Ngay từ khi ra đời, "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. 80 năm qua, văn học nghệ thuật đã trở thành phương tiện biểu đạt các giá trị văn hóa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước. Tuy nhiên, còn không ít thách thức đặt ra đối với giới văn học nghệ thuật trong việc phát huy và vận dụng sáng tạo "Đề cương về văn hóa Việt Nam" trong tình hình mới.
Ngay từ khi ra đời, "Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. 80 năm qua, văn học nghệ thuật đã trở thành phương tiện biểu đạt các giá trị văn hóa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước. Tuy nhiên, còn không ít thách thức đặt ra đối với giới văn học nghệ thuật trong việc phát huy và vận dụng sáng tạo "Đề cương về văn hóa Việt Nam" trong tình hình mới.
Lĩnh vực tinh tế cốt lõi của văn hóa
Ngay sau khi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (Đề cương) ra đời, Hội Văn hóa cứu quốc đã được thành lập để thực hiện chủ trương của Đảng là “hoạt động mạnh trên mặt trận văn hóa, văn nghệ”. Có thể nói, sự ra đời của Đề cương đã thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ dấn thân vào sự nghiệp cứu nước, hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, tư tưởng. Những nội dung của Đề cương đã giúp định hướng xây dựng tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật, từ đó có những chỉ đạo, đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật tạo nhiều dấu ấn trong 80 năm qua.
Qua mỗi chặng đường phát triển, Đảng ta luôn nhận thức rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức; giương cao ngọn cờ chí hướng, mở rộng con đường cho văn nghệ sĩ cống hiến tài năng và sức lực, tận hiến cho sự nghiệp cứu nước và phát triển đất nước. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ mới" đã khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng Chân, Thiện, Mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam".
Như PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: Nhìn lại 80 năm qua, giới văn học nghệ thuật đã không quản hy sinh, gian khổ, tâm huyết phát huy lòng yêu nước, đoàn kết đội ngũ những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật, tận tụy đem hết tài năng, sức lực, cống hiến sáng tạo những tác phẩm xứng đáng, trong đó có những tác phẩm tầm cỡ của những tài năng lớn, ghi dấu ấn vẻ vang của thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra của đời sống xã hội và cuộc sống của con người; xây dựng đời sống văn hóa mới, lành mạnh, đề cao phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam...
Những “khoảng trống” từ thực tiễn
Bước vào thời kỳ đất nước mở cửa, đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng văn học nghệ thuật vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn xã hội, chưa thỏa mãn được nhu cầu của nhân dân. Một trong những nguyên nhân quan trọng tác động không tốt tới đời sống văn học nghệ thuật trong những năm qua, theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đó là do còn tồn tại nhiều điểm nghẽn về cơ chế chính sách để đưa các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ đi vào đời sống. “Các cơ quan quản lý quá chậm trễ trong việc xây dựng, tham mưu với các cơ quan chức năng để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tình trạng trên góp phần làm cho định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng chậm hoặc chưa đi vào thực tiễn cuộc sống, làm cho đội ngũ văn nghệ sĩ và chính các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong quá trình sáng tạo, trong giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống” - NSND Thúy Mùi nhận định.
Bên cạnh những tồn tại xuất phát từ vấn đề nhận thức, cơ chế lãnh đạo, quản lý..., việc thiếu chủ động, thiếu sáng tạo của các tổ chức và cá nhân văn nghệ sĩ; việc đầu tư nguồn lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự “chững lại” của văn học nghệ thuật trong thời gian qua. Nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình trăn trở: “Chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa văn nghệ - nền tảng tinh thần của xã hội, chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Một số cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng và thiếu hiểu biết đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của văn học nghệ thuật, chậm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng. Đầu tư cho văn hóa, văn nghệ chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả”.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự trăn trở trước thực trạng của văn học nghệ thuật, đó là “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”. Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đây là “một câu hỏi lớn, một nhiệm vụ nặng nề" cho giới văn học nghệ thuật trong việc phát huy và sáng tạo Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.
Phát huy giá trị trong tình hình mới
Vai trò nền tảng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” cùng với các văn kiện của Đảng về đường lối văn hóa văn nghệ ở các thời kỳ tiếp sau (Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII năm 1998, Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2008, Nghị quyết số 33 - NQ/TW năm 2014) và đặc biệt là Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24-11-2021 chính là “kim chỉ nam” dẫn đường cho văn học nghệ thuật phát triển. Nhìn từ thực trạng của văn học nghệ thuật hiện nay, thấy rõ còn nhiều việc cần làm cho một nền “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Tại buổi tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam với sự phát triển của văn học Việt Nam” do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 3-2023, nhiều đại biểu đã đề xuất giải pháp nhằm phát huy giá trị, vai trò của văn học nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh tới việc bổ sung, hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu mới trong hoạt động văn học nghệ thuật; chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá giá trị, thành tựu của văn học nghệ thuật; kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc thiểu số..., đặc biệt là quyết liệt thực hiện nghị quyết đã có của Đảng về văn học nghệ thuật nói riêng và về văn hóa nói chung.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, nên đặt sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật trong mối tương quan với phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế để đảm bảo kỷ cương, tạo môi trường cho văn học, nghệ thuật có thể thực hiện chức năng cao cả của mình; chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới...
Để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức cần không ngừng vượt lên trong bối cảnh quốc tế và quốc gia biến chuyển mau lẹ, phức tạp với những đòi hỏi mới để phát huy giá trị, ý nghĩa của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. “Trước mắt, văn nghệ Việt Nam cần tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Thêm nữa, cần thực thi các giải pháp cấp bách, tiếp tục bổ sung, phát triển, vận dụng những tư tưởng cốt lõi của Đề cương, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại; phấn đấu có thêm nhiều tài năng lớn với khát vọng ra đời những công trình văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật tầm cỡ, để đời thuộc các loại hình, phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước đổi mới...” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Theo Hà Nội Mới