10:04, 26/04/2017

34 năm, trọn vẹn một tình yêu

Tôi có hạnh phúc rất lớn vì có tới 34 năm công tác tại Báo Khánh Hòa, từ lúc mới ra trường cho đến khi… nghỉ hưu. 

Tôi có hạnh phúc rất lớn vì có tới 34 năm công tác tại Báo Khánh Hòa, từ lúc mới ra trường cho đến khi… nghỉ hưu. Làm báo ở một địa bàn sôi động như Khánh Hòa, tôi không chỉ thích mà nói chính xác là rất yêu, trọn vẹn một tình yêu! Nghề báo cho tôi rất nhiều thứ, không chỉ có tri thức, sự chịu đựng trước khó khăn, mà còn rèn cho tôi tính cẩn trọng và lòng yêu thương con người. Tôi yêu nghề báo vì tôi được khám phá về những điều mà bạn đọc muốn biết; được viết về cuộc sống của những con người ở các vùng đất xa xôi, trong đó có quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đến bây giờ, tôi không nhớ mình có bao nhiêu kỷ niệm, từ khi báo ra 2 số/tuần đến khi báo ra 6 số/tuần; từ khi chúng tôi viết bài bằng bút trên giấy A4 vừa đen vừa sần, đến khi viết và chuyển bài bằng file qua máy vi tính; rồi mở mạng ra là có báo điện tử để đọc. Mỗi khi nghĩ về nó, tất cả kỷ niệm cứ ùa về. 

 

Nhà báo Phạm Ngọc Anh - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa
Nhà báo Phạm Ngọc Anh - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa
 
 
Còn nhớ, năm 1981, khi tôi mới ra trường, vừa về nhận công tác tại Tòa soạn Báo Phú Khánh (Báo Khánh Hòa hiện nay) được vài ngày thì có trận lụt rất lớn trên địa bàn tỉnh. Lúc ấy, Ban Biên tập chỉ đạo mọi hoạt động của phóng viên phải tập trung vào công tác chống bão lụt. Tôi được phân công viết gương người tốt việc tốt về một tổ công nhân điện đang khắc phục hậu quả bão lụt khi hàng loạt cột điện bị đổ xuống ruộng, đe dọa tính mạng con người ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh. Vài tiếng sau, tôi có mặt ở hiện trường. Lúc ấy trời mưa như trút, gió mạnh thốc vào người như muốn kéo mình đi. Vậy mà tại đây, những người công nhân điện lực vẫn không quản hiểm nguy, lấy hết sức mình dựng lại trụ điện, nối đường dây. Mới ra trường, chưa viết thể loại này bao giờ nhưng với lòng cảm phục của mình trước sự lăn lộn của những người công nhân trẻ, tôi đã có được bài viết đầu tay đáng nhớ. 
 
 
Viết điều tra chống tiêu cực là đề tài “khó gặm” đối với một người làm báo. Với tôi cũng vậy, nhưng đôi lúc vì lẽ phải, mình đành chấp nhận đánh mất tình cảm khi đối tượng chính là những người trước đó mình từng quen biết, tới lui để lấy tư liệu. Chẳng hạn như vụ lãnh đạo một đơn vị chiếm nhà của cơ quan (ngay mặt tiền một đường lớn ở Nha Trang) làm nhà riêng. Khi bài viết đăng báo, nhân viên trong đơn vị đó rất hoan nghênh, song vị lãnh đạo ấy lại phản ứng quyết liệt, cho rằng bài viết không đúng sự thật, hoàn toàn bịa đặt. Nhưng cuối cùng, sự thật vẫn là sự thật, vị lãnh đạo nọ phải trả lại căn nhà đã chiếm. Hoặc khi viết về việc để lộ đề thi ở một trường THCS tại Nha Trang; về tình trạng nhiều cán bộ của một huyện sinh con thứ ba, vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình… tôi đã bị những người trong cuộc phản ứng kịch liệt. Rồi có lần, khi viết về thái độ thờ ơ trước tính mạng bệnh nhân của một bác sĩ, tôi đã bị chính vị bác sĩ ấy tìm đến nhà và nói: “Việt Nam căm thù đế quốc Mỹ bao nhiêu thì tôi căm thù chị bấy nhiêu!”.
 
 
Trước những việc như thế, mấy ai dám bảo người làm báo không trăn trở, chỉ có niềm vui mà không có nỗi buồn. Nhưng điều rất vui là, khi bài báo chống tiêu cực ra mắt, tác giả luôn được bạn đọc khích lệ, động viên; lại càng vui hơn khi các tác phẩm nổi bật đạt được giải báo chí hàng năm. Đó là sức mạnh tiếp thêm nghị lực để nhà báo tâm huyết với nghề.
 
 
Theo tôi, giai đoạn khó khăn nhất của người làm báo là lúc mới bước chân vào nghề. Nếu không có nghiệp vụ vững vàng, bài viết không đạt yêu cầu, mình sẽ bị loại. Chính vì vậy, khi ở cương vị Phó Tổng Biên tập, tôi luôn chú ý động viên và cùng đồng nghiệp dìu dắt các phóng viên trẻ. Tôi hy vọng rằng, với sức trẻ đầy tâm huyết hiện nay, các đồng nghiệp của tôi sẽ có nhiều sáng tạo, làm cho Báo Khánh Hòa ngày càng hay hơn, đẹp hơn.
 
 
KIM THAO (Ghi)