06:06, 17/06/2013

Lưu luyến làn điệu Bài Chòi

Lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình Festival Biển 2013, trò chơi dân gian Bài Chòi do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức không chỉ thu hút đông đảo người dân mà còn tạo ấn tượng tốt với du khách nước ngoài.

Lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình Festival Biển 2013, trò chơi dân gian Bài Chòi do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức không chỉ thu hút đông đảo người dân mà còn tạo ấn tượng tốt với du khách nước ngoài.


Độc đáo và thú vị


Ngồi buồn nghĩ chuyện đời nay/Trai tài gái sắc sao tày ngày xưa/Đời nay ăn sớm ngủ trưa/Ngồi lê đôi mách bỏ thưa việc nhà… Hô là con bài “Bảy Thưa”. Chòi nào có con “Bảy Thưa” xin mời gõ mõ... Lời ca luyến láy của người chủ trò (hay còn gọi là Hiệu) vang lên làm người chơi và cả khán giả hào hứng. Đó là cách chơi đơn giản, nhẹ nhàng mà sâu sắc của trò chơi dân gian Bài Chòi - một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc xuất phát từ vùng đất Bình Định. Với những đặc trưng riêng, trò chơi dân gian Bài Chòi đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân miền Nam Trung bộ. Trong những ngày vui xuân, đón Tết cổ truyền, Hội Bài Chòi luôn là một nét sinh hoạt văn hóa được người dân quan tâm. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, trò chơi này đang dần bị lãng quên.


Trong chương trình Festival Biển vừa qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã khôi phục và đưa trò chơi dân gian này vào phục vụ người dân và du khách. Những thành viên trong Câu lạc bộ Tuồng (Trung tâm Văn hóa tỉnh) đã nỗ lực luyện tập để có thể khơi dậy được “chất” của hội đánh Bài Chòi cổ. Thông thường, trò chơi được tổ chức với 9 chòi làm bằng tre, lợp tranh, được bố trí theo hình chữ U. Mỗi bên có 4 chòi, chòi thứ 9 ở giữa là chòi Trung ương đối diện với bàn Hội đồng. Trên bàn được bày các ống thẻ, những con bài cái, bài con. Bên trái bàn Hội đồng là dàn cổ nhạc gồm trống chiến, mỏ, đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt. Giữa sân trước bàn Hội đồng và các chòi dựng một ống thẻ (bao gồm 27 thẻ bài con) để người chủ trò sử dụng trong cuộc chơi. Để tham gia cuộc chơi, người chơi ở mỗi chòi phải mua một thẻ bài cái. Khi người chủ trò rút thẻ bài con và đọc các câu hát bài chòi ứng với con bài đó, người chơi nào trúng thẻ liền gõ 3 tiếng mõ, người chủ trò sẽ mang thẻ bài con đến cho chòi ấy, chòi nào trúng được 3 thẻ là chiến thắng.


“Đây không chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần mà là sân khấu trình diễn nghệ thuật dân gian. Nội dung các câu hát sử dụng trong hội Bài Chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao”, ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng cho biết.

1
1


Cần gìn giữ và phát triển


Có thật sự sống với không gian Bài Chòi mới thấy được sức hấp dẫn và lôi cuốn của một trò chơi dân gian được lưu giữ từ lâu. Người lớn tuổi say mê theo dõi từng câu hát, em bé tròn xoe mắt nhìn lá cờ rực rỡ trên tay người chủ trò; người biết chơi thì hào hứng đợi đến con bài của mình được hô lên, người không biết chơi thì im lặng lắng nghe... Anh Nguyễn Văn Thành (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi vẫn thường nghe hát Bài Chòi và xem người lớn chơi. Nhưng sau này, hội Bài Chòi được tổ chức ngày càng ít dần. Kỳ Festival Biển lần này, tôi thật sự bất ngờ khi thấy trò chơi độc đáo này được tổ chức. Tôi và các thành viên trong gia đình đã tham gia trò chơi rất hào hứng”.


Thú chơi Bài Chòi không quan trọng chuyện ăn thua mà thú vị ở chỗ được thưởng thức những câu hô trầm bổng, nhịp nhàng, du dương. Nội dung những câu hát thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê thủy chung, đề cao những đức tính phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội... Điều đó không chỉ nói lên giá trị nhân văn mà còn thể hiện tính giáo dục của một trò chơi dân gian. Vì thế, những giá trị ấy cần được bảo tồn và phát triển. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Tuy lần đầu tiên đưa vào phục vụ người dân và du khách trong dịp Festival Biển nhưng trò chơi dân gian Bài Chòi đã được nhiều du khách hưởng ứng, tham gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục khôi phục để tổ chức trò chơi này tốt hơn và nhiều hơn, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền và những dịp lễ trọng đại nhằm gìn giữ và phát triển một loại hình nghệ thuật dân gian”.
Rời xa hội Bài Chòi nhưng dư âm của tiếng đàn nhị da diết, tiếng sáo thiết tha và những làn điệu lưu luyến vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người. Để những mùa lễ hội sau, người người lại ngóng chờ một Hội Bài Chòi dân gian.


THU HIỀN - HOÀNG DUNG