11:11, 13/11/2012

Người dân lo lắng về mức phạt mới

Sau 4 ngày thực hiện xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010 của Chính phủ (có hiệu lực từ 10-11-2012), nhiều người dân tỏ ra băn khoăn khi mức phạt mới cao hơn mức cũ, nhất là đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện…”.

Sau 4 ngày thực hiện xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010 của Chính phủ (có hiệu lực từ 10-11-2012), nhiều người dân tỏ ra băn khoăn khi mức phạt mới cao hơn mức cũ, nhất là đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện…”.

Mức phạt cao

8 giờ 30 ngày 13-11, chúng tôi có mặt tại đường 23-10 (TP. Nha Trang), khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu cho anh Nguyễn Bá Dương (Diên Khánh) điều khiển ô tô hướng Diên Khánh - Nha Trang tấp vào lề đường để kiểm tra vì anh không báo hiệu trước khi vượt. Sau khi anh Dương trình các giấy tờ liên quan, Đại úy Ngô Trí Hữu, cán bộ tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT Công an TP. Nha Trang cho biết căn cứ theo Nghị định 71, đối chiếu với lỗi vi phạm, anh Dương bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng  và tước giấy phép lái xe 60 ngày (theo Nghị định 34, mức phạt chỉ là 700 ngàn đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày). Cầm biên bản trên tay, anh Dương tỏ ra bất ngờ vì mức phạt quá cao. Anh  nói: “Tôi có nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông báo về việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, nhưng tôi không biết cao như vậy. Nếu biết, tôi đã cẩn thận hơn”. Anh Phạm Bá Thịnh (quê Quảng Trị), lái xe chở xăng dầu cho biết: “Tôi đã xem qua Nghị định 71, thực tế, mức phạt một số lỗi rất cao. Có những lỗi, chỉ cần 1 tháng vi phạm 1 lần, coi như tháng đó đi làm không công. Đối với quy định “không chuyển quyền sở hữu phương tiện”, theo tôi, chỉ nên áp dụng cho ô tô, áp dụng mô tô sẽ gây khó khăn, phiền phức cho người dân”. 

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra người vi phạm giao thông theo Nghị định 71 (ảnh chụp trên đường 23-10).
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra người vi phạm giao thông theo Nghị định 71

Theo thống kê sơ bộ của Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, sau 4 ngày triển khai áp dụng theo Nghị định 71, các lực lượng làm nhiệm vụ đã xử phạt khoảng 200 trường hợp vi phạm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang cho biết, việc tăng cao mức xử phạt đối với một số lỗi vi phạm theo Nghị định 71 là phù hợp với thực tế giao thông hiện nay. Bởi hầu hết các lỗi phải tăng nặng mức phạt được quy định tại Nghị định 71 đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông như: vi phạm về tốc độ; sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cồn cho phép; dừng đỗ xe gây cản trở giao thông; lấn đường; vượt đèn đỏ…

Người dân băn khoăn về xe chưa sang tên

Một nội dung trong Nghị định 71 được nhiều người dân quan tâm nhất là quy định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Cụ thể, mức xử phạt đối với chủ ô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định là từ 6 - 10 triệu đồng; chủ xe máy vi phạm có thể bị xử phạt từ 800 ngàn - 1,2 triệu đồng.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (đường 2-4, Nha Trang) cho biết: “Mấy hôm nay, tôi thấy mọi người bàn luận rất nhiều về lỗi vi phạm xe không chính chủ. Hầu hết đều cho rằng quy định này không thực tế. Như nhà tôi có 5 người, không lẽ phải mua 5 chiếc xe máy, chỗ đâu để xe? Đó là chưa kể tiền đâu có để mua”. Còn anh Trịnh Đức Bình (đường Lê Thánh Tôn, Nha Trang) phân trần: “Chiếc xe mà tôi đang đi qua đã 4 - 5 chủ sở hữu rồi mà các chủ trước không chuyển quyền sở hữu, chỉ mua bán trao tay. Giờ tôi có muốn làm lại giấy đăng ký cũng rất khó vì không biết chủ đứng tên trong đăng ký xe là ai. Hơn nữa, xe đã quá cũ, giá trị của xe không cao nên cũng ngại đi làm lại giấy tờ”.

1
Nhiều người dân lo lắng trước quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - , mức xử phạt vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện như vậy là hợp lý. Bởi hiện nay, đa số người dân chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, việc mua bán không sang tên đổi chủ không chỉ gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước mà còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng trực tiếp xử lý vi phạm giao thông. Thời gian qua, có những vụ tai nạn giao thông xảy ra và người điều khiển phương tiện bị tử vong nhưng do xe không chính chủ nên lực lượng CSGT phải mất rất nhiều thời gian mới xác định được tung tích nạn nhân.

Tại các điểm xử lý vi phạm giao thông ở ngã tư đường Lý Tự Trọng - Quang Trung và đường 2-4 - Trần Quý Cáp (TP. Nha Trang), lực lượng CSGT chủ yếu xử lý các lỗi vi phạm thông thường như: Vượt đèn đỏ; thiếu  gương; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định… Nhưng qua đó, CSGT đã phát hiện một số trường hợp đăng ký xe đứng tên một người nhưng giấy phép lái xe lại đứng tên người khác. Tuy nhiên, hầu hết người điều khiển phương tiện đều chứng minh được là xe mượn của bạn bè hoặc người thân. Vì vậy, CSGT chủ yếu chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.

Có thể nói, để Nghị định 71 đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tuyên truyền, xử phạt của CSGT, các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng cần tuyên truyền rộng rãi nội dung của Nghị định đến mọi tầng lớp nhân dân.

CẨM VÂN

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang cho biết: Các lực lượng làm nhiệm vụ không kiểm tra tất cả những người điều khiển phương tiện; việc kiểm tra lỗi không chuyển quyền sở hữu xe chủ yếu là từ các trường hợp tham gia giao thông vi phạm một lỗi khác. Lực lượng chức năng chỉ xử phạt những trường hợp không sang tên đổi chủ khi mua xe, còn đối với những người đi xe không chính chủ nhưng có giấy tờ đầy đủ, cung cấp được chứng cứ hợp lý về việc mượn xe thì lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt. Vì vậy, những trường hợp cho mượn xe, chủ phương tiện nên giao cả giấy đăng ký xe cho người mượn để thuận tiện xuất trình khi lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vi phạm lỗi nặng, gây tai nạn giao thông…, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ giấy tờ, phương tiện, tiến hành kiểm tra, truy nguồn gốc xe và xử phạt nghiêm khắc.