10:08, 24/08/2018

Nhịp đời ở phố

Giờ má bảo má ngại ra đường, phần vì già cả, phần nữa vì con đường, góc phố nơi mình ở bây giờ đã khác - chật chội hơn, xô bồ hơn và khói bụi hơn. Không phải khói từ lò than của một nhà nào đấy nhúm lên nướng cái này cái kia, đun ấm nước hay kho nồi cá, ....

Giờ má bảo má ngại ra đường, phần vì già cả, phần nữa vì con đường, góc phố nơi mình ở bây giờ đã khác - chật chội hơn, xô bồ hơn và khói bụi hơn. Không phải khói từ lò than của một nhà nào đấy nhúm lên nướng cái này cái kia, đun ấm nước hay kho nồi cá, để bao người đi qua nhìn ngọn khói mỏng là đà trong phố mà nhớ một thời khói rạ đồng quê, mà hít hà những mùi những vị từ cái nồi trên bếp xông lên mũi. Ấy là khói nhả ra từ những chiếc xe tải chở đất cát cho những công trình đang xây mấy chục tầng, khói từ những quán cơm thịt nướng trên vỉa hè. Đó còn là bụi từ những xe bồn chạy từ sáng tới tối, là những tiếng ồn ầm ĩ từ các công trình. Có đêm má bị đánh thức bởi tiếng rầm rầm đất gạch từ công trình ngay sau nhà đổ xuống, nghe tiếng hốt hoảng của những chủ nhà sát bên dậy coi nhà mình nghiêng ngả thế nào...

 


Rồi má bảo má nhớ độ hơn hai chục năm trước, hồi mới vô đây, góc phố này, con hẻm này khi ấy nhà cửa thưa thớt, đường đi còn toàn là cát. Một sự tĩnh lặng cho những ai không thích sự ồn ào, mới từ quê lên phố như má. Má kể về những xóm giềng ngày nào chia nhau lít mắm ngon nhà làm, hay quả mít ở quê mang lên. Má nhớ nhà bên có con đi học đại học, mỗi bận cần liên lạc về nhà lại gọi nhờ điện thoại nhà mình. Niềm vui má con nhà hàng xóm gặp nhau qua cái ống nghe, nghe được giọng nói của nhau mà má vui lây, giống mỗi lần mấy đứa con cũng gọi điện về hỏi thăm má. Má nhớ cái giếng đào trong sân nhà mình là nơi xóm giềng í ới nào gàu nào xô qua hứng mỗi khi cúp nước. Bây giờ, nhà nào nhà nấy cổng, cửa đóng im ỉm. Nhà hàng xóm chuyển đi đâu mất. Căn nhà có cây cau mọc trước cổng, có giàn trầu vươn ngọn cũng được đập ra sửa sang lại, lên tầng cho khách Tàu thuê. Cũng chẳng còn cảnh sớm chiều các bà, các chị bắc ghế ra ngồi ngoài cổng, cùng nhặt bó rau hay đón ngọn gió mát lành. Cái giếng trong sân nhà vẫn còn đó nhưng đã được che đậy tấm xi măng đúc bên trên bởi nhà nào cũng có bồn tích nước, chẳng còn ai xách xô chậu qua hứng. Và khi má chợt lặng im không nói gì thì chừng như má đang nghĩ tới những người hàng xóm cùng thời với má, đi qua tuổi trẻ, qua tuổi trung niên rồi đến tuổi già, nay đã rời xa mãi con hẻm này, nhịp sống này, như ba rời xa má vậy…


Đâu cần nghe má nói tôi cũng nhận ra nhịp đời ở phố bây chừ đã khác. Cái quán cà phê cóc kiêm sạp bán báo nho nhỏ cho mấy cụ hưu tụ tập, nhâm nhi cà phê, đọc báo miễn phí, nói chuyện thời sự cũng đành đóng cửa cả ngày một thời gian dài vì không chịu nổi bụi. Xa hơn chút, ra khỏi hẻm, quán bánh của một người Đan Mạch đến đây lập nghiệp cũng thay bằng món Tàu. Bên kia là quán lẩu cũng toàn ghi chữ Tàu. Tiệm vá xe trước cửa công ty xây lắp của người đàn ông bị tật ở chân, có gương mặt khắc khổ mà hiền lành giờ cũng chẳng còn. Chẳng biết giờ người có còn hay đã thành gió bụi mây bay...


Phố ấy, ra ngõ là gặp quán cà phê, trà sữa. Phố ấy, giờ thành phố ăn uống, với những nhà hàng Nhật, Thái, Trung. Những tạp nham mùi và khói. Những đoàn xe đủ kiểu dài dằng dặc bất kể sớm chiều.


Mà đâu chỉ một góc phố nơi má ở, lắm góc phố như vậy cũng đã thay đổi nhiều.


Mọi thứ ấy, với một người già bao năm quanh quẩn nơi mái nhà, góc bếp của mình, chỉ thích sự bằng an, tĩnh lặng, thành ra ngột ngạt lắm.


Nhưng ngoài kia vẫn còn nhiều thứ lắm để biến những ngột ngạt của khói bụi, của những xô bồ thành những ngọt ngào trong mình mà má. Chỉ là má chưa đi đủ xa ngôi nhà của mình, con hẻm của mình, góc phố nơi mình ở để bất chợt nhìn lên trời cao, trong ánh nắng tắt dần của một ngày mà ngẩn ngơ với mùa cây bàng thay lá. Những chiếc lá đỏ, lá vàng cứ như lẽ tự nhiên nghiêng mình đáp xuống hè phố, rơi dưới chân người. Để có người cũng nghiêng mình, giơ máy lên bấm mấy kiểu ảnh, bởi biết chỉ hôm sau thôi, khung trời cũ trên quãng đường về nhà ấy sẽ không còn, sẽ nhanh chóng đổi màu dù cho đó là những lộc non xanh nõn.


Má cũng chưa lạc trôi vào con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo nào đấy, ở một góc chợ nhỏ nào đấy, bắt gặp một bà hàng tay phe phẩy quạt nan, bên lò than đỏ lửa đổ bánh thuẩn một ngày giữa tháng Chạp. Con nhìn mà tay lái khựng lại đôi chút khi nhớ một thời trẻ con lăng xăng bên má, bên nội đổ bánh những ngày tết xưa.


Má cũng chẳng đi đâu xa để bắt gặp đôi chị đầu đội nón lá, gánh những thúng cải ngồng non nhà trồng. Màu vàng hoa cải hẳn sẽ không phai trong má những ngày ở quê, từ bên này sông nhìn qua những vạt hoa cải vàng rực hệt như trong bộ phim má coi thời xa lắc nào đấy.


Má cũng đâu còn những ngày chen buổi chợ để bắt gặp cô bé quê với thúng thị vàng. Chợ ngột ngạt hơi người mà hương thơm của thị cứ len lỏi tìm rồi quẩn quanh hồn người, đánh thức cả một vùng ký ức. Hai ngàn đồng một quả thôi, con mua về cả chục quả cho thơm góc phòng nhỏ nhà mình, sẻ chia với mấy đồng nghiệp chút hương nồng nàn, để nhớ những ngày thơ bé con cùng mấy đứa em nâng niu, lấy dây cước đan giỏ cho quả thị vàng mẹ mua cho.


Và có lẽ má đã quên một buổi tối nào đấy nằm nghe tiếng gà gáy bên tai, má bảo tự dưng má nhớ thời còn ở quê quá. Thế rồi chuyện quê lại được dịp tỉ tê qua hồi ức của má. Má biết không, thì ra là bà giáo già cách nhà mình một căn vui vầy với mấy con gà thả nuôi trên sân thượng. Tầng dưới cho thuê shop thời trang kiếm đồng ra đồng vào, gà nuôi trên cao chắc cũng chỉ có bà giáo già mới nghĩ ra, để dành tết này hai đứa con ở Sài Gòn về, hay biết đâu cũng như má, giữa phố mà nhớ cái thời xưa nào đấy của mình, giữa cái chật chội của phố, của người hôm nay mà mượn mấy con gà làm bạn. Má cũng đâu biết có ông mù bán chổi ngồi ở góc ngã tư đường, hôm nào cũng có bóng người dừng xe lại, một nữ sinh, một anh lái taxi hay người phụ nữ đậm người nào đấy, sẻ chia chút tình thơm thảo. Tình người ở phố vẫn đong đầy ấy thôi...


Mà hình như là con đang gắng gỏi đưa má trôi theo nhịp đời của mình, nhịp đời đứng lại trong những khoảnh khắc mà thôi, còn nhịp đời ở phố đang dần tan loang trong cái nhìn hoài cổ của má!


B.T