10:03, 31/03/2020

Ở nhà

Mấy ngày qua, câu hỏi "Ở nhà làm gì?" bỗng trở thành hot trend trong cộng đồng. Câu hỏi hẳn không phải để hỏi, cũng chẳng cần trả lời, khi mà điều này bây giờ trở thành ý thức trách nhiệm của mỗi công dân ở đất nước mình, ở bao nhiêu đất nước nữa trên thế giới này, như một cách hữu hiệu góp phần chống lây lan dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. 

Mấy ngày qua, câu hỏi “Ở nhà làm gì?” bỗng trở thành hot trend trong cộng đồng. Câu hỏi hẳn không phải để hỏi, cũng chẳng cần trả lời, khi mà điều này bây giờ trở thành ý thức trách nhiệm của mỗi công dân ở đất nước mình, ở bao nhiêu đất nước nữa trên thế giới này, như một cách hữu hiệu góp phần chống lây lan dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. Vậy nên có người trả lời bên dưới rằng, ở nhà không biết làm gì thì như cụ bà 94 tuổi nào đấy, ở một xóm nghèo nào đấy cặm cụi may khẩu trang tặng người nghèo. Tình người từ ấy mà lan tỏa!


Ở nhà - ấy là ước mong của bao người mấy tháng trước thôi, khi còn than lên than xuống công việc đầu tắt mặt tối đến không còn thời gian để dành cho riêng mình, cho gia đình bé nhỏ của mình. Giờ thì thời gian dễ thở hơn rồi, thậm chí là có cả những khoảng lặng nữa, đủ để người ta bật ra câu hỏi rồi lại tự mình trả lời.


Ở nhà làm gì? Có khi lôi đống sách cũ ra sắp xếp lại. Nên mới có dịp lật cuốn nọ cuốn kia. Cuốn này được người thầy tặng 20 năm trước, thuở còn là cô sinh viên năm cuối, còn đây chữ ký thầy tặng trò đã mờ đi đôi nét. Còn đây cuốn sách cũ mèm gắn bó một thời thanh niên của ba mẹ, nhiều trang phải dán băng keo cho khỏi rách, chắc cũng hơn tuổi mình. Đống album ảnh cũ kia nữa. Ảnh của cả nhà. Lần giở lại mà nghe như từng bức ảnh kể lại một thời tuổi trẻ, mà nghe lại những chuyện hồi xửa hồi xưa.


Ở nhà những ngày này, với ông bố tiến sĩ là được chơi với con, dạy con những gì mà nhà trường không dạy, những điều gọi là kết nối gia đình. Có bà mẹ trẻ kia đã chia tay chồng, bảo giờ được dành thời gian nhiều nhất có thể để chơi với con đã là niềm hạnh phúc. Vì thế, chị chẳng ngại chia sẻ những clip quay đứa con 3 tuổi lon ton chơi, nhìn thấy mà yêu lắm. Chị cứ sẻ chia mà nào biết được ở một nơi khác có bà mẹ tóc đã bạc đang hàng ngày thấm thía nỗi nhớ đứa con lấy chồng xa, vậy nên cứ mượn hoa cỏ trăng sao mà gạt đi nỗi nhớ vời vợi ấy…


Đám con nít chắc sẽ học được nhiều thứ mà trước đây chúng chưa học được, chơi nhiều trò mà trước đây chúng chẳng được chơi. Đánh trận giả bằng gối này. Đóng vai những chú dế mèn, dễ trũi như cuốn sách vừa đọc này. Rồi biết cầm cái chổi quét nhà, nhặt bó rau có chú sâu ngọ nguậy mà hét vang nhà.


Ở nhà làm gì? Ở nhà nhưng vẫn không quên cập nhật tình hình dịch bệnh ở ngoài kia. Người già xem tivi, nghe đài. Người trẻ vào mạng, lướt facebook… Nên mới có chuyện góp nhặt nhật ký của người ta, nhật ký riêng mà như của chung cho tất thảy mọi người. Như cảm giác của cô tiếp viên hàng không nào đấy, về đến nhà vẫn còn vương mùi sữa trẻ con - một hành khách đặc biệt, em bé còn ẵm ngửa, rời vòng tay mẹ về Việt Nam tránh dịch. Hình ảnh đứa trẻ ấy cứ xuất hiện trong đầu. Nhiều năm trong nghề, lần đầu tiên cô trải qua tình huống ấy, và chắc chẳng có lần thứ 2 trong đời… Như nhật ký hành trình từ châu Âu về Việt Nam mùa dịch của cậu trai trẻ, trải qua hơn 52 giờ chờ đợi ở sân bay nước bạn mới về đến đất nước mình. Ừ, được về đến Việt Nam là một chuyện may mắn rồi, dù phải đi cách ly ở tận Vĩnh Phúc và phải mất 17 ngày mới về được đến nhà mà vẫn cảm thấy vui vẻ và biết ơn những người đã hỗ trợ mình. Như nhật ký ở khu cách ly tập trung. Ngày 1, ngày 2, ngày 3, rồi ngày thứ n… Những góc nhỏ. Những khoảng lặng. Mới thấy việc được ở nhà, theo cả nghĩa hẹp và rộng, đã là niềm hạnh phúc của nhiều người rồi.


Ở nhà. 2 chữ ấy thôi cũng đủ làm người ta thổn thức rồi. Nơi vẫn luôn là điều ấm áp nhất của mỗi người sau mỗi bước chân quay về.


G.C