21:51, 23/05/2023

Đọc tiểu thuyết lịch sử

Tiểu thuyết lịch sử được viết như thế nào cho lôi cuốn khi người đọc đã biết rõ cái kết của câu chuyện? Nhà văn đã dựa vào những tư liệu nào để viết nên tác phẩm... là những vấn đề người đọc thường đặt câu hỏi khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết lịch sử.

Trong một buổi tọa đàm với chủ đề “Nữ nhi và lịch sử” tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4-2023, nhà văn Trần Thùy Mai, tác giả 2 bộ tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ thái hậu” (xuất bản năm 2019) và “Công chúa Đồng Xuân” (xuất bản năm 2022) chia sẻ: “Lịch sử cho chúng ta biết về những sự kiện đã xảy ra, còn tiểu thuyết lịch sử sẽ cho người đọc biết diễn biến câu chuyện, trong đó có cảm xúc, cảm nhận, suy luận... của người viết. Nói cách khác, bên cạnh tính chính xác của lịch sử còn thêm tính hư cấu của sự kiện để người đọc dễ tiếp cận với lịch sử. Giữa những sự kiện lịch sử luôn có những khoảng trống để nhà văn sáng tạo, thể hiện quan điểm, cách nhìn của mình về sự kiện đó”.

Người đọc tiểu thuyết lịch sử chắc chắn sẽ kiểm tra tính chính xác của diễn biến sự kiện lịch sử. Bây giờ, khi việc tra cứu lịch sử nhanh chóng chỉ bằng những từ khóa trên Google, người đọc sẽ dễ dàng tìm ra câu chuyện đã xảy ra trong lịch sử, mở rộng tầm hiểu biết chung quanh sự kiện đó... Việc dẫn dắt câu chuyện chính là cái tài của người viết cuốn người đọc vào câu chuyện.

Người đọc tiểu thuyết lịch sử cũng sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, bên cạnh những sự kiện lịch sử phải đảm bảo tính chính xác, vẫn có những điều rất mơ hồ và không phải người viết sử nào cũng viết rõ ra hết. Do đó, đôi khi họ sẽ phân tích, tìm hiểu giữa những điều nhà văn viết ra còn có ẩn ý nào không.

Nhà văn Trần Thùy Mai đã chia sẻ về nguồn tư liệu khi chị viết 2 bộ tiểu thuyết lịch sử trên là 2 bộ sử viết về triều Nguyễn Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện. Đại Nam thực lục chép về sự kiện lịch sử, còn Đại Nam liệt truyện là câu chuyện chép về gia đình, nhân thân những nhân vật hoàng hậu, quan, hoàng tử, công chúa... Về sinh hoạt đời Nguyễn xưa, chị tham khảo trong bộ Đại Nam hội điển sự lệ, nói về những quy tắc, quy chế, sinh hoạt của triều đình Nguyễn; hay những tài liệu của người nước ngoài viết về sử Việt Nam thời kỳ đó... Một nguồn nữa là văn học dân gian. Chị có 10 năm làm việc ở Đại học Sư phạm Huế với việc sưu tập ca dao, chuyện kể dân gian Huế... Đây là nguồn bổ sung những giai thoại thú vị hơn chuyện kể trong sử. Giai thoại chưa chắc đã có thật nhưng tiểu thuyết có thể sử dụng giai thoại cho hấp dẫn thêm.

Nói vậy để thấy, để viết nên bộ tiểu thuyết lịch sử hay, tuy là một câu chuyện đã biết được kết cục nhưng người đọc sẽ thích thú với sự tưởng tượng phong phú của nhà văn; sẽ lần theo dấu vết của lịch sử một cách nhẹ nhàng, không khô cứng và có thể có những suy luận khác với nhà văn, cả sự phản biện, nếu có. Đọc tiểu thuyết lịch sử, người đọc không chỉ theo dõi như một câu chuyện giải trí, bên cạnh đó còn là sự nhận định khi được cuốn vào dòng chảy lịch sử.

Theo ý tôi, trong thời đại hiện nay, tiểu thuyết lịch sử không phải là sự chọn lựa của nhiều bạn đọc trẻ, khi ngồn ngộn dữ liệu đời thường cuốn họ đi với những đề tài thiết thực hơn. Tuy nhiên, đọc tiểu thuyết lịch sử, người đọc được tiếp cận lịch sử một cách nhanh nhất và thú vị nhất bằng sự lao động nghiêm túc, đảm bảo tính chính xác, trung thực về lịch sử của nhà văn; là cách họ tìm hiểu và biết nhiều hơn về lịch sử nói chung...

KIM DUY