tra và xác định diện tích này đã được cấp sổ riêng. Trạm chỉ tiến hành vận động người dân ký cam kết không xâm lấn đất rừng phòng hộ, không để cháy lan vào rừng trồng của đơn vị. Trong quá trình quản lý, nếu phát hiện trường hợp nào lấn chiếm sang lâm phận của đơn vị, chúng tôi sẽ lập biên bản, xử lý ngay”.


Ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm cho biết: “Tại tiểu khu 313, dọc theo đường đèo Tỉnh lộ 9 có hơn 10 hộ đang canh tác giáp ranh với lâm phận do ban quản lý. Hiện nay, các hộ này đều đã được cấp sổ riêng. Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm đã chỉ đạo Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cam Phước Tây thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình canh tác của các hộ giáp ranh với lâm phận của đơn vị; kịp thời phát hiện, xử lý nếu có trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Hàng năm, ban đều yêu cầu các hộ canh tác giáp ranh ký cam kết không xâm lấn, làm tốt công tác phòng cháy để tránh gây cháy lan vào rừng trồng phòng hộ giáp ranh”.


 BÍCH LA