11:08, 09/08/2015

Cần nhiều hơn những tấm lòng sẻ chia

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 9.200 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, có hơn 2.000 người do trực tiếp tham gia kháng chiến.

. Ông Phạm Minh Chánh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.


- Xin ông cho biết tình hình hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trong những năm qua?


- Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 9.200 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, có hơn 2.000 người do trực tiếp tham gia kháng chiến. Ngoài ra, hàng trăm người đã chết do các căn bệnh hiểm nghèo, biến chứng bệnh tật. Những năm qua, các nạn nhân chất độc da cam luôn được xã hội quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần. Công tác xây dựng phát triển hệ thống hội luôn được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chú trọng. Đến nay, Hội đã xây dựng, kiện toàn 8/9 hội cấp huyện (trừ huyện Trường Sa), 85 hội cấp xã với hơn 2.400 hội viên hoạt động ổn định và hiệu quả. Hàng năm, các cấp hội đều có tổng kết phong trào thi đua, đánh giá kết quả hoạt động và công tác xây dựng hội để rút ra những bài học kinh nghiệm và bình bầu các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. 5 năm qua, Tỉnh hội đã tặng giấy khen cho 28 tập thể và 55 cá nhân có thành tích xuất sắc…


Với nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam; vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, các cấp hội đã chủ động tổ chức hàng trăm cuộc vận động, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội để chia sẻ khó khăn trong cuộc sống cho các nạn nhân. Từ năm 2010 đến hết năm 2014, các cấp hội đã vận động quyên góp được hơn 6,1 tỷ đồng Quỹ “Vì nạn nhân da cam”. Qua đó, đã tổ chức tặng hơn 19.500 suất quà, hỗ trợ xây 29 căn nhà và hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 264 gia đình nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Riêng 6 tháng năm 2015, qua phát động của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các cấp hội đã tham gia thu thập hơn 3.000 chữ ký của nạn nhân chất độc da cam để kiện những công ty hóa chất của Mỹ; vận động được hơn 200 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam”; trao gần 1.300 suất quà cho các nạn nhân với tổng số tiền hơn 580 triệu đồng; vận động Hội Cựu binh Mỹ vì hòa bình hỗ trợ xây một căn nhà cho bà Cao Thị Dĩnh (xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh).


Ngoài ra, hàng năm, vào dịp lễ, Tết, các cấp hội còn vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, y bác sĩ trực tiếp xuống địa bàn dân cư khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam. Những hoạt động này góp phần động viên, khích lệ và tạo động lực cho các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.


- Hiện nay, tình hình đời sống của các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?


- Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, nhìn chung, đời sống tinh thần, vật chất các gia đình nạn nhân chất độc da cam đã phần nào ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc sống của một số gia đình ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, gia đình có 2 nạn nhân trở lên bị dị dạng, dị tật hoặc bại não, thần kinh... vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng xã hội.


Bên cạnh đó, số người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh chưa được hưởng trợ cấp còn nhiều. Chúng tôi rất mong Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương… có những chính sách hợp lý nhằm động viên, giúp đỡ họ hòa nhập với cộng đồng xã hội, Bên cạnh đó, ngành chức năng nhanh chóng triển khai đồng bộ, sâu rộng các chính sách của Đảng, Nhà nước để sớm giải quyết cho gia đình các nạn nhân chưa được hưởng chế độ.


- Trong quá trình hoạt động, các cấp hội gặp phải những khó khăn nào, thưa ông?


- Hiện nay, công tác vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia giúp đỡ nạn nhân da cam gặp nhiều khó khăn hơn trước. Nguồn kinh phí và quà hỗ trợ vận động được ngày càng ít. Bên cạnh đó, đối với những người làm công tác Hội ở các xã, phường vẫn chưa có kinh phí hoạt động nên dẫn đến việc tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân cũng khó khăn, có nơi hoạt động còn hình thức. Ngoài ra, do đa số những người làm công tác hội đều là nạn nhân da cam nên sức khỏe không được ổn định, dẫn đến hoạt động hội chưa đồng đều…


- Theo ông, thời gian tới, các cấp hội sẽ tập trung vào những hoạt động nào?


- Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục kêu gọi, kết nối cộng đồng xã hội đồng hành với các nạn nhân chất độc da cam; xây dựng, phát huy vai trò tích cực, hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù; hướng dẫn thành lập, phát triển thêm Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã; kịp thời thăm hỏi, động viên nạn nhân chất độc da cam để tiếp thêm nghị lực cho họ vượt lên trong cuộc sống.


Để các nạn nhân chất độc da cam vơi đi nỗi đau và khó khăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh rất cần sự chung tay giúp đỡ, đóng góp nhiều hơn nữa từ phía doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần quan tâm giải quyết chế độ hợp lý cho nạn nhân chất độc da cam gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; hỗ trợ kinh phí cho hội cơ sở hoạt động và thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn của các nạn nhân chất độc da cam ở địa phương mình.


VĂN GIANG (Thực hiện)