09:09, 16/09/2022

Ghé qua nhà cũ

1. Thỉnh thoảng về quê, ghé qua nhà cũ, mọi người ngồi lại với nhau kể chuyện ngày xưa. Chị vẫn hay nhắc, hồi ba với mấy đứa đi, chiều nào má cũng ra ngồi trên ghế gỗ, ngay chỗ này, cứ nhìn xa xăm, dõi mắt kiếm tìm một điều gì không rõ? Hỏi thì má chỉ cười, không nói. Cứ vậy cho tới ngày má mất mới thôi. Lần nào cũng vậy, câu chuyện chị kể con nghe đến thuộc lòng, vậy mà lần nào con cũng giọt vắn giọt dài, khóc đến cạn cả lòng.

1. Thỉnh thoảng về quê, ghé qua nhà cũ, mọi người ngồi lại với nhau kể chuyện ngày xưa. Chị vẫn hay nhắc, hồi ba với mấy đứa đi, chiều nào má cũng ra ngồi trên ghế gỗ, ngay chỗ này, cứ nhìn xa xăm, dõi mắt kiếm tìm một điều gì không rõ? Hỏi thì má chỉ cười, không nói. Cứ vậy cho tới ngày má mất mới thôi. Lần nào cũng vậy, câu chuyện chị kể con nghe đến thuộc lòng, vậy mà lần nào con cũng giọt vắn giọt dài, khóc đến cạn cả lòng.

 

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Ninh Hòa quê mình chỉ hai mùa mưa nắng nhớ thương. Cái nắng như đổ lửa xuống đường làm người ta héo hắt. Mưa thì dầm dề, dai dẳng. Nhưng con biết, chiều nào má cũng ra ngồi đó, như bà mẹ trong thi ca người ta hay hát, đếm lá mùa thu để ngóng chờ chồng con về nơi phương trời biền biệt. Mỗi ngày trôi qua dài như thế kỷ. Mỗi năm đi qua như ngàn năm mất mát mà dáng người thân cứ tăm cá bóng chim. Có chăng là vài cuộc điện thoại mỗi tuần, ít lá thư tay và vài tấm hình gửi về từ bên trời xa diệu vợi.


Căn nhà ngoại cho má làm của hồi môn mấy chục năm trước, trải qua bao biến thiên thời cuộc, rồi những đứa con lần lượt sinh ra, lớn lên, ra đi, trở về, chui rúc trong cái xó nghèo nhưng ấm áp nghĩa tình đó, giờ đã được chia làm bốn, mỗi người một góc tiếp tục bám cuộc sống quê mình, làm chỗ che nắng, che mưa cho những thế hệ kế tiếp. Con đường tung bụi mù cát trắng năm xưa giờ được bê tông hóa. Con sông Dinh năm nào xanh mát tre làng, nhánh sung, bụi mắm, bên lở bên bồi, chim kêu, bói cá lội, giờ được xây bờ kè chống xói mòn ăn sâu vào lòng đất. Cũng chẳng còn cảnh nước tràn lên bờ chảy vào làng, để tụi con trốn nhà, xắn quần đi dẫm nước rồi về bị đòn roi của má.


Mái ngói rêu phong, cổ kính, những mảng tường cũ kỹ, cái chuồng cu của ba, góc sân của má, mảnh vườn trồng ổi, trồng dừa hay mớ khoai lang, khoai tím, chỗ nuôi mấy con gà, con vịt và lũ heo ủn ỉn để cải thiện bữa ăn gia đình… giờ đã chìm sâu vào ký ức. Ngày nào tụi con ăn cùng mâm, đêm đêm trải chiếu ôm nhau ngủ, cứ tưởng đâu mới hôm qua, hôm kia, ai dè mấy chục năm đã qua cái vèo. Tụi con giờ đứa bên trời Âu Mỹ, đứa gắn bó với quê nhà, mỗi năm gặp gỡ được ít ngày, rồi đôi ngả vấn vương. Những gì thuộc về ba má, giờ chỉ còn là những câu chuyện đầu đuôi chắp vá giữa mọi người.


2. Mười sáu năm qua, con vẫn giữ lời hứa năm xưa, sẽ trở về thăm má. Chỉ có má không chịu nhớ lời hẹn cũ, một lần ra đi vĩnh viễn không về. Má đi hoài, đi mãi, tới một nơi chẳng có những vất vả, lo toan gồng gánh gia đình. Nơi này tụi còn chẳng còn như xưa nữa. Ai cũng lớn hết rồi. Mỗi người mỗi gia đình, mỗi cuộc đời riêng để lo toan, bận bịu. Mỗi đứa mỗi phương, tấp nập với cuộc sống của riêng mình. Con vẫn giữ tấm hình má ngồi trên ghế gỗ, nở nụ cười ngỡ tươi mà năm tháng chất chồng, bụi mờ dĩ vãng, nhưng chẳng gì xóa nhòa bóng dáng má trong con.


Hơn nửa đời người mê mải, mái tóc bắt đầu lấm tấm vài sợi bạc, con lại thèm như đứa trẻ ngày xưa, ngồi gọn trong lòng, để được má nâng niu, chiều chuộng. Con thèm nghe tiếng má cười, lời má nói. Con muốn đi mua bồ kết về cho má nấu nước gội đầu mỗi chiều nắng nhạt, để tóc má suôn dài như suối, chảy mát đời con. Con muốn được ngồi bên hiên nhà, cầm tay má, mở Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, hai má con mình nghe cô Thanh Nga, Lệ Thủy xuống câu vọng cổ ngọt lìm ngọt lịm…


Con đứng ngay đây, chỗ má vẫn ngồi mỗi chiều năm cũ, dẫu nhà cũ anh chị đập bỏ, xây mới cả rồi. Cái ghế gỗ cũng đã đem đi làm củi đốt. Mọi thứ thay đổi theo thời cuộc. Những đứa cháu ngày xưa con bồng con ẵm, giờ đã thành thiếu nữ mười tám, đôi mươi. Tụi nó lớn thêm, nghĩa là con đã già đi rất nhiều ba má ạ. Nhưng mỗi lần nghĩ về ba má, tụi con vẫn muốn là những đứa trẻ không bao giờ lớn, vẫn muốn được ba má la mắng như ngày nào, để tụi con biết gốc nguồn cỗi rễ, để ba má dẫu không còn tại thế nhưng vẫn như một sợi dây vô hình nối chúng con lại cùng nhau.


Nguyễn Hữu Tài