09:12, 02/12/2018

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp: Cần tháo gỡ vướng mắc

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và dịch vụ nông thôn tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang gặp không ít khó khăn. Quy mô chưa đủ lớn, một số gặp vướng mắc trong quá trình triển khai khiến cho chính sách này chưa thực sự hiệu quả ở địa phương này.

 

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và dịch vụ nông thôn tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang gặp không ít khó khăn. Quy mô chưa đủ lớn, một số gặp vướng mắc trong quá trình triển khai khiến cho chính sách này chưa thực sự hiệu quả ở địa phương này.


Nhiều trường hợp chưa đáp ứng nhu cầu


Năm 2018, thị xã Ninh Hòa được tỉnh phân bổ kinh phí 485 triệu đồng ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi tập trung và hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Ở nội dung chuyển đổi cây trồng, Ninh Hòa được phân bổ 259 triệu đồng để triển khai chuyển đổi 6ha. Trong đó, ngân sách tỉnh 129 triệu đồng, vốn đối ứng của người dân 130 triệu đồng. Cụ thể, ngân sách tỉnh hỗ trợ 89 triệu đồng cho người dân chuyển từ đất trồng lúa sang trồng hẹ tại Tổ hợp tác trồng hẹ Phước Thuận, xã Ninh Đông với 2ha; hỗ trợ 20 triệu đồng cho hộ dân xã Ninh Quang chuyển đổi 2ha từ trồng lúa sang trồng bắp; hỗ trợ 20 triệu đồng cho Tổ hợp tác trồng sen ở xã Ninh Quang chuyển đổi 2ha từ trồng lúa sang trồng sen.

 

Sẽ có hơn 5ha đất lúa kém hiệu quả ở Ninh Hòa được chuyển sang trồng bắp trong năm 2019.

Sẽ có hơn 5ha đất lúa kém hiệu quả ở Ninh Hòa được chuyển sang trồng bắp trong năm 2019.


Ở nội dung hỗ trợ chăn nuôi tập trung, theo kế hoạch được tỉnh phê duyệt, trong năm 2018, Ninh Hòa hỗ trợ cho các mô hình chăn nuôi heo, bò tập trung với tổng vốn đầu tư 465 triệu đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 206 triệu đồng. Trong đó, 153 triệu đồng hỗ trợ cho 4 hộ ở xã Ninh Tây chăn nuôi tổng quy mô 1.000 con heo. Tuy nhiên qua rà soát, chỉ có 1 hộ đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. 3 hộ khác không cung cấp được hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng với đơn vị cung cấp máy móc thiết bị để lắp đặt, xây dựng hệ thống sơ chế, cung cấp thức ăn, nước uống; hệ thống xử lý chất thải, điều hòa không khí trong trại chăn nuôi và hóa đơn tài chính. Còn 2 hộ chăn nuôi bò tại xã Ninh Vân, có quy mô 30 con bò/hộ được tỉnh hỗ trợ 53 triệu đồng. Tuy nhiên, các hộ xin không tiếp tục tham gia chính sách hỗ trợ do các thiết bị, máy móc đăng ký hỗ trợ có giá trị thấp và không cung cấp được các chứng từ cần thiết theo quy định.


Với nội dung hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, Ninh Hòa được phê duyệt hỗ trợ dự án xây dựng nhà lưới quy mô 0,8ha cho Tổ hợp tác trồng hoa lan tại xã Ninh Quang với tổng kinh phí thực hiện 300 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 150 triệu đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, diện tích thực hiện chỉ 0,25ha không đảm bảo yêu cầu về quy mô hỗ trợ.


Đề xuất gỡ vướng


Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, trong quá trình thực hiện chính sách này, địa phương vẫn gặp một số khó khăn. Trước hết, Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh chỉ quy định đất trồng cây hàng năm, lâu năm được hỗ trợ sang trồng cây ăn quả nhưng không quy định cụ thể đất được hỗ trợ phải căn cứ theo hiện trạng canh tác của đất hay theo quy hoạch sử dụng đất. Do đó, địa phương gặp khó khăn trong việc xác định loại đất được hỗ trợ. Đối với nội dung hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, Quyết định 1609 quy định điều kiện hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung phải là cơ sở chăn nuôi nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên đến nay, quy hoạch chi tiết chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã Ninh Hòa nói riêng vẫn chưa được xây dựng.


Theo kế hoạch của các địa phương, năm 2019, Ninh Hòa có 8 xã đăng ký chuyển đổi cây trồng với diện tích gần 175ha. Trong đó, chủ yếu chuyển từ đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (gần 170ha). 9 hộ chăn nuôi ở 6 xã đăng ký đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Để thực hiện tốt kế hoạch này, thị xã Ninh Hòa kiến nghị UBND tỉnh hàng năm cho phép địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung đề án chuyển đổi cây trồng để đảm bảo tổng hợp hết nhu cầu của người dân; đề nghị tỉnh cho phép hỗ trợ diện tích chuyển đổi cây trồng từ đất quy hoạch là rừng sản xuất với hiện trạng canh tác trồng mía sang trồng cây ăn quả. Ninh Hòa cũng kiến nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh giảm bớt thủ tục hồ sơ thanh toán các hạng mục đầu tư vào chuồng trại, thức ăn, hệ thống xử lý chất thải theo hướng người nông dân không cần chứng minh bằng các chứng từ, hóa đơn, hồ sơ thanh toán…, thay vào đó là xác nhận của chính quyền cấp xã về danh mục và kinh phí đầu tư sau khi có thẩm định của cơ quan chuyên môn cấp huyện.

 

Tháng 3-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 661 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Đây là chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông sản và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chính sách này được UBND tỉnh điều chỉnh vào tháng 6-2018 bằng Quyết định số 1609 với thay đổi cơ bản là diện tích chuyển đổi không cần liền vùng liền thửa như trước.

Ở khía cạnh khác, theo Quyết định 1609, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung được hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý chất thải (nhưng không quy định hạng mục công trình cụ thể). Một số hộ chăn nuôi ở Ninh Hòa có đăng ký hạng mục xây dựng hầm biogas và đệm lót sinh học lại không được thụ hưởng chính sách này. Cơ quan chuyên môn giải thích là 2 hạng mục này không nằm trong Quyết định 1609, mà thuộc nội dung hỗ trợ theo chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi hộ nông dân.


Đối với hỗ trợ sản xuất diêm nghiệp theo Quyết định 1609, các tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các thủ tục vay vốn. Ngân hàng sau khi xem xét, thẩm định và quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay. Quyết định 1609 không yêu cầu ngân hàng phải báo cáo kết quả giải ngân cho thị xã, vì vậy, thị xã Ninh Hòa không theo dõi được tình hình triển khai việc hỗ trợ sản xuất diêm nghiệp trên địa bàn.


Được biết, một số vướng mắc của Ninh Hòa nói riêng và các địa phương trên toàn tỉnh đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, yêu cầu các chi cục chuyên môn trả lời, tìm hướng tháo gỡ. Đồng thời, chuyển các đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh lên UBND tỉnh để xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.


Hồng Đăng