10:12, 06/12/2016

Giai điệu quê hương một thời

Trong dòng sông âm nhạc cách mạng Việt Nam tuôn chảy suốt thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ trước có một làn nước trong veo hồn nhiên đến kỳ lạ, đó là những giai điệu về một miền đất quê hương, có thể hào hùng trong chiến tranh, vươn lên trong gian khó và dịu dàng dưới bầu trời hòa bình.

Trong dòng sông âm nhạc cách mạng Việt Nam tuôn chảy suốt thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ trước có một làn nước trong veo hồn nhiên đến kỳ lạ, đó là những giai điệu về một miền đất quê hương, có thể hào hùng trong chiến tranh, vươn lên trong gian khó và dịu dàng dưới bầu trời hòa bình. Giới âm nhạc và người nghe hôm nay vẫn bồi hồi xúc động tự hỏi vì sao lại hay thế, đó có phải là dòng máu trái tim của người nhạc sĩ dâng cho mảnh đất quê hương bằng âm nhạc chăng?

 

Một góc TP. Nha Trang
Một góc TP. Nha Trang


Mảnh đất Hà Nội thủ đô vẫn là số 1 và gần như nhạc sĩ nào cũng phải viết bởi vì nơi đây “lắng hồn núi sông nghìn năm” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi), “Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom một thời hòa bình” (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp)… Cùng với Hà Nội là Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh “đã viết lên thiên anh hùng ca” (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh - Xuân Hồng, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ - Phạm Minh Tuấn) và Huế “Tình yêu của tôi” (Trương Tuyết Mai), Huế thương (An Thuyên )…


Giới âm nhạc xếp những bài hát về quê hương là “tỉnh ca hay địa phương ca”. Vì sao 3 thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ XX lại nở rộ những ca khúc theo chủ đề này? Nhạc sĩ Hoàng Vân kể lại rằng, ông cũng như các văn nghệ sĩ ít khi ở nhà mà thường xuyên đi thực tế cơ sở, chính đây là cơ hội cho tâm hồn nhạc sĩ rung cảm thực sự cùng nhịp sống quê hương, như khi ông vào Quảng Bình viết “Quảng Bình quê ta ơi” nay đã thành bất tử, hay xuống vùng mỏ Quảng Ninh viết “Tôi người thợ lò” - một bức tranh hoành tráng về miền đất Đông Bắc Tổ quốc.


Nhiều người đến nay vẫn ấn tượng bài “Hà Giang quê hương tôi” của nhạc sĩ Thanh Phúc. Bài hát ra đời giữa thập niên 1960 khi miền rẻo cao đang chuyển mình như một bức tranh mới của CNXH: “Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây. Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu, đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi”. Qua giọng hát trong trẻo của NSND Lê Dung, bài hát reo vui, da diết. Trở về với miền biển Hải Phòng, nhạc sĩ Lương Vĩnh đã phổ bài thơ của Hải Như “Thành phố hoa phượng đỏ”, bài hát cháy bỏng, da diết, nồng nàn như ngọn lửa hào sảng của người xứ Cảng. Bài hát không chỉ dành riêng cho Hải Phòng mà như chí khí của toàn người dân miền Bắc với Sài Gòn, Đà Nẵng trong chiến tranh.


Nếu như Hà Nội tràn đầy những bài hát ngợi ca thì Hà Tây, mảnh đất “cửa ngõ thủ đô” lại thật hiếm hoi, rất may có một nhạc sĩ - người con của Phú Yên tập kết - Nhật Lai viết bài “Hà Tây quê lụa”. Một bài hát dư địa chí tuyệt vời vì trong lời ca có đầy đủ tên đất, tên sông, danh thắng văn vật và tâm tính, phẩm chất con người Hà Tây… Điều đáng nói, một bài hát truyền tải lớn lao như thế vậy mà vẫn mềm mại như lụa. Thái Bình - mảnh đất lúa cũng đã thành “Trong nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An, nghe như một “bản báo cáo chính trị” bằng âm nhạc nhưng tha thiết như làn chèo quê lúa.


Tiếp theo có hàng chùm ca khúc: Việt Trì thành phố ngã ba sông, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Rừng Cúc Phương, Tuổi xanh Mộc Châu, Chào sông Mã anh hùng, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Đất mũi Cà Mau, Về An Giang, Quảng Ngãi đất mẹ anh hùng, Cô gái Bến Tre, Nha Trang mùa thu lại về… Rất nhiều những ca khúc quê hương.


Trong một lần tâm sự, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý  lý giải, thời chiến tranh, các nhạc sĩ được định hướng mà cũng là phong trào tất yếu: cổ động tinh thần chiến đấu và khơi gợi niềm tự hào quê hương. Vế thứ hai này chính là những ca khúc về quê hương. Chỉ có điều vì sao với đề tài khó này mà các nhạc sĩ viết rất nhuyễn, được công chúng mảnh đất đó tiếp nhận? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cười lắc đầu, “chúng tớ viết tự nhiên theo đúng sự hồn nhiên của mình, rất thật. Tất nhiên có một bài  đứng thì cũng có trăm bài ngã, chìm sâu vào quên lãng”. Cũng thêm một yếu tố nữa quê hương khi đó chính là “người yêu” của người nhạc sĩ, vì rất ít nhạc sĩ viết tình ca trong giai đoạn này.


Thời gian trôi qua, cảm xúc cũng đã khác và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại được những phút giây dạt dào, hồn nhiên trong sáng về quê hương như xưa nữa. Bằng chứng là gần 30 năm trở lại đây chưa thấy một bài hát về miền đất nổi tiếng thực sự được công chúng đón nhận. Thật may mắn cho những mảnh đất đi vào bài hát nổi tiếng, trong đó có Nha Trang với “Nha Trang mùa thu lại về” (Văn Ký), “Nha Trang thu” (Phó Đức Phương), “Nha Trang thành phố tôi yêu” (Văn Dung), “Biển hẹn Nha Trang” (Phạm Minh Tuấn).


DƯƠNG TRANG HƯƠNG