Sau 20 năm hình thành, các bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang dần có bước khởi sắc để giúp người dân khu vực nông thôn được thụ hưởng các dịch vụ tiện ích.
Sau 20 năm hình thành, các bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang dần có bước khởi sắc để giúp người dân khu vực nông thôn được thụ hưởng các dịch vụ tiện ích.
Đến BĐVHX Vĩnh Thái vào ngày cuối tuần, chúng tôi thấy khá nhiều khách hàng đến để thực hiện các giao dịch dịch vụ. “Tôi đến BĐVHX để nhận tiền của người thân gửi về. Trước đây, mỗi lần đi nhận tiền thế này tôi phải đến bưu điện thành phố, nhưng hiện nay chỉ cần ra xã là đã nhận được rồi”, anh Trần Trung Lâm (thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái) cho biết. Từ khi thực hiện mô hình BĐVHX đa dịch vụ, hàng ngày lượng người dân đến sử dụng các dịch vụ ở đây đã nhiều hơn trước. Doanh thu của điểm bưu điện cũng tăng hơn 350%, thu nhập trung bình của nhân viên nhờ đó cũng đạt mức hơn 5 triệu đồng/tháng. “Triển khai loại hình BĐVHX đa dịch vụ, chúng tôi không còn thụ động ngồi chờ khách hàng đến mà còn phải trực tiếp đi đến tận nhà của người dân nhận bưu phẩm, nhận tiền để chuyển đi”, chị Nguyễn Ngọc Ngân Chi - nhân viên phụ trách BĐVHX Vĩnh Thái cho biết.
Theo ông Trần Quang Huy - Chuyên quản BĐVHX Nha Trang, từ tháng 7-2017, mô hình BĐVHX đa dịch vụ đã được triển khai ở 6/6 điểm BĐVHX trong toàn thành phố. Nếu trước đây, BĐVHX chỉ có các loại hình dịch vụ đọc sách báo, gọi điện thoại trong cabin thì hiện nay đã có thêm nhiều dịch vụ khác ở nhóm bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối truyền thông. Để thực hiện mô hình này, Bưu điện thành phố đã đầu tư máy móc, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu. Nhờ sự năng động trong hoạt động kinh doanh nên lượng khách đến giao dịch ngày cao điểm có thể lên đến cả trăm người, còn bình thường cũng có khoảng 20 người.
Tại huyện Khánh Vĩnh cũng có 13 điểm BĐVHX triển khai loại hình đa dịch vụ. Mặc dù lượng khách còn ít, nhưng vẫn tăng hơn nhiều so với trước, doanh thu cũng tăng khoảng 300%. “Khi triển khai mô hình BĐVHX đa dịch vụ, cùng với việc lắp đặt máy móc thiết bị, chúng tôi còn tập trung tập huấn, đào tạo kỹ năng cho đội ngũ nhân viên. Với một địa bàn miền núi như Khánh Vĩnh thì các điểm BĐVHX đã tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho người dân khi không phải mất thời gian đi lại mà vẫn có thể thực hiện được các dịch vụ cần thiết”, ông Đỗ Hoài Đức - Giám đốc Bưu điện huyện Khánh Vĩnh cho biết.
Bà Ung Thị Vân - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, từ cuối năm 2015, Bưu điện tỉnh bắt đầu triển khai mô hình điểm BĐVHX kinh doanh đa dịch vụ. Đến cuối năm 2017, việc chuyển đổi và tổ chức kinh doanh đa dịch vụ đã được triển khai ở 58/89 điểm BĐVHX. Theo kế hoạch, đến hết quý I/2018, sẽ tiếp tục chuyển đổi 23 điểm BĐVHX. Sau 2 năm triển khai mô hình này, doanh thu tại các điểm có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm với tốc độ bình quân năm trên 100%. Thu nhập của nhân viên điểm BĐVHX từ mức trung bình 1 triệu đồng/tháng tăng lên 2,3 triệu đồng/tháng. Hiện nay, có 81/89 điểm BĐVHX đã có máy tính được kết nối Internet sẵn sàng cung cấp đầy đủ dịch vụ trực tuyến. Cơ sở vật chất của các điểm BĐVHX cũng được đầu tư.
Theo bà Vân, mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc trong hoạt động của các điểm BĐVHX, nhưng thực tế vẫn còn những vấn đề cần được khắc phục như: trình độ của đội ngũ nhân viên, vị trí của một số điểm BĐVHX, công tác quản lý cho phù hợp với mô hình mới… Chính vì thế, để nâng cao hoạt động của các điểm BĐVHX, thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Cùng với đó, có sự quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ bán hàng trực tiếp của nhân viên tại các điểm BĐVHX.
Theo ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đã từng có thời điểm, mô hình BĐVHX đứng trước cảnh hiu hắt. Nhưng với những chủ trương và đường hướng đúng đắn của đơn vị chủ quản, mô hình này đã được vực dậy và có nhiều khởi sắc, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, đem lại những dịch vụ tiện ích cho người dân.
Giang Đình