10:09, 17/09/2018

Nhiều sai phạm tại các mỏ khai thác đá

Mỏ đá Bồ Đà 3, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh do Công ty Cổ phần Khoáng sản và đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư, được cấp giấy phép khai thác từ năm 2013. Do có nhiều hành vi sai phạm, ngày 24-8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt chủ mỏ đá này 214 triệu đồng.
 

Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt
 
Mỏ đá Bồ Đà 3, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh do Công ty Cổ phần Khoáng sản và đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư, được cấp giấy phép khai thác từ năm 2013. Do có nhiều hành vi sai phạm, ngày 24-8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt chủ mỏ đá này 214 triệu đồng.
 
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, doanh nghiệp đã lập, phê duyệt thiết kế mỏ có nội dung không phù hợp với dự án đầu tư, thiết kế cơ sở đã phê duyệt và giấy phép khai thác khoáng sản. Trong quá trình khai thác, công ty không lập bản đồ hiện trạng mỏ, không lập mặt cắt hiện trạng khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản. Ngoài ra, công ty còn bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ không đúng tiêu chuẩn quy định. Năm 2017, công ty cũng không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác. 
 
Tại mỏ đá Nam Hòn Ngang, nằm trên địa bàn 2 xã Diên Lâm và Diên Sơn, huyện Diên Khánh, thời gian qua, Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị và giao thông Khánh Hòa khai thác không đúng trình tự được phê duyệt, sử dụng bãi thải không đúng vị trí trình tự và công nghệ trong thiết kế mỏ đã được phê duyệt. Ngoài ra, công ty không lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển quặng nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan. Công ty còn khai thác vượt hơn 50% công suất nêu trong giấy phép. Mới đây, Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị và giao thông Khánh Hòa bị xử phạt 305 triệu đồng cho 5 hành vi vi phạm. UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do khai thác vượt công suất gây ra. 
 
Một số mỏ đá tại khu vực thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh còn lợi dụng hoạt động thăm dò để khai thác đá. Mới đây, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Khánh Hòa 400 triệu đồng và Công ty Cổ phần Khoáng sản và đầu tư Khánh Hòa 612 triệu đồng vì hành vi nêu trên.
 
 
Khu vực Tân Dân, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh có 5 mỏ đá được cấp phép.

Khu vực Tân Dân, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh có 5 mỏ đá được cấp phép.

 
 
Tăng cường giám sát
 
Mới đây, HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát tại một số mỏ khai thác đá trên địa bàn huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Ngày 11-9, đoàn khảo sát tại khu vực núi Tân Dân (xã Vạn Thắng), mỏ đá Hố Sâu (xã Vạn Thạnh), huyện Vạn Ninh. Ông Võ Thành Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, ở khu vực núi Tân Dân có 5 dự án được cấp phép khai thác đá granite. Các dự án đều có biện pháp bảo vệ môi trường và hoàn trả mặt bằng sau khai thác. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là trên địa bàn chưa có công ty thu mua sử dụng bột đá và phế phẩm từ đá làm gạch không nung nên việc xử lý chưa được triệt để.
 
Tại mỏ đá Hố Sâu, khi đoàn công tác do ông Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đến kiểm tra thì cửa mở nên đoàn vào tận mỏ đá. Tuy nhiên, khi phát hiện có người lạ vào, bảo vệ đã chặn cửa không cho đoàn công tác ra ngoài, cũng không cho xe bên ngoài đi vào trong. Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, mỏ đá Hố Sâu được cấp phép cho Công ty TNHH Vật liệu và xây dựng Hố Sâu. Cuối năm 2017, doanh nghiệp này đã bị UBND huyện Vạn Ninh ra quyết định xử phạt vì khai thác đá vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác 0,3ha. Công ty bị xử phạt 80 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khắc phục hậu quả. 
 
Theo ông Phan Thông, tuy các doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt nhưng cũng cần giám sát việc khắc phục các sai phạm đó. Bên cạnh đó, nhờ đoàn khảo sát mà mới đây đã phát hiện tại xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh có một mỏ đá của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng khai thác nhiều năm nay nhưng không có giấy phép. Tại xã Phước Đồng, mỏ đá Hòn Thị cũng hết giấy phép từ năm 2016 nhưng vẫn khai thác với danh nghĩa “hạ cốt nền dự án khu đô thị”. Trong phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh tháng 9 này, đoàn sẽ báo cáo những bất cập trong hoạt động quản lý khai thác tại các mỏ đá hiện nay, từ đó chất vấn các giám đốc sở và lãnh đạo tỉnh về công tác quản lý.
 
VĂN KỲ