07:10, 30/10/2014

Quá…

Trận U21 Việt Nam gặp U19 Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG (gọi tắt là U19 HAGL), có thể đối với nhiều khán giả sẽ cảm thấy thỏa mãn khi U19 HAGL được đi tiếp sau lượt đá phạt đền đầy cân não. Nhưng đối với tôi, lại có một sự khó chịu nhè nhẹ, đó là khó chịu đối với những cái "quá" đã xảy ra trong trận đấu.

Trận U21 Việt Nam gặp U19 Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG (gọi tắt là U19 HAGL), có thể đối với nhiều khán giả sẽ cảm thấy thỏa mãn khi U19 HAGL được đi tiếp sau lượt đá phạt đền đầy cân não. Nhưng đối với tôi, lại có một sự khó chịu nhè nhẹ, đó là khó chịu đối với những cái “quá” đã xảy ra trong trận đấu.

 

Đó là bình luận viên “quá” thiên vị cho U19 HAGL, làm một người bình luận viên là phải bình luận một cách công tâm, phải là người thứ 3 đứng giữa trận đấu và khán giả, truyền lửa cho khán giả một cách công bằng đối với cả hai đội bóng. Chứ không phải là bình luận theo cảm tính, đội mình thích thì nhiệt tình và ngược lại. Đây là một điểm tối kị đối với một bình luận viên bóng đá, đặc biệt là đối với một trận đấu của hai đại diện đều đến từ Việt Nam, không hiểu sao lại vẫn phạm phải.

 

Nhưng cái “quá” lớn nhất, đó chính là sự thiên vị quá đáng của người hâm mộ. Nên nhớ, hai đội bóng trên sân đều là của Việt Nam, thậm chí là đại diện cho nền bóng đá trẻ Việt Nam. Việc người hâm mộ nên làm, đó chính là cổ vũ cả hai đội, chứ không phải là chỉ cổ vũ U19 HAGL dưới mọi hình thức, la ó phản đối U21 Việt Nam bất kể pha bóng đó là lỗi của ai. Mỗi đội bóng có phong cách chơi riêng, đó là vấn đề của huấn luyện viên chứ không phải của các cầu thủ, các cầu thủ ra sân thi đấu buộc phải chấp hành chỉ đạo của huấn luyện viên, chứ không phải là thi đấu theo sự cổ vũ của người hâm mộ. Do đó, người hâm mộ không thể vì đội bóng không thi đấu theo ý thích của mình mà xem đó như là một... đội bóng nước ngoài mà dè bỉu, thậm chí là mắng chửi. Các cầu thủ U21 đã ra sân dưới sức ép ngại thua U19 vì sợ mất mặt, lại gặp phản ứng như vậy của cổ động viên, cùng là người Việt, lại bị phân biệt đối xử như người xa lạ tới mức phải thốt lên “Không hiểu chúng tôi đã gây ra tội gì”, thì thử hỏi các cầu thủ U21 Việt Nam làm sao có thể đá tốt được?

 

Các cầu thủ U21 Việt Nam cảm thấy bức xúc đối với thái độ của người hâm mộ.
Các cầu thủ U21 Việt Nam cảm thấy bức xúc đối với thái độ của người hâm mộ.

 

Sự phân biệt đối xử quá đáng càng tiến thêm một bậc khi nó xuất hiện ở trên mặt báo, vô số bài viết, lời khen tung hô cho chức vô địch giải U21 quốc tế báo Thanh Niên 2014 của U19 HAGL. Trong khi đó, chiến thắng của U21 Việt Nam trước U21 Malaysia giành giải 3 lại chỉ được nhắc tới một cách sơ sài, thậm chí còn không thiếu lời bình ác ý của người hâm mộ. Với một chiến thắng ở một giải đấu trung bình, đã không thiếu lời tán dương như lên “mây xanh” như U19 HAGL thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam, V-League chưa xứng tầm để U19 HAGL đá, U19 HAGL phải đi đá ở các câu lạc bộ nước ngoài mới tận dụng được khả năng của các em, phải giữ nguyên đội hình U19 HAGL đá với nhau như vậy để đi lên…

 

Người hâm mộ không hề biết, chính từ những cái "quá" của mình, họ đã vô tình đẩy những cầu thủ non trẻ của mình đi tới những tình thế căng thẳng không đáng có. Với sự thiên lệch như vậy, với sự ấm ức đã thể hiện trên mặt báo như vậy, thử hỏi các cầu thủ U21, chính là đại diện của một lớp cầu thủ trụ cột của bóng đá Việt Nam trong tương lai, có thể hoàn toàn thoải mái khi gặp các cầu thủ U19 HAGL ở trong những môi trường khác, ví dụ như là cùng câu lạc bộ nếu các cầu thủ U19 HAGL được chuyển nhượng, hoặc gặp ở trên đấu trường V-League hay không? Vô hình trung, chính người hâm mộ đang làm cho các cầu thủ U19 HAGL dần dần bị cô lập đối với phần còn lại của bóng đá Việt Nam.

 

Nếu những sự khó chịu, những sự ngăn cách này càng ngày càng lớn, đó sẽ là những điều cực kỳ bất lợi đối với tương lai của các cầu thủ U19 HAGL. Sau khi ra trường, các em có thể sẽ được chuyển nhượng đến các câu lạc bộ thuộc V-League, khi các em không có được sự đồng thuận với đồng đội vì những sự khó chịu không đáng có như hiện nay, các em sẽ phát triển bản thân như thế nào khi mà bị cô lập trong đội bóng? Hoặc cho dù các em lên đá cho chính câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, thì với những sự khúc mắc, “bằng mặt mà không bằng lòng” như thế này, việc các cầu thủ gặp nhau trên sân cỏ, chuyện gì cũng có thể xảy ra đối với các em, khi mà chấn thương là điều bình thường ở trên sân cỏ.

 

Như ông cha ta hay nói, cái gì quá cũng đều không tốt, đồng ý là người hâm mộ có quyền đối với tình yêu của mình, nhưng việc để “gà nhà bôi mặt đá nhau”, thương yêu ghét bỏ như “con ruột – con ghẻ” đó là điều cực kỳ không nên đối với nền bóng đá nước nhà. Chưa nói đến chuyện, rất có thể tình yêu đó sẽ dẫn đến việc U19, U20, U21, U23… của Việt Nam đều sẽ là của Học viên Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, việc chỉ một người, một thế lực nắm trong tay một nền bóng đá, nhìn từ góc độ nào cũng không phải là một việc tốt. Làm việc, có lợi, tất cũng có hại, rất mong người hâm mộ sẽ đối xử công bằng hơn đối với lứa cầu thủ trẻ của bóng đá nước nhà. Những lứa cầu thủ trẻ này không có liên quan tới các tệ nạn của các cầu thủ đàn anh, đừng đem đánh đồng một cách ác cảm. Đồng thời, hãy để U19 HAGL phát triển một cách bình thường, đừng để cho các em lâm vào cảnh chính mình tách khỏi phần còn lại của bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ Việt Nam hãy sử dụng tình yêu của mình một cách có lí trí hơn, có lợi cho bóng đá nước nhà hơn.

 

Duy Duy