08:09, 28/09/2018

Núi Ông Tây có phải là di tích lịch sử?

Nhiều năm nay, người dân làng Phú Sơn (xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) đã kiến nghị với chính quyền về việc công nhận khu vực núi Ông Tây là di tích lịch sử bởi nó gắn với phong trào Cần Vương chống Pháp.

Nhiều năm nay, người dân làng Phú Sơn (xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) đã kiến nghị với chính quyền về việc công nhận khu vực núi Ông Tây là di tích lịch sử bởi nó gắn với phong trào Cần Vương chống Pháp.


Tâm huyết với lịch sử quê hương


Ông Lê Chẻo (84 tuổi) cho biết, từ khi còn nhỏ, ông đã được cha mẹ và người lớn tuổi trong làng kể về trận chiến giữa nghĩa quân Cần Vương do Phó soái Bùi Giảng dẫn đầu đánh nhau với quân Pháp tại núi Hòn Một vào năm 1886. Núi Hòn Một sau này được dân gian đổi tên gọi là núi Ông Tây.

 

Địa điểm núi Ông Tây ở làng Phú Sơn.

Địa điểm núi Ông Tây ở làng Phú Sơn.


Hòn núi này nằm giữa làng Phú Sơn, là nơi tọa lạc của ngôi đình Phú Sơn có diện tích gần 1ha. Dấu tích về một thời chiến tranh vẫn hiện hữu với hệ thống 5 lô cốt có từ thời Pháp thuộc. Núi Ông Tây nằm bên con đường chạy từ khu vực Đá Bàn xuống đồng bằng nên có vai trò như một chốt kiểm soát. Câu chuyện về trận đánh của nghĩa quân Cần Vương chống lại giặc Pháp ở núi Ông Tây được truyền miệng trong dân gian suốt nhiều năm, nhưng vẫn bị hoài nghi về tính xác thực của nó. Mãi đến năm 2008, khi ông Đào Nhật Kim - giảng viên Đại học Phú Yên trong một đề tài nghiên cứu của mình về phong trào Cần Vương ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã nêu ra một tài liệu của viên đại úy Cheroutre viết năm 1886 có nhắc tới sự kiện này thì mọi người càng tin câu chuyện trên là có thật. Bởi qua đối chiếu các dữ kiện, địa danh trong câu chuyện truyền khẩu với tài liệu nêu trên hoàn toàn trùng khớp nhau.

 

Theo Tiến sĩ Đào Nhật Kim - Đại học Phú Yên: Phó soái Bùi Giảng là cấp dưới của Thống soái Lê Thành Phương trong phong trào Cần Vương ở Phú Yên những năm từ 1885 - 1887. Tại Khánh Hòa, Bùi Giảng đã phối hợp với lực lượng do Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong chỉ huy mở cuộc tấn công lớn đánh chiếm Thành Diên Khánh, lật đổ chính quyền thân Pháp, bắt sống bố chánh Tôn Thất Hoan và án sát làm tù binh. Ngày 27-3-1886, lực lượng quân Pháp do Cheroutre chỉ huy đã giao tranh với nghĩa quân và đẩy lùi lực lượng của Bùi Giảng về Thùng Nhà Bùi. Ngày 30-3-1886, quân Pháp tấn công làng Phú Sơn. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và trước hỏa lực mạnh của địch, Bùi Giảng đã ra lệnh rút quân.

Trong cuốn “Người Ninh Hòa kể chuyện xưa” (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2014), nhà sưu tầm văn hóa dân gian Võ Triều Dương cũng nêu: “Khoảng đầu tháng 3 năm Bính Tuất (1886), mùa đậu xanh vừa hái xong thì có nghĩa quân Cần Vương của tướng Bùi Giảng từ Thùng Nhà Bùi phía bên kia núi Dòng Cốc kéo xuống dàn mặt trận chính tại làng Phú Sơn để đợi Pháp quyết đánh một trận thư hùng. Nhân dân các làng kề cận như: Tân Ninh, Thạch Định, Phú Văn đồng tình hưởng ứng, gia nhập nghĩa quân quyết đánh Pháp…”.


Với những cứ liệu như trên, các bậc cao niên làng Phú Sơn đã từng 2 lần gửi văn bản kiến nghị lên chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chuyên môn của tỉnh. Tuy nhiên, suốt mấy năm qua vẫn chưa nhận được hồi âm. “Chúng tôi là những người được trực tiếp nghe ông cha mình kể lại câu chuyện trên, bây giờ cũng đều tuổi cao sức yếu. Mong muốn của chúng tôi về việc núi Ông Tây được công nhận di tích cũng chỉ bởi muốn tỏ lòng tri ân với những người đã ngã xuống trên quê hương này, đồng thời để cho con cháu sau này được biết rõ về lịch sử quê mình”, ông Lê Chẻo tâm sự.


Theo ông Đào Đức Hải - Trưởng thôn Phú Sơn, nhiều năm qua, các cụ trong làng rất tâm huyết với việc này. Người dân mong rằng núi Ông Tây sớm được nghiên cứu, công nhận là di tích lịch sử.


Phải nghiên cứu sâu hơn

 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của các cụ trong làng Phú Sơn, UBND thị xã đã tổ chức cuộc họp về vấn đề trên. Theo kế hoạch, vào tháng 11, thị xã sẽ tổ chức một buổi tọa đàm với thành phần tham dự là các bậc cao niên, các nhà nghiên cứu, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh… để làm rõ các vấn đề liên quan, qua đó có thể tiến hành xem xét các nội dung, cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ khoa học công nhận di tích lịch sử. Nếu thấy đủ cứ liệu lịch sử một cách chân thực thì sẽ tiến hành các trình tự thủ tục để đề nghị xếp hạng di tích; nếu chưa đủ điều kiện thì cũng có câu trả lời rõ ràng để người dân biết.


Theo ông Hoàng Quý - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tồn di tích (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh), những thông tin liên quan đến phong trào Cần Vương ở núi Ông Tây vẫn còn khá mỏng. Để có thể làm lý lịch di tích, hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích lịch sử đòi hỏi người dân và chính quyền địa phương phải sưu tầm nhiều hơn các thông tin, tư liệu liên quan, cũng như ý kiến của các nhà chuyên môn.   

 
Giang Đình