Sau khi vô địch AFF Cup 2018 một cách thuyết phục, đội tuyển Việt Nam và Huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo đã được đánh giá cao hơn trước rất nhiều. Có thể nói ở khu vực Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam có thể xem là một ông lớn thực sự.
Sau khi vô địch AFF Cup 2018 một cách thuyết phục, đội tuyển Việt Nam và Huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo đã được đánh giá cao hơn trước rất nhiều. Có thể nói ở khu vực Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam có thể xem là một ông lớn thực sự. Đi kèm đó, ông Park cũng được ca ngợi không tiếc lời, được xem là “thầy phù thủy” đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới. Nhưng vấn đề là, tất cả những thành công ấy mới chỉ gói gọn ở khu vực Đông Nam Á, nơi thường được coi là “vùng trũng” của bóng đá châu Á nói chung.
Bởi vậy, dù mang theo rất nhiều sự kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá nước nhà tiếp tục “chinh chiến” tại Asian Cup 2019, một giải đấu đẳng cấp châu lục, những mầm mống ảo tưởng về sức mạnh của đội tuyển Việt Nam đã nhanh chóng bị dập tắt. Sau 2 trận đầu ở Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam thất bại cả 2 trận trước Iraq và Iran, đứng trước nguy cơ bị loại sớm ngay từ vòng bảng. Có thể thấy, “thầy phù thủy” Park Hang Seo dường như đã “hết phép”, không thể giúp đội tuyển Việt Nam tạo ra những kỳ tích nữa. Đơn giản vì ông Park cũng chỉ là con người, vẫn có những sai lầm, vẫn có những giới hạn.
Chẳng hạn như trong trận đấu với đội tuyển Iraq, HLV Park Hang Seo đã thay Xuân Trường và Văn Đức ra quá muộn, dù họ đã tỏ ra đuối sức khi phải liên tục tranh chấp với những cầu thủ Iraq có thể hình vượt trội, dẫn đến mất thế trận vào tay đối thủ. Hoặc ông sử dụng Hồng Duy trong vai trò phòng ngự, dù đây không phải là sở trường của cầu thủ này, dẫn đến quả phạt định mệnh phút 90 khiến đội tuyển Việt Nam phải nhận lấy thất bại 2-3. Thậm chí, trong trận đấu với đội tuyển Iran, dù ông Park đã sử dụng đấu pháp hợp lý, không phạm bất cứ sai lầm về chiến thuật cũng như thay người nào, thì đội tuyển Việt Nam vẫn thất trận 0-2.
Nói như vậy không phải để chê trách HLV Park Hang Seo cũng như đội tuyển Việt Nam sau 2 thất bại tại Asian Cup 2019, mà chỉ để thấy, họ cũng chỉ là những con người bình thường, và tất nhiên sẽ có những giới hạn về trình độ cũng như đẳng cấp. Đó không phải là chuyện chê trách thủ thành Đặng Văn Lâm không thể cản phá quả đá phạt vào phút thứ 90, hoặc đội tuyển Việt Nam dẫn bàn trước rồi lại thua ngược Iraq. Bởi lẽ đội tuyển Iraq không thiếu những ngôi sao tầm cỡ châu lục. Chẳng hạn như Ali Adnan, cầu thủ đá phạt ghi bàn nâng tỷ số 3-2 cho đội tuyển Iraq, được mệnh danh là “Gareth Bale châu Á” đang thi đấu cho Câu lạc bộ Atalanta tại Serie A; hoặc Osama Rashid hiện thi đấu tại Bồ Đào Nha, Ahmed Yasin có thời gian dài thi đấu tại Thụy Điển…
Đó cũng không phải là chuyện chê trách Công Phượng hoặc Quang Hải bỏ lỡ cơ hội trước đội tuyển Iran. Bởi lẽ đó là một đối thủ vượt trội hoàn toàn về mọi mặt so với đội tuyển Việt Nam. Đó là đối thủ khiến cho đội tuyển Việt Nam chỉ có 29% thời lượng kiểm soát bóng trong hiệp 1, không có bất cứ một cú đá phạt hay dứt điểm chính xác nào, có số đường chuyển chỉ bằng khoảng 1/3 đối phương. Đó là đối thủ mà đẳng cấp của họ đứng đầu châu Á, là dạng mà chúng ta phải “nhìn lên” trong chuyến ra biển lớn Asian Cup kỳ này.
HLV Park Hang Seo cũng chỉ là con người, và các cầu thủ đội tuyển Việt Nam cũng vậy. Thất bại trước đối thủ vượt trội hơn là chuyện hết sức bình thường. Ngược lại, phải xem chúng ta đã thu được gì qua những trận thua đó. Đó là những thất bại quý giá giúp chúng ta định hình được rõ bóng đá Việt Nam đang cách tầm của bóng đá châu Á xa đến chừng nào. Dù thua, nhưng những gì mà các cầu thủ thể hiện trong những trận đấu ấy là đáng ghi nhận. Tinh thần chiến đấu không buông bỏ, lối chơi đồng đội cũng như đấu pháp hợp lý đã san lấp khá nhiều sự chênh lệch về mặt thể lực thể hình. Có thể thấy, trong tương lai, nếu thể lực và thể hình cầu thủ Việt Nam được cải thiện, mục tiêu vươn tầm châu Á rõ ràng không phải là một mục tiêu quá xa vời.
Trần Khánh