10:09, 20/09/2022

Thói quen ngày Chủ nhật

Trừ những ngày Chủ nhật khác, tỷ dụ như mưa gió, ốm đau hay anh và chị có một người đi công việc, anh và chị đều có thói quen riêng trong ngày Chủ nhật.

Trừ những ngày Chủ nhật khác, tỷ dụ như mưa gió, ốm đau hay anh và chị có một người đi công việc, anh và chị đều có thói quen riêng trong ngày Chủ nhật.

 

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Chủ nhật, anh không đi làm, nhưng thói quen của anh là luôn dậy sớm. Con mèo tên Miu chị nhặt được khi nó bị ai ném ra đường trong một cơn mưa, nằm co ro đến tội nghiệp dưới gốc cây dừa trước nhà. Ngày đó, con Miu nhỏ xíu xiu, đói lắm nên vội uống sữa chị pha bỏ trong cái chén nhỏ, xong lại đi tìm một góc phòng để nằm. Còn bây giờ thì nó mập mạp và đẹp ra. Nó có thói quen vào buổi sáng là vào phòng, nhảy lên giường lấy đầu dụi vào chân tay anh cho đến khi nào anh thức dậy thì thôi. Nó đánh thức anh dậy để công việc đầu tiên của anh trong buổi sáng là lấy thức ăn hạt mua sẵn cho nó ăn.


Anh và chị ở chung nhà với nhau lâu lắm rồi, lâu như ngôi nhà ngày đầu dọn về ở, có cây hoa điệp vàng do chủ trước trồng, trở thành cây hoa cho hàng xóm qua xin vài nhánh về cắm cúng ông địa. Lâu lắm rồi như hồi đó có cây trứng cá quanh năm sai trái, mỗi đêm bầy dơi bay về tìm chỗ ngủ làm náo động cả đêm. Lâu lắm rồi như khi còn trẻ, quen gọi “anh, em” và nay không còn trẻ vẫn “anh và em”.


Lại nói chuyện về ngày Chủ nhật. Con phố mỗi ngày anh qua, anh quen phóng nhanh và theo phản xạ cứ đi đúng cung đường, thì Chủ nhật là đi con đường khác, và vẫn là con đường rất quen. Chị luôn ăn mặc đẹp để cùng ra phố. Chị nói: “Đi với chồng phải đẹp”. Anh thường đem xe ra trước cổng, kiên trì đợi chị. Rồi xe phóng ra phố. Chị ngồi sau luôn quan sát mọi điều: “A, anh ơi, có hai nhà gần nhau cùng treo cổng hoa, chắc là hai cô cậu hàng xóm yêu nhau”. Chị lại quan sát mấy quán cà phê: “Chao ơi, sao mà các quán cà phê cóc mà toàn gái xinh đẹp bán không à? Cỡ ông chồng nhà mình thì mỗi ngày ổng ghé mấy lần”. Hoặc “Anh ơi, coi cái nhà kia kìa, họ thiết kế cái cổng trắng đẹp như trong phim Hàn Quốc”…


  Những Chủ nhật trước, hai vợ chồng ghé quán bún bò trên đường Bạch Đằng. Ghé có khi phải ngồi đợi vì chủ quán bảo phải đợi giò chín, ăn mới ngon. Hai vợ chồng rời quán thì khách bắt đầu đông. Sau đó ghé sạp báo anh mua báo và cuối cùng ghé cà phê An. Cà phê An này vốn ngày xưa là cà phê Hoàng Hạc - anh chị quen chỗ ngồi đó, các cô nhân viên cũng quen mặt khách. Vật đổi sao dời, quán dời đi chỗ khác, nay chủ mới đặt tên là An. Quán An trồng rất nhiều cây khế, bàn ghế gỗ và trên bàn luôn có một chậu hoa nho nhỏ. Ngày Chủ nhật anh thường ghé hàng hoa quen mua 10 bông hồng trong khi đợi chị đi chợ. Ngôi nhà ngày Chủ nhật luôn thay lọ hoa dẫu chỉ có “anh và em” nhìn ngắm. Những Chủ nhật ấy cứ trôi qua, có khi con đường bỗng nồng nặc mùi hoa sữa hoặc những cây hoa phượng vào hè đỏ rợp một không gian gợi nhớ. Sự dành riêng ấy ngẫm lại chẳng ai có được, và những vòng xe đưa hai người qua con phố rộn ngày Chủ nhật hình như cũng rộn ràng hơn.


Nhưng Chủ nhật hôm nay là ngoại lệ. Chị bảo Chủ nhật này bạn bè gặp mặt, có nghĩa là thói quen lập lại của hai vợ chồng có chút thay đổi, có sự hiện diện của người khác. Bạn bè tổ chức cà phê, gặp gỡ, bởi lâu lắm rồi mới có dịp để tâm sự, dẫu ai cũng có facebook và liên kết với nhau. Tất nhiên là vẫn ở cà phê An, vì mọi người đều thích nơi này. Bạn bè học chung với chị từ thời cấp 3, ở một ngôi trường có nhiều hoa phượng, cả mấy chục năm rồi vẫn gắn kết với nhau, dẫu mỗi người có một cuộc sống riêng. Cuộc sống lạ lắm, khi còn trẻ người ta mang nhiều ước mơ và luôn bận rộn. Rồi đến một lúc nào đó, sự bận rộn không còn cần thiết, mà lại cần những cuộc gặp gỡ, dẫu đôi khi những cuộc gặp gỡ chỉ là nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, chúng đã nằm trong ngăn kéo ký ức lâu lắm rồi. Thường thì anh ít đi cùng chị đến những buổi họp bạn như thế này.  


Đó là một cuộc gặp mặt vô cùng thú vị. Thú vị hơn nữa là mỗi bà vợ lại mang theo một món đồ ăn để góp vào. Nào là bánh bông lan, chè và có cả khoai mì luộc, bắp luộc. Ai cũng gọi nhau là “bà” và “ông”, chỉ riêng anh và chị vẫn gọi nhau là “anh, em”. Một cô bạn khèo tay chị: “Sao hai bạn tình dữ vậy? Già rồi mà vẫn anh anh, em em”. Chị cười trong tiếng nhạc hòa tấu đang trôi thênh thang: “Chứ chẳng lẽ vợ chồng lấy nhau lâu rồi không còn xưng anh với em nữa à?”. Cả nhóm bạn à lên giống như vừa tìm ra châu Mỹ. Còn anh thì dịu dàng lấy đá bỏ vào ly cà phê cho chị. Cái thói quen chăm sóc ấy lâu lắm rồi, rất lâu, từ thuở hai người mới quen nhau của mấy mươi năm về trước.


Khuê Việt Trường