10:09, 17/09/2018

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở Cam Lâm: Chưa đến được với người dân

Năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, đến nay, chính sách này vẫn chưa đến được với người dân Cam Lâm.
 

 

Năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, đến nay, chính sách này vẫn chưa đến được với người dân Cam Lâm.
 
Sau 2 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 28 tỷ đồng được giải ngân. Trong đó, riêng về chuyển đổi cây trồng, huyện Khánh Sơn triển khai nhiều nhất với hơn 600ha, nguồn hỗ trợ hơn 18,7 tỷ đồng. Kế đến là huyện Khánh Vĩnh có 92ha chuyển đổi, được ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 3,7 tỷ đồng. Nhìn chung, trong toàn tỉnh, 6 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Trường Sa) đều đã thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. 

 

Người dân xã Cam Hòa chuyển đổi từ đất lúa sang trồng khoai sáp.
Người dân xã Cam Hòa chuyển đổi từ đất lúa sang trồng khoai sáp.
 
 
Riêng huyện Cam Lâm, vì nhiều lý do khác nhau đến nay chưa có người dân nào được thụ hưởng chính sách này. Điều đáng nói là tại Cam Lâm, hoạt động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi diễn ra mạnh mẽ. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, Cam Lâm đang dẫn đầu tỉnh về số lượng các trang trại, gia trại chăn nuôi heo, gà theo hình thức công nghiệp quy mô lớn. Những trại heo hàng nghìn con, trại gà hàng chục nghìn con theo phương pháp trại lạnh xuất hiện nhiều ở Cam Lâm. Với cây trồng, Cam Lâm có khoảng 5.700ha cây lâu năm, hơn 4.000ha trong số đó là cây xoài. Khoảng 10 năm trở lại đây, hoạt động chuyển đổi từ các giống xoài cũ sang trồng xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái… diễn ra mạnh mẽ. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, những năm qua, bên cạnh cây lúa chiếm diện tích chủ lực, tùy vào điều kiện thời tiết, nước tưới, người dân chuyển đổi qua lại giữa cây lúa, mì, bắp, khoai sáp, mè, sen, đu đủ, ớt cay…

 

Một người dân ở Cam Lâm đang ghép giống xoài Úc vào cây xoài Thủy Triều.
Một người dân ở Cam Lâm đang ghép giống xoài Úc vào cây xoài Thủy Triều.
 
Ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết, điều kiện để được hỗ trợ theo chính sách trên là diện tích chuyển đổi phải đủ lớn, tối thiểu 2ha đối với cây hàng năm và 5ha đối với cây lâu năm. Quá trình triển khai, UBND huyện đã có nhiều văn bản yêu cầu các xã, thị trấn thống kê nội dung hỗ trợ. Tuy nhiên, 2 năm qua, một số xã thống kê diện tích, nội dung hỗ trợ chưa phù hợp theo quy định. 
 
Các xã còn lại có văn bản trả lời huyện không đủ điều kiện để được hỗ trợ do người dân chưa mạnh dạn liên kết với nhau để đáp ứng đủ diện tích xem xét hỗ trợ. Năm 2017, xã Suối Cát đăng ký chuyển đổi 7,8ha lúa sang trồng dưa hấu, xã Cam Hòa đăng ký hơn 10ha lúa chuyển sang trồng khoai sáp. Tuy nhiên qua xem xét, 2 loại cây trồng này không nằm trong danh mục được hỗ trợ. Tại xã Cam Thành Bắc có 6 hộ đăng ký chuyển 26,2ha đất lúa sang trồng màu. Qua kiểm tra, 6 hộ này có diện tích rải rác, không liên kết nên không đủ điều kiện xem xét hỗ trợ.
 
Trong năm 2018, UBND huyện Cam Lâm đã có 2 công văn yêu cầu các xã lập kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Theo ông Lê Đình Cường, đến nay đã có 2 xã đăng ký. Đó là dự án chăn nuôi gà quy mô 4.000 con ở Cam Tân và chuyển đổi 9,3ha đất lúa sang trồng khoai sáp, sen, kiệu… ở Cam Hòa. Hiện nay, huyện tiếp tục đốc thúc các xã tiến hành thống kê, xây dựng kế hoạch để đưa vào nội dung hỗ trợ trong năm 2019.
 
Bên cạnh nội dung chuyển đổi chưa phù hợp, diện tích chưa đáp ứng và người dân còn ngại liên kết, một trong những nguyên nhân được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cam Lâm chỉ ra đó là nhiều xã vẫn còn khá lúng túng trong quá trình triển khai. Vì vậy, cuối tháng 9, huyện sẽ tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền cho lãnh đạo và cán bộ chuyên môn các xã những vấn đề liên quan đến triển khai chính sách để trong năm 2019, việc thực hiện đạt kết quả tốt hơn. 
 
 

Năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định 661 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. 1 năm sau, chính sách này được thay bằng Quyết định 1609 với những điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình chuyển đổi, trong đó bao gồm việc bãi bỏ điều kiện liền vùng, liền thửa, đáp ứng được điều kiện thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chính sách này tập trung hỗ trợ vào 4 nội dung gồm: chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi tập trung, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và ứng dụng công nghệ cao. Mức hỗ trợ của Nhà nước nằm trong khoảng 30 - 50% tổng chi phí thực hiện việc chuyển đổi.


 

Hồng Đăng