Bảo tàng ngư cụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang là nơi sưu tầm, lưu giữ hơn 100 mẫu vật trưng bày các ngư cụ từ truyền thống đến hiện đại của nghề cá Việt Nam.
Bảo tàng ngư cụ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang là nơi sưu tầm, lưu giữ hơn 100 mẫu vật trưng bày các ngư cụ từ truyền thống đến hiện đại của nghề cá Việt Nam.
Hơn 100 mẫu vật về nghề cá
Ông Nguyễn Viết Hùng, quản lý Bảo tàng ngư cụ cho biết, từ năm 2007, nhà trường chuyển Phòng trưng bày ngư cụ của bộ môn Công nghệ khai thác thủy sản (Khoa Khai thác) thành Bảo tàng ngư cụ. Bảo tàng có diện tích gần 500m2, hiện lưu giữ, trưng bày hơn 100 mẫu vật đại diện cho các ngành nghề khai thác thủy sản đã xuất hiện tại nước ta. Các mẫu vật được chia thành 5 nhóm gồm: ngư cụ đóng (các loại lưới rê đơn, rê kép, rê hỗn hợp), ngư cụ lọc (lưới rùng, lưới vây, lưới chụp, lưới mành…), ngư cụ kéo (các loại lưới kéo đơn, lưới kéo đôi…), ngư cụ cố định và ngư cụ bẫy (đăng, nò, lồng bẫy…), ngư cụ câu (câu vàng, câu tây…). Ngoài các mẫu vật do cán bộ, giảng viên Viện Công nghệ và Khai thác thủy sản tìm kiếm hoặc thực hiện mô hình, còn có các mẫu vật do các thế hệ sinh viên của trường sưu tầm, đóng góp, trong đó có những ngư cụ khai thác thủy sản cổ truyền tinh xảo đang có nguy cơ mai một.
Một trong những mẫu vật được coi là kỳ công và mất nhiều thời gian bố trí nhất của bảo tàng là mô hình địa hình sông biển, bố trí các loại ngư cụ đại diện cho những ngành nghề khai thác thủy sản kể từ xa xưa. Trên cơ sở những thông tin, kiến thức về các vùng nước, các cán bộ, giảng viên của Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản đã nghiên cứu và thể hiện ngành nghề khai thác bằng cách gắn các loại ngư cụ đặc trưng với từng vùng nước như: nơm úp cá, các mô hình hệ thống lưới bẫy cá ở nhiều vùng miền… Qua đó, giúp người xem hình dung được lịch sử nghề khai thác thủy sản của dân tộc và sự hiểu biết, sáng tạo, khéo léo của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.
Các mô hình tàu thuyền từ thô sơ đến hiện đại cũng là một trong những điểm thu hút của Bảo tàng ngư cụ, là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện tỉ mỉ của các cán bộ, giảng viên để tạo nên những mô hình gần giống nhất với thực tế. Được thực hiện gần đây nhất là mô hình tàu cá công suất 820CV, tỷ lệ 1/35 theo tiêu chuẩn tàu cá vỏ thép thực hiện theo Nghị định 67 của Chính phủ. Hình ảnh con tàu vỏ thép đã được tái hiện với những chi tiết đặc trưng và tỷ lệ chuẩn xác như: hầm bảo quản thủy sản, dàn lưới, dàn đèn, hệ thống ống nước trên tàu…
Địa điểm tham quan, thực hành
Hiện nay, Bảo tàng ngư cụ phục vụ nhu cầu dạy học, tham quan, nghiên cứu của sinh viên các ngành thủy sản, kinh tế nông nghiệp cũng như cán bộ nghiên cứu, du khách và cựu sinh viên. Ở đây, với sa bàn vùng biển Việt Nam, giảng viên có thể truyền đạt kiến thức và hướng dẫn sinh viên quan sát những đặc điểm của vùng biển Việt Nam một cách sống động và trực quan nhất. Với những môn học cần quan sát trực tiếp các ngư cụ, sinh viên có thể đến bảo tàng để tìm hiểu mà không phải đi đến các cảng biển, mặt khác có thể quan sát cả những ngư cụ từ xa xưa không còn thông dụng trong nghề cá hiện nay.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, hàng năm, Bảo tàng ngư cụ bổ sung thêm các mẫu vật thông qua việc sưu tầm, tìm kiếm, hoặc do chính cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nha Trang làm nên. Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học, bảo tàng cũng hướng đến trở thành địa điểm tham quan giới thiệu về lịch sử ngành nghề khai thác thủy sản từ truyền thống đến hiện đại của đất nước.
H.NGÂN