12:05, 09/05/2020

Mức chi cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ: Cần được điều chỉnh

Hiện nay, mức chi kinh phí cho hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ đã không còn phù hợp với thực tế. Việc đưa ra được mức chi mới cho công tác này và sớm áp dụng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khảo cổ.

Hiện nay, mức chi kinh phí cho hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ đã không còn phù hợp với thực tế. Việc đưa ra được mức chi mới cho công tác này và sớm áp dụng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khảo cổ.


Lâu nay, việc chi kinh phí cho các nội dung cụ thể của hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 104 năm 2007 của Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Căn cứ vào đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về mức chi cho công tác này bằng 83% đến 100% so với Thông tư 104. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, mức chi cho từng công việc của hoạt động khảo cổ đã không còn phù hợp với thực tế. “Mức chi theo Thông tư 104 ở thời điểm hiện tại là quá thấp, theo quy định của UBND tỉnh lại bằng hoặc thấp hơn. Lấy ví dụ, chi thù lao cho cán bộ khoa học, kỹ thuật chỉ từ 100.000 đến 120.000 đồng/ngày; đối với chuyên gia tư vấn khoa học chỉ từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày; thuê khoán nhân công đào, khai quật khảo cổ chỉ 70.000 đồng/ngày… Hoạt động khảo cổ mang tính đặc thù và tính thời vụ chứ không thường xuyên, nên chăng cần có mức chi mới cao hơn để phù hợp với tình hình thực tế”, ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

 

Các hiện vật khảo cổ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. (Ảnh minh họa)

Các hiện vật khảo cổ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. (Ảnh minh họa)


Nhận thấy mức chi cho công tác khảo cổ không còn phù hợp nên tháng 9-2019, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 67 quy định nội dung, mức chi cho hoạt động này. Điểm mới quan trọng của thông tư là nâng mức chi tối đa các nội dung khảo cổ từ 50% lên đến 350% so với quy định tại Thông tư 104. Căn cứ phạm vi này, các địa phương sẽ tự quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đảm bảo theo quy định pháp luật.


Mới đây, UBND tỉnh đã có tờ trình và dự thảo Nghị quyết về quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng thực hiện là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khảo cổ. Mức chi cụ thể cho từng nội dung như: thù lao cho cán bộ khoa học, kỹ thuật; thù lao đối với chuyên gia tư vấn khoa học; thuê khoán nhân công đào, thăm dò, khai quật khảo cổ; viết báo cáo; lập hồ sơ khoa học… đều bằng 80% so với mức kinh phí quy định tại Thông tư số 67. Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động khảo cổ học không phải là hoạt động diễn ra thường xuyên, quy mô, thời gian thực hiện các dự án khảo cổ cũng không cố định, vậy nên việc dự toán tổng mức kinh phí hàng năm cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ rất khó khăn. Việc áp dụng mức chi bằng 80% mức chi của Thông tư số 67 là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, cũng như đáp ứng được tính linh hoạt, yếu tố đặc thù của công tác này.


Theo bà Phạm Thúy Quỳnh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, việc áp dụng mức chi cho công tác khảo cổ là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Để chủ trương này sớm được thông qua và áp dụng vào thực tế, Sở Văn hóa và Thể thao cần nhanh chóng có báo cáo về thực trạng khảo cổ trên địa bàn tỉnh lâu nay; nhu cầu cần thiết của công tác khảo cổ học trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào những nội dung của tờ trình, dự thảo nghị quyết và các báo cáo liên quan, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ trình tại kỳ họp HĐND sắp tới để các đại biểu xem xét, thông qua.


Qua thống kê của Bảo tàng tỉnh, tại Khánh Hòa đã phát hiện 59 địa điểm khảo cổ và khu vực có dấu hiệu di tích khảo cổ giai đoạn tiền sử và sơ sử. Các di tích tiền, sơ sử ở Khánh Hòa đều nằm ven các vịnh biển như: Cam Ranh, Vân Phong và nằm rải rác ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Khánh Sơn. Các di tích khảo cổ đã được khai quật như: Hòa Diêm, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Gò Miếu... thu được nhiều hiện vật quý. Trong đó, di chỉ Hòa Diêm đã được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Ngoài ra, tiềm năng khảo cổ ở Khánh Hòa được giới chuyên môn đánh giá vẫn còn rất lớn. Chính vì thế, việc sớm áp dụng mức chi mới sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khảo cổ.


Giang Đình