Nếu có cuộc thi, yêu cầu hãy viết về một ngôi trường xưa mình đã gắn bó với nhiều kỷ niệm, có lẽ tôi sẽ không cần phải đắn đo mà chọn ngôi trường - nơi vào những năm 1966 - 1967, tôi và nhiều đứa bạn trong thôn đã cắp sách đến để ngồi nghe thầy cô giảng bài ngay bên cạnh những căn hầm nằm dưới chân một bờ tre già rậm rạp.
Nếu có cuộc thi, yêu cầu hãy viết về một ngôi trường xưa mình đã gắn bó với nhiều kỷ niệm, có lẽ tôi sẽ không cần phải đắn đo mà chọn ngôi trường - nơi vào những năm 1966 - 1967, tôi và nhiều đứa bạn trong thôn đã cắp sách đến để ngồi nghe thầy cô giảng bài ngay bên cạnh những căn hầm nằm dưới chân một bờ tre già rậm rạp.
Là một vùng quê ven núi, lại nằm bên bờ con sông lớn ở miền Trung, vào cuối năm 1964, khi phong trào Đồng khởi lan rộng, cả xã tôi hoàn toàn được giải phóng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, tất cả đã đảo lộn. Trường học, nhà cửa một phần do bom, pháo đánh sập, phần khác qua những lần càn quét, quân Mỹ đã đốt sạch. Để bọn nhỏ chúng tôi được đến lớp, chính quyền cách mạng đã chọn nơi bờ tre già nằm ở giữa thôn và huy động bà con trong làng, cùng các anh chị du kích dùng tranh, tre dựng lên một cái lán rộng để làm trường. Bàn ghế là những thanh gỗ ghép lại rồi dùng mây buộc chặt. Ngay trước sân lán là một đường thông hào sâu quá đầu người, nối liền với những căn hầm được đào xuyên dưới lòng đất. Ngày ngày, tùy theo lớp, chúng tôi chia thành từng ca đến đây để học. Mỗi khi có pháo từ các căn cứ đóng quân của địch bắn tới hoặc máy bay đến, lập tức, cả lớp chạy ra khỏi chỗ ngồi, nhảy vội xuống giao thông hào rồi tỏa về các căn hầm để ẩn nấp.
Thầy giáo dạy chúng tôi ngày ấy là các anh chị du kích trong xã, những người trước đó đã từng đi học nhưng vì chiến tranh nên đành bỏ trường, về quê cầm súng. Sách mỗi lớp chỉ có một bộ dành cho giáo viên, do chính quyền cách mạng ở trên đưa về, còn học sinh chẳng đứa nào có. Mỗi khi vào lớp, thầy cô giáo ghi bài lên bảng và chúng tôi chép lại vào vở của mình rồi học. Dù vất vả, nhưng với chúng tôi ngày ấy, được đến trường là niềm vui không có gì sánh bằng vì ngoài việc được biết nhiều điều, chúng tôi còn được gặp bạn bè, hát ca, được chạy nhảy, vui chơi trong những phút giải lao… Dù cha mẹ bận rộn với công việc ruộng đồng, chẳng ai có thời gian nhắc nhở, nhưng chúng tôi đứa nào cũng thi đua nhau để học. Tôi nhớ mãi lời cô Tám, cô giáo phụ trách lớp 4 của tôi ngày ấy. Cô bảo: “Các em phải cố học thật chăm chỉ, vì có thể sắp đến khi chiến tranh ác liệt, chúng ta sẽ không còn được ngồi ở đây để học nữa”.
Đúng như lời cô giáo nói. Cũng như những lớp học khác, học sinh trong lớp chúng tôi đến trường thưa dần vì những trận ném bom hay những trận càn của Mỹ ngày càng dày hơn. Rồi một chiều tháng 3, khi lớp 4 chúng tôi đang tập trung làm bài toán đố thì có một chiếc máy bay trinh sát đến quần lượn trên đầu, sau đó, những chiếc phản lực từ xa bay tới gầm rú và ném bom. Chúng tôi ùa xuống những ngôi hầm trú ẩn cũng là lúc những tiếng nổ rung chuyển cả mặt đất bắt đầu. Khói bụi mù mịt ùa vào những căn hầm nhỏ. Có tiếng một đứa con gái nào đó khóc thét lên ở căn hầm bên cạnh làm cho tôi nghĩ nó bị thương. Song thật may mắn, khi trận bom kết thúc, cả cô giáo và chúng tôi không ai bị thương cả. Nhưng ngôi trường nhỏ thì không còn nữa. Một quả bom đã nổ gần đó làm cho tranh, tre, sách vở bay tung tóe và khắp nơi chung quanh là một cảnh hoang tàn chưa từng thấy…
Sau lần đó, khi ngôi trường chưa kịp dựng lại thì quân Mỹ đánh phá và càn quét liên tục. Nhiều gia đình bị địch bắt đưa về các khu dồn theo kế hoạch dồn dân của chúng. Một số gia đình còn lại theo du kích trốn trong núi. Bạn bè trong lớp của tôi ngày ấy mỗi đứa cũng đi một nơi. Đứa được ra miền Bắc để học, đứa bị địch đưa về khu dồn, một số khác theo gia đình tản cư về thành phố…
Đã bao năm trôi đi, chúng tôi, đám học trò nhỏ ngày nào, giờ đây không ít đứa đã thành đạt. Vùng quê nghèo xơ xác vì bom đạn năm xưa giờ cũng đã đổi thay rất nhiều. Tuy vậy, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại nhắc về ngôi trường nhỏ giấu mình dưới bờ tre. Tuần trước vào TP. Hồ Chí Minh, bất ngờ tôi được gặp Cường - đứa bạn một thời chung lớp với tôi, cùng trốn chung một hầm trong trận bị bom Mỹ đánh trúng trường năm ấy, hiện là kỹ sư làm việc cho một công ty nước ngoài về sản xuất, lắp ráp cầu thang máy. Chúng tôi kể bao nhiêu chuyện về quê nhà. Cường khoe với tôi: “Ông à! Cái giao thông hào ở bờ tre giữa thôn, chỗ bọn mình ngồi học đến nay nhiều đoạn vẫn còn. Tuần trước, về quê tôi có ghé đến chỗ đó”. Nói xong, Cường lại bảo: “Trường học của mình ngày xưa đúng là một cái trường độc đáo phải không ông?”…
HOÀNG NHẬT TUYÊN