04:04, 04/04/2020

Một người Nha Trang

Một cách gần gũi, người ta gọi đó là Lầu Ông Tư, để chỉ ngôi nhà 3 tầng lầu kiến trúc hình hộp giản dị nằm cuối con đường biển, gần giáp với cửa sông, bốn mặt thông thoáng lộng gió. Bên kia sông là Xóm Cồn, nơi những ngư dân đầu tiên của vùng đất này ngụ cư bám biển sinh nhai....

Một cách gần gũi, người ta gọi đó là Lầu Ông Tư, để chỉ ngôi nhà 3 tầng lầu kiến trúc hình hộp giản dị nằm cuối con đường biển, gần giáp với cửa sông, bốn mặt thông thoáng lộng gió. Bên kia sông là Xóm Cồn, nơi những ngư dân đầu tiên của vùng đất này ngụ cư bám biển sinh nhai. Ngôi nhà đã sừng sững nơi đây từ đầu thế kỷ XX, khi mà suốt dọc con đường biển còn hoang sơ này chưa hề có bóng lưu dân mà chỉ có rải rác những dinh thự, tu viện, tòa hành chính...
 
Khi tôi lớn lên thì Lầu Ông Tư vẫn còn nguyên hiện trạng, mỗi lần đi ngang tôi đều được nghe cha nhắc, ngày xưa đó là nơi ở của ông Tư Yersin, nhà bác học người Pháp gốc Thụy Sĩ. Rồi tôi biết thêm chính là cái ông pho tượng màu đen trong khuôn viên Viện Pasteur cách đó không xa. Theo thuyền viễn xứ, vị bác sĩ quân y trẻ đặt chân đến vùng biển hiền hòa này từ năm 1891 khi nó còn chưa có tên trên bản đồ, ông đã một mình sống ở đây như dân bản xứ, gần 2/3 đời người hiến thân cho khoa học, đi đâu cũng quay về lại. Sáng sớm ông tắm biển rồi đi làm, chiều đạp xe vô xóm chơi, ăn con cá sinh ra từ đại dương trước mặt, uống nước giếng từ mạch ngầm, hít thở khí trời hào sảng chung quanh. Một người khi qua đời để lại di nguyện gởi thân xác nơi nào ắt nơi đó cũng sâu đậm không kém quê hương của mình. Cha kể, đám tang của ông năm 1943, người dân Nha Trang đổ ra tiễn biệt chật đường, nhiều vành khăn tang tự nguyện, cùng nhau đưa ông về an nghỉ vĩnh viễn trên một ngọn đồi nhỏ ở Suối Dầu. Suối Dầu cách Nha Trang 20km, là nơi ông lập trang trại,  phòng thí nghiệm, vừa chăn nuôi lấy huyết thanh, trồng cây thuốc.
 
Lầu Ông Tư trong ký ức của một đứa trẻ ngày ấy chính là huyền thoại. Đi đâu, làm gì hay chỉ đơn giản là cần một cái mốc để xác định phương hướng thì người ta hay nói chỗ Lầu Ông Tư, phía Lầu Ông Tư, sau Lầu Ông Tư... Sau năm 1975, Lầu Ông Tư đã bị đập bỏ, thay vào đó là một kiến trúc mới tương đối bề thế hơn làm nhà nghỉ cho Bộ Nội vụ. Thế nhưng hỏi dân địa phương thì mười người hết chín chẳng biết cái nhà nghỉ nào cả, chỉ biết chỗ đó là Lầu Ông Tư. Một trong những con đường đẹp nhất ở Nha Trang được mang tên ông từ thập niên 50 như một sự tri ân, may mắn số phận đã giữ lại được tên bậc vĩ nhân cho nó chớ không âm thầm biến mất như các tên đường: Gia Long, Duy Tân, Hàm Nghi, Bá Đa Lộc...
 
Một ngày của hơn mười năm trước, tôi và bạn lần đầu tìm đường về thăm mộ người. Từ Quốc lộ 1 đi theo con đường đất hẹp rợp bóng cây vài trăm mét rồi ôm theo vòng đồi thấp là tới khu vực ông an nghỉ. Sau cánh cổng sắt khép kín và dãy hàng rào kẽm gai giăng ngang lổn ngổn là một lối đi lát đá phủ đầy lá khô với những bậc cấp thấp dẫn lên phần mộ. Ai cũng cảm thấy sửng sốt trước mộ của một vĩ nhân, người được nhân loại mang ơn bởi những phát minh làm thay đổi lịch sử y học vì nó quá giản dị và khiêm nhường: khá thấp, vuông vức, trên mặt là phiến đá ghi đúng dòng chữ ALEXANDRE YERSIN 1863 - 1943, chỉ có vậy, không danh hiệu, huy chương, học hàm. Một cái thủ kỳ có di ảnh và bát nhang ở cạnh đó mang đậm phong tục thờ cúng của dân địa phương. Hoa sứ trắng thơm ngát và rụng đầy chung quanh. Khung cảnh thanh bình và tịch mịch.
 
Đứng ở nơi này có thể nhìn thấy Hòn Bà mây phủ phía xa xa, có độ cao hơn 1.500m, cách hơn 30km đường mòn khúc khuỷu và hiểm trở. Ngày xưa khi đặt đại bản doanh ở vùng đất Suối Dầu này, chắc không ít lần Yersin nhìn về phương ấy. Có lẽ ông đã nghĩ đến một Đà Lạt thứ hai sau khi đã phát hiện ra viên ngọc tuyệt đẹp này trên cao nguyên Lang Biang cho Việt Nam. Và dòng máu phiêu lưu trong ông lại tiếp tục lan chảy, thôi thúc người đi về phương ấy. Chắc chắn khi đó đường chưa mở, không phương tiện xe cơ giới, có lẽ người đã rong ruổi một mình một ngựa trèo đèo vượt suối... 
 
Có bao nhiêu chuyến độc hành gian truân như vậy để đỉnh Hòn Bà ngày nay còn lưu lại bóng dáng của người?
 
Tôi đã hình dung ra điều này khi cùng bạn đi lên đỉnh Hòn Bà sau khi vào mộ viếng ông. Con đường mòn ấy đi qua sông suối thác ghềnh, đèo dốc thung lũng, rừng rậm nguyên sinh, tính từ Suối Dầu lên là dài hơn 30km nay đã được san ủi mở rộng thành đường tráng nhựa trơn tru, sáng sủa. Nhưng có lẽ không khác ngày xưa, khi suốt chặng đường núi hiểm trở vắng vẻ vẫn bàng bạc không gian thanh tịnh, lắng đọng, càng lên cao càng mở toang ra phía trước ta một chân trời mới thật sự tinh khiết trong lành.
 
Trên đỉnh Hòn Bà, tôi đã lặng người khi ngắm nhìn và chạm tay vào những dấu vết mà người xưa đã để lại nơi đây. Biết rằng gần trăm năm trước, nhà bác học lãng mạn Yersin đã chọn nơi này để xây dựng cơ sở làm trạm quan sát nghiên cứu thiên văn khí tượng và làm vườn sinh học. Nghe nói ông thường xuyên dong ngựa đi về Hòn Bà - Suối Dầu một mình, có khi ở lại trên núi hàng tuần, hàng tháng. Sự hiện diện đâu đây của con người vĩ đại này có thể dễ dàng hình dung ra qua những dấu xưa còn lại, một cái nền nhà bằng đá hoa cương và những bậc tam cấp dày rêu, bể chứa nước, tầng hầm… chớ không phải chỉ ở ngôi nhà gỗ phục chế theo tư liệu. Và có rất nhiều gió ngang qua đây, u u lồng lộng, buôn buốt lạnh, mang theo hương rừng, tiếng rừng và cả hồn rừng mênh mông huyền bí. Đến tiếng ve, tiếng mang tác, vượn hú, tiếng chim ríu rít… nghe cũng lạ, cũng  gieo vào ta lắm nỗi niềm như chạm người muôn năm cũ.
 
Cảm ơn nhà bác học thiên tài đã chọn Nha Trang.
 
Tôi và bạn cũng chẳng ở lại trên đỉnh Hòn Bà quá nửa buổi, phải cùng nhau xuống núi. Người bạn của tôi không phải dân Nha Trang nhưng trót yêu thương một phụ nữ Nha Trang mà suốt đời cảm tạ miền đất trời quê hương đã sinh dưỡng nàng. Tôi nghĩ, chỉ cần vậy thôi bạn đã là một người rất Nha Trang rồi.
 
ÁI DUY