01:05, 31/05/2018

Đề xuất đầu tư thêm một số cầu, cống dân sinh

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bổ sung đầu tư thêm một số cầu, cống dân sinh cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, giai đoạn 1 xây dựng các cầu được tổng cục phê duyệt từ năm 2017 đến nay đã chuẩn bị hoàn thành, đưa vào khai thác.

 

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bổ sung đầu tư thêm một số cầu, cống dân sinh cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, giai đoạn 1 xây dựng các cầu được tổng cục phê duyệt từ năm 2017 đến nay đã chuẩn bị hoàn thành, đưa vào khai thác.


Hoàn thành 95% giai đoạn 1


Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương thuộc Đề án xây dựng cầu dân sinh bảo đảm an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án gồm 2 hợp phần: đường và cầu, trong đó hợp phần cầu được đầu tư trên phạm vi 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương. Theo quyết định phê duyệt dự án, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư hợp phần cầu. Giai đoạn 1 của dự án, tỉnh được phân bổ gần 21 tỷ đồng xây dựng 13 cầu, cống trên phạm vi 4 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Vạn Ninh 4 cái, Ninh Hòa 6 cái, Khánh Vĩnh 2 cái và Cam Ranh 1 cái.

 

Cầu Hải Triều (huyện Vạn Ninh) đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Cầu Hải Triều (huyện Vạn Ninh) đã hoàn thành và đưa vào khai thác.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sau gần 10 tháng triển khai, đến thời điểm này, dự án cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt được 95% khối lượng công việc. Cụ thể, cầu Bình Lộc 2, cầu Hải Triều, cầu Sông Máu và các cống: Suối Cạn, Tân Hiệp, Gò Muống, Gò Ký, Suối Chình 1, Chăn Nuôi và Suối Mít đã hoàn thành. Hiện nay, còn 3 cống đang trong giai đoạn gấp rút thi công để về đích. Các cống Suối Khao, cống tuyến 2200 và 3000 (nằm trên địa bàn xã Ninh Tân, Ninh Hòa) dự kiến sẽ hoàn thành trong một vài tuần tới.


Lãnh đạo Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn (Sở GTVT) cho biết, theo kế hoạch, những công trình cầu, cống này sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 2-2018. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 cuối năm 2017 nên tiến độ bị chậm lại. Đặc biệt, tại cầu Hải Triều (Vạn Ninh), nhà thầu đã đắp xong đường dẫn thi công nhưng đã bị nước lũ cuốn trôi 2 lần liên tiếp, khiến cho việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn.


Đề xuất đầu tư thêm 6 cầu, cống


Theo quyết định được phê duyệt, trong giai đoạn 2 của dự án cầu dân sinh, tỉnh sẽ được đầu tư thêm 6 hạng mục cầu cống. Để sớm được phân bổ kinh phí, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung 6 cầu, cống còn lại của dự án để sớm triển khai thi công. Ông Lê Vũ Bằng - cán bộ quản lý dự án, Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với đơn vị tư vấn và đại diện Sở GTVT đã trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát những vị trí đề xuất xây dựng cầu, cống trên địa bàn tỉnh.


 Các vị trí đề xuất đầu tư xây dựng cầu cống nằm ở những vùng hết sức khó khăn về địa hình, giao thông không thuận lợi. Một trong những địa bàn khó khăn cách trở là tại Khánh Sơn, con sông Ha Nít nằm trên địa bàn huyện, đoạn chảy qua khu vực xã Sơn Lâm và Thành Sơn nhiều năm nay chưa được xây dựng cầu. Trong khi đó, khu dân cư sống dọc sông nhiều, 2 địa phương cũng có vùng sản xuất lớn. Những năm qua, người dân ở 2 xã này thường phải chờ nước cạn để đi qua hoặc phải đi đường vòng rất xa. Với những bất cập đó, tỉnh đề xuất xây dựng một cầu treo tại vị trí qua 2 xã trên.


Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất đầu tư xây dựng thêm 5 cống, trong đó 1 cống nằm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và 4 cống tại TP. Cam Ranh. Theo khảo sát thực tế, những cống này là cống dân sinh, người dân tự tạo để lưu thông. Các cống đều làm bằng gỗ tạm nên trong quá trình khai thác không đảm bảo an toàn và công năng kết nối. Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, sau khi khảo sát, dự toán tổng mức đầu tư của 6 hạng mục trên khoảng hơn 9,1 tỷ đồng.  


Theo ông Dần, việc triển khai đầu tư các hạng mục của dự án là hết sức cần thiết và cần làm sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, bảo đảm giao thông vùng sâu, vùng xa, nhất là trong mùa mưa lũ. Đồng thời, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên vùng, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kích thích sản xuất và tiêu thụ nông sản.


MẠNH HÙNG