11:10, 18/10/2018

Hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Góp phần giảm nghèo hiệu quả

Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được tỉnh chú trọng. Hàng loạt chính sách hỗ trợ được ban hành, trong đó mô hình hỗ trợ sản xuất do Ban Dân tộc tỉnh triển khai tại 40 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đem lại hiệu quả tích cực.

Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn được tỉnh chú trọng. Hàng loạt chính sách hỗ trợ được ban hành, trong đó mô hình hỗ trợ sản xuất do Ban Dân tộc tỉnh triển khai tại 40 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đem lại hiệu quả tích cực.


Tiếp sức cho hộ nghèo vươn lên


Gia đình ông Bo Bo Dương (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) có 1,7 sào đất canh tác nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất. Sau khi khảo sát thực tế, năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông hơn 12 triệu đồng trồng mía tím. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho ông cách chăm sóc mía. Từ việc trồng mía tím xen bắp, ngay vụ đầu, ông Dương đã thu được 35 triệu đồng. Ông Dương cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ, mô hình đã có hiệu quả nên tôi tích lũy được số vốn kha khá, mua máy bơm nước, phân bón để nâng cao hiệu suất sản xuất. Hiện nay, gia đình đã xây được căn nhà khang trang, vươn lên thoát được nghèo”.

 

Cây bưởi da xanh được nhiều hộ nghèo huyện Khánh Vĩnh lựa chọn đề xuất hỗ trợ.

Cây bưởi da xanh được nhiều hộ nghèo huyện Khánh Vĩnh lựa chọn đề xuất hỗ trợ.


Tương tự, gia đình ông Cao Nam (thị trấn Khánh Vĩnh) được hỗ trợ vốn và 150 cây bưởi da xanh cùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông còn áp dụng đúng kỹ thuật được chuyển giao nên các cây giống đều phát triển tốt. “Gia đình tôi rất mừng vì có cơ hội thoát nghèo. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng chăm sóc, đầu tư mở rộng diện tích”, ông Cao Nam nói.


Từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ hơn 12,2 tỷ đồng cho hơn 1.000 hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, ban chú trọng việc hướng dẫn người dân cách thức sản xuất hiệu quả, đồng thời tăng cường giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích. Chính vì vậy, mô hình triển khai khá thiết thực.
 

Tiếp tục nhân rộng


Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, đến nay, phần lớn những mô hình sản xuất của người dân đã phát huy hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện tái đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS và miền núi giảm từ 5 đến 6% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi tập quán canh tác của đồng bào DTTS. Kinh phí hỗ trợ được quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng mục đích, đối tượng, không để xảy ra lãng phí, thất thoát. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần các mô hình. Từ đó có đánh giá, điều chỉnh những hạn chế cho phù hợp.


Từ hiệu quả của mô hình, trong những năm tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhân rộng trên địa bàn 40 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm, Ban Dân tộc tỉnh sẽ hỗ trợ cho 10 hộ/xã (7 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo), mức hỗ trợ là 12 triệu đồng/hộ nghèo và 10 triệu đồng/hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, ban tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn để mở rộng mô hình kinh tế hộ sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.


Theo ông Tuấn, để mô hình thực sự hiệu quả hơn nữa, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, hộ gia đình để hỗ trợ và nhân rộng. Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của hộ nghèo, cận nghèo; theo dõi và quản lý chặt chẽ việc sản xuất…


VĂN GIANG