11:07, 01/07/2022

Băn khoăn thực trạng chữ viết, trang phục Raglai

Chữ viết, trang phục là một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện và phân biệt rõ ràng nhất đặc trưng của dân tộc này với dân tộc khác. Thế nhưng hiện nay, thực trạng về chữ viết, trang phục của đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm để giữ gìn, phát huy.

Chữ viết, trang phục là một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện và phân biệt rõ ràng nhất đặc trưng của dân tộc này với dân tộc khác. Thế nhưng hiện nay, thực trạng về chữ viết, trang phục của đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang đặt ra những vấn đề cần được quan tâm để giữ gìn, phát huy.


Có ngôn ngữ nhưng không có chữ viết


Đồng bào Raglai vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết. Tuy nhiên, theo sự phát triển của thời gian, những người quan tâm đến văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai đã tìm tòi, xây dựng nên bộ chữ để ghi âm tiếng nói Raglai theo dạng ký tự Latinh. Cụ thể, năm 1993, các ông Trần Vũ và Mấu Quốc Tiến đã thực hiện thành công đề tài: Sưu tầm, nghiên cứu và hoàn thiện chữ viết tiếng Raglai. Cuốn từ vựng tiếng Raglai - Việt với 6.000 từ và sách giáo khoa dạy chữ viết Raglai được ra đời trên cơ sở đó. Việc xây dựng được bộ chữ ghi tiếng Raglai, cùng với việc mở các lớp dạy tiếng nói, chữ viết Raglai cho đội ngũ giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức công tác ở những địa phương có đông đồng bào Raglai sinh sống đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giao tiếp.

 

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn mặc những bộ trang phục nhiều màu.

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn mặc những bộ trang phục nhiều màu.


Nhưng đến thời điểm hiện tại, các lớp dạy học tiếng nói, chữ viết Raglai ở các địa phương đã không còn được duy trì. Thực tế các lớp này, thành phần học viên chủ yếu cũng là người Kinh, còn số lượng người Raglai học rất ít. Chính vì thế, mặc dù trong đời sống sinh hoạt thường nhật, đồng bào Raglai ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm và TP. Cam Ranh vẫn nói tiếng của dân tộc mình, nhưng lại không có mấy người biết viết những câu nói của mình ra văn bản. Học sinh người dân tộc Raglai cũng không được học chữ viết để ghi tiếng nói của dân tộc mình. Do vậy,  công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Có rất nhiều câu chuyện dân gian, làn điệu dân ca đã không được đồng bào ghi lại thành văn bản nên dần bị biến mất theo thời gian và sự ra đi của lớp người cao tuổi.


Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Chữ viết của người Raglai vẫn chưa được công nhận và đưa vào danh mục chữ viết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Vậy nên, bộ chữ viết ghi âm tiếng Raglai ở tỉnh Ninh Thuận lại khác với bộ chữ viết ghi âm tiếng Raglai ở Khánh Hòa. Các địa phương có đông đồng bào Raglai sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng chưa có trường học nào dạy chữ viết Raglai cho học sinh người Raglai”.


Trang phục mỗi nơi một kiểu


Hàng năm, mỗi lần tham dự Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đều băn khoăn với phần giới thiệu trang phục người Raglai của các địa phương. Trang phục của người Raglai ở huyện Khánh Sơn theo một kiểu, ở huyện Khánh Vĩnh lại kiểu khác, đến huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh cũng không giống nhau. Sự khác biệt đó đến từ kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, họa tiết… Thậm chí, ở huyện Khánh Sơn, trang phục của người Raglai ở mỗi xã cũng khác nhau. Theo ông Cao Điệp Phới - người có uy tín ở thôn Giải Phóng (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh), trang phục của đồng bào Raglai, chủ yếu là trang phục cho nữ giới ở đây chỉ có 2 màu đen - trắng. Trong đó, màu đen là chủ đạo, màu trắng mang tính chất trang trí. Còn những bộ trang phục màu đen - đỏ, thậm chí nhiều màu, nhìn thấy đẹp mắt, nhưng không đúng như trang phục ngày xưa của người Raglai mà đã bị lai trộn nhiều trang phục của các dân tộc ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai đề xướng được những mẫu trang phục nhất quán của người Raglai ở các địa phương trong tỉnh.  


Việc phát huy vai trò những bộ trang phục truyền thống vào cuộc sống thường ngày của đồng bào Raglai cũng gặp khó khăn. Từ năm 2020, các địa phương đã triển khai thực hiện các nội dung của đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó có trang phục đồng bào Raglai, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn chưa thật sự nổi bật. Ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm và TP. Cam Ranh, trang phục dân tộc chỉ được đồng bào Raglai mặc trong những hoạt động văn hóa, văn nghệ, còn thường ngày đồng bào mặc trang phục của người Kinh. Thực tế này khiến cho những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc vận động, khuyến khích người dân, nhất là học sinh mang trang phục dân tộc đều không được như kỳ vọng.


Cần giải pháp mang tính tổng thể


Với nỗ lực phổ biến chữ viết tiếng Raglai, thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã xây dựng chương trình Tự học tiếng Raglai trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện. Còn ở TP. Cam Ranh đã thực hiện việc kiểm kê trang phục truyền thống của đồng bào Raglai; có văn bản khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc khi tham gia các hoạt động lễ hội ở địa phương. Huyện Khánh Vĩnh cũng đã tiến hành phổ biến trang phục dân tộc, trong đó có trang phục đồng bào Raglai vào các trường học, với mục tiêu phấn đấu mỗi học sinh có 1 bộ trang phục của dân tộc mình để mặc đến trường vào những ngày theo quy định… Những nỗ lực đó, nếu thành công cũng chỉ giải quyết được câu chuyện của từng địa phương, còn trên bình diện chung vẫn cần những giải pháp căn cơ, mang tính tổng thể hơn.


Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, trước mắt cần nghiên cứu, xem xét việc đưa bộ chữ viết của người Raglai vào dạy trong các trường học ở những địa bàn có đông đồng bào Raglai sinh sống. Ngành Văn hóa phải bắt tay vào việc thực hiện những công trình nghiên cứu về chữ viết, trang phục của đồng bào Raglai; chủ trì tổ chức hội thảo về sắc phục Raglai không chỉ ở Khánh Hòa mà cả các tỉnh có người Raglai sinh sống. Qua đó thảo luận và có thể đi tới thống nhất về mẫu trang phục chung cho người Raglai.


Cùng chung quan điểm trên, bà Ca Tông Thị Mến cho rằng, hiện tại vẫn chưa thống nhất được hoa văn, màu sắc, kiểu dáng trong trang phục của người Raglai. Đây vẫn còn là vấn đề bàn cãi, bởi mỗi nơi có một kiểu khác nhau. Chính vì thế, rất cần thiết phải tổ chức một hội thảo về trang phục Raglai ở tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh khác trong khu vực.


Giang Đình