11:05, 12/05/2020

Để bài chòi bám rễ vào cuộc sống

UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt nguồn kinh phí hơn 6,7 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bài chòi từ nay đến năm 2023.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt nguồn kinh phí hơn 6,7 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bài chòi từ nay đến năm 2023. Với 7 nhiệm vụ cụ thể sẽ được các sở, ngành, địa phương triển khai, hứa hẹn mang đến những chuyển biến tích cực đối với loại hình diễn xướng dân gian này.


Dòng chảy bài chòi


Bài chòi là một loại hình trò chơi dân gian đặc trưng ở khu vực Duyên hải miền Trung. Giá trị của trò chơi này được nâng tầm nghệ thuật nhờ những làn điệu dân ca, những câu hát có nội dung độc đáo để xướng tên 27 quân bài. Cùng với các tỉnh, thành khác trong khu vực, bài chòi dân gian Khánh Hòa cũng thuộc diện được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trải qua những thăng trầm, dòng chảy bài chòi vẫn được duy trì, tiếp nối ở xứ Trầm Hương. Vào những ngày lễ, Tết, tiếng hô hát bài chòi vẫn rộn ràng ở nhiều nơi, đem lại niềm vui cho mọi người. Các nghệ nhân bài chòi dân gian cũng có những cố gắng để truyền dạy, phổ biến cho lớp trẻ. “Gia đình tôi hiện có 3 thế hệ đều biết hô hát bài chòi. Thấy con cháu trong nhà yêu thích và tiếp nối được truyền thống, tôi rất mừng. Tuy thu nhập từ bài chòi không đáng bao nhiêu, nhưng có cơ hội được hô hát, đem niềm vui đến cho mọi người là chúng tôi thấy vui rồi”, nghệ nhân Lê Thị Yến (71 tuổi, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) cho biết.

 

Hội  chơi bài chòi diễn ra  ở khu vực Quảng trường 2-4  (TP. Nha Trang).  (Ảnh minh họa)

Hội chơi bài chòi diễn ra ở khu vực Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang). (Ảnh minh họa)


Để dòng chảy bài chòi được liền mạch, từ hơn 10 năm nay, ngành Văn hóa tỉnh đã có những hoạt động mang tính chất bảo tồn. Các lớp tập huấn, truyền dạy về bài chòi dân gian đã được mở ở nhiều địa phương. Từ đó, hàng trăm người nắm được làn điệu, cách hát, nội dung những câu hô tên các quân bài. Những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành, phát triển của nghệ thuật bài chòi cũng được phổ biến đến những nghệ nhân, người làm công tác văn hóa. Bài chòi dân gian được đưa vào các trường học để giới thiệu cho học sinh biết về cái hay, cái đẹp của loại hình diễn xướng này. Hội hô bài chòi cũng được tổ chức vào mỗi dịp cuối tuần, những ngày Tết tại khu vực Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang) để người dân và du khách vui chơi…


Tuy nhiên, việc bảo tồn di sản bài chòi vẫn chưa thực sự đồng bộ, rộng khắp và đất diễn của bài chòi còn hạn chế. “Chúng tôi từng được các nghệ nhân ở Bình Định vào truyền dạy bài chòi. Nhờ đó, mỗi người cũng thuộc được vài chục câu hô bài để sử dụng trong mỗi hội chơi. Nhưng việc thực hành hô hát bài chòi vẫn còn quá ít. Mong muốn của chúng tôi là có nhiều sân chơi bài chòi hơn để trình diễn và cũng là cơ hội rèn luyện cho mỗi người”, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Chi (tổ dân phố Phú Lộc Đông 3, huyện Diên Khánh) cho biết.


Cú hích cho nghệ thuật bài chòi


Theo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa do UBND tỉnh phê duyệt, các ngành và địa phương liên quan sẽ có trách nhiệm thực hiện nhiều nội dung công việc cụ thể để mang lại diện mạo mới cho bài chòi. Từ việc xây dựng ấn phẩm, tài liệu về bài chòi đến phục dựng điểm trò chơi dân gian hô bài chòi; tạo điều kiện cho các tổ chức, nghệ nhân thực hành, sáng tạo, truyền dạy về bài chòi; giới thiệu các giá trị nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa trong nhà trường, hoạt động du lịch… Trong khoảng 3 năm, các ngành, địa phương phải hoàn thành 7 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gồm: Tuyên truyền về di sản bài chòi trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện địa phương; tiến hành phục dựng toàn bộ các tuồng, lớp, tích về nghệ thuật bài chòi dân gian; triển khai việc bố trí địa điểm để làm khu vực tổ chức trò chơi hô bài chòi ở thị xã Ninh Hòa và duy trì hoạt động này; sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu, hiện vật về bài chòi. Cùng với đó, tổ chức hoạt động sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi tại các trường ở 6 địa phương: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh; nghiên cứu hoàn thiện về nghệ thuật bài chòi dân gian nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị; tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá di sản bài chòi đến các doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước. Tổng kinh phí để triển khai cụ thể các nhiệm vụ trên hơn 6,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Khi triển khai đề án, chúng ta huy động được mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản bài chòi. Sở Văn hóa và Thể thao sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương để tổ chức thực hiện đề án”. Theo ông Nguyễn Hữu Hào - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, đề án đã đáp ứng được mong mỏi của chính quyền và người dân thị xã trong việc phục hồi nghệ thuật bài chòi. Thời gian tới, thị xã sẽ xây dựng phương án cụ thể để triển khai thực hiện những nội dung liên quan.


Giang Đình