09:10, 08/10/2019

Chiếc khăn Mat'ra và phút ngẫu hứng của Trần Tiến

Trong lễ hội Katê hay Tết Rija Nwga ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hay lễ hội Tháp Bà, Am Chúa ở Khánh Hòa, chúng ta thấy hình ảnh rất đẹp, đầy sắc màu gợi cảm của những phụ nữ Chăm, đặc biệt chiếc khăn đội trên đầu mềm mại tôn lên nét duyên dáng, ánh mắt long lanh đầy huyền bí như bóng tháp Chàm xa xưa…

Trong lễ hội Katê hay Tết Rija Nwga ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hay lễ hội Tháp Bà, Am Chúa ở Khánh Hòa, chúng ta thấy hình ảnh rất đẹp, đầy sắc màu gợi cảm của những phụ nữ Chăm, đặc biệt chiếc khăn đội trên đầu mềm mại tôn lên nét duyên dáng, ánh mắt long lanh đầy huyền bí như bóng tháp Chàm xa xưa… Đó chính là chiếc khăn Mat’ra mà nhạc sĩ Trần Tiến nhắc đến trong bài hát “Tiếng trống Baranưng” - một bài hát hiện đại đầy chất ngẫu hứng trở thành di sản văn hóa âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là cộng đồng người Chăm. Bài hát được vang lên ở khắp các lễ hội, Tết nổi tiếng của người Chăm như Katê hay Tết Rija Nwga… suốt hơn 30 năm qua.
 

 
 
Theo lời nhạc sĩ Trần Tiến, khoảng năm 1984, ông cùng một số anh em văn nghệ sĩ, trong đó có Ngọc Tân đi chơi ở một lễ hội người Chăm ở An Giang. Trên một con đò, Trần Tiến gặp một cô gái Chăm theo đạo Hồi đội chiếc khăn mỏng, chiếc khăn tung bay chấp chới như mây như gió làm ẩn hiện mái tóc và đôi mắt người thiếu nữ duyên dáng làm trái tim chàng nhạc sĩ trẻ thổn thức. Sau khi hỏi thì biết chiếc khăn đó có tên Mat’ra, loại khăn phụ nữ Chăm An Giang đều đội và tùy theo tuổi tác sẽ đội khăn màu khác nhau. An Giang cũng là quê lụa Tân Châu nổi tiếng nên những phụ nữ Chăm đều là các nghệ nhân dệt ra những dải lụa tuyệt diệu. Trần Tiến cùng bạn đi lang thang trong làng lụa và cứ ngân nga mãi về chiếc khăn trên đầu thiếu nữ Chăm xinh đẹp đó. Đây chính là khởi nguồn cho bài hát “Tiếng trống Baranưng” sau này. 
 
Điều đáng nói, đúng là chiếc khăn làm tâm hồn Trần Tiến mê đắm, nhưng ông lại không làm sao viết nên được nhịp điệu của bài hát, cho đến khi gặp các chàng trai gõ chiếc trống rất lạ mà ông lần đầu thấy ở làng Chăm. Đó là loại nhạc cụ đặc thù của người Chăm làm bằng gỗ, bịt một mặt bằng da hoẵng hay da dê, khi biểu diễn nhạc công sẽ vỗ hay gõ bằng các ngón tay tạo ra âm thanh. Trống có tên Baranưng. Khi nghe, nhạc sĩ đã hình thành ra giai điệu theo đúng ý mình. Tuy nhiên, khởi đầu bài hát, nhạc sĩ đã dành một giai điệu và lời ca hết sức trìu mến, dịu dàng, yêu thương như làn gió: “Tôi yêu chiếc khăn Mat’tra. Vương trên trán em dịu êm. Tôi yêu tiếng ca A-Ti-dza. Bao la bao la biển sóng”. Đó chính là hình ảnh người con gái Chăm mà nhạc sĩ gặp với chiếc khăn đặc trưng đầy quyến rũ Mat’ra.  
 
Có một nét ngây thơ của Trần Tiến là khi đó, ông chưa hiểu lắm về cộng đồng người Chăm với những nhạc cụ hay trang phục của họ. Chính điều này càng làm cho tâm hồn nhạc sĩ thêm bay bổng với sự tưởng tượng mênh mông. Khi nghe tiếng trống Baranưng hòa cùng tiếng kèn Saranai, trống Ghi năng, trống Hagar ở làng Chăm, giai điệu âm nhạc cổ xưa hàng nghìn năm của họ thật sự mê hoặc nhạc sĩ. Trần Tiến lấy chất liệu âm nhạc huyền diệu này làm thành một bản nhạc hoàn chỉnh nhất, hội tụ đủ các yếu tố tinh hoa của âm nhạc hiện đại và cổ truyền. Đây là món quà của văn hóa Chăm đem lại cho nhạc sĩ và chính nhạc sĩ lại tặng cho người Chăm cũng như nền âm nhạc Việt Nam một bản nhạc đậm chất dân tộc. Nhạc sĩ Phạm Duy khi nghe bản nhạc này phải thốt lên: “Trần Tiến là nhạc sĩ trẻ có phong cách dân tộc nhất, thật tài hoa hiếm có”. Quả như thế, sau này Trần Tiến có những bài hát theo phong cách này như: Tiếng đàn Chapi, Tùy hứng lý qua cầu, Ngọn lửa cao nguyên, Chiếc vòng cầu hôn…
 
Thế đấy, với người nghệ sĩ đa cảm nhưng rất tài hoa như Trần Tiến thì những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống xung quanh rất có giá trị. Người nhạc sĩ phải nắm bắt được những sợi tơ rung cảm đó để nâng niu làm chất liệu cho mình, phải yêu cái đẹp và thẩm thấu được những tinh hoa của cuộc sống. Trần Tiến đã làm được điều đó thật tài hoa.   
                                        
Dương Trang Hương