10:04, 08/04/2020

Có những ngày sống chậm

Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Chồng làm trong ngành du lịch nên tạm thời nghỉ việc. Là nhân viên văn phòng nên mình may mắn hơn, được ở nhà làm việc online. Công việc không nhiều, lại không phải tất bật đưa đón con đi học nên mình rảnh rỗi hơn...

Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Chồng làm trong ngành du lịch nên tạm thời nghỉ việc. Là nhân viên văn phòng nên mình may mắn hơn, được ở nhà làm việc online. Công việc không nhiều, lại không phải tất bật đưa đón con đi học nên mình rảnh rỗi hơn. Những ngày đầu ở nhà, mình vốn quen với sự bận rộn và hối hả nên cũng thấy bứt rứt khó chịu, nhưng chỉ sau vài ngày, mình nhận ra, ở nhà, sống chậm cũng có nhiều điều thú vị. 
 
Trước đây, buổi sáng mình ra đầu hẻm, tùy theo nhu cầu của các thành viên mà mua các món điểm tâm như: bánh ướt, bánh canh, phở, bánh mì, hủ tiếu... Bây giờ,  mình quyết định ăn sáng ở nhà. 
 
Món đơn giản nhất là cơm nguội cho vào lò vi sóng hâm nóng, ăn với thức ăn còn lại từ hôm trước như: cá kho, thịt rim, tôm ram... Mình cũng có sẵn một lọ muối vừng, ruốc thịt, vài hộp cá hay thịt hộp... để “chữa cháy”, phòng khi thực phẩm ngày hôm trước đã hết sau bữa tối. Sợ các con không mấy hào hứng với cơm nguội nên mình luôn đổi món như: cơm chiên trứng, phở xương hầm, bánh mì ốp-la hoặc bò kho… tự nấu.
 
Được khuyến cáo hạn chế ra đường nên mình dự trữ thực phẩm đủ dùng trong khoảng 1 tuần. Bên cạnh đó, mình chế biến thêm các món phụ như: dưa cải muối, dưa giá hay củ cải, cà rốt chua ngọt, dưa bao tử ngâm giấm...
 
Thời gian này, mình tranh thủ dạy các con, cả trai và gái, phụ giúp mẹ chuyện bếp núc. Lúc đầu, con trai cự nự: “Đó là việc của phụ nữ!”. Mình nhắc lại chuyện những ngày mẹ đi công tác, ba là người nấu ăn, nên con trai vui vẻ “hợp tác”. Mình cũng dạy bọn trẻ nấu những món ăn đơn giản như: tráng trứng, luộc rau, rim thịt, nấu canh... Cứ thế, mình truyền niềm vui cho các con ngay trong bếp khi được khen ngợi, khuyến khích. 
 
Dạo trước, nhà mình rất ít khi ngồi ăn cùng nhau. Bữa trưa, các con ăn ở trường, hai vợ chồng đều ở lại cơ quan. Chiều, 2 con ăn vội để kịp đến lớp học thêm, chồng thường đi nhậu, chẳng mấy khi ăn nhà... Bây giờ thì khác. Ngày 3 bữa cả nhà vây quanh bàn ăn, rôm rả kể chuyện, điều mà trước đây, dù muốn, mình cũng ít có thời gian trò chuyện cùng các con. Sau đó, bọn trẻ sẽ luân phiên nhau rửa bát, dọn bàn, quét nhà...
 
Thất nghiệp, chồng không bị vướng mấy ông bạn nhậu, lai rai đến khuya như trước. Sáng, chồng réo các con lên sân thượng tập thể dục cùng ba để tăng sức đề kháng chống dịch. Rồi chồng mang về mấy cái thùng xốp, gieo rau mầm, trồng rau sạch... Chồng còn xin được việc dịch online nên có thêm ít đồng góp với vợ trong “trận tuyến” chống dịch. Hai đứa con thân thiết với ba mẹ hơn trước nhiều. Hôm trước, con gái còn thỏ thẻ: “Con mong ba mẹ ở nhà hoài hoài như thế này thì sướng quá!”. 
 
Ngẫm ra, dịch “Covid-19” là tai họa, nhưng nếu biết thích nghi, biến cố này sẽ dạy chúng ta những điều thật bổ ích. 
 
Trần Thị Giao Thủy