12:01, 23/01/2020

Chuyển nhượng theo kiểu… Manchester United

Khi mà huyền thoại của Manchester United - Gary Neville đã phải lên tiếng một cách gay gắt về cách mà những người quản lý đang điều hành nửa đó thành Manchester, thì người ta cũng có thể hình dung sự bức xúc đã lên đến mức tận cùng. Bởi lẽ những gì mà câu lạc bộ này đang thể hiện trên thị trường chuyển nhượng là thực sự tệ hại.

Khi mà huyền thoại của Manchester United - Gary Neville đã phải lên tiếng một cách gay gắt về cách mà những người quản lý đang điều hành nửa đó thành Manchester, thì người ta cũng có thể hình dung sự bức xúc đã lên đến mức tận cùng. Bởi lẽ những gì mà câu lạc bộ này đang thể hiện trên thị trường chuyển nhượng là thực sự tệ hại.

 

Tin đồn Manchester United chiêu mộ Bruno Fernandes đã có từ mùa giải trước, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì cụ thể cho thấy cầu thủ này sẽ đến với sân Old Trafford.
Tin đồn Manchester United chiêu mộ Bruno Fernandes đã có từ mùa giải trước, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì cụ thể cho thấy cầu thủ này sẽ đến với sân Old Trafford.


Đã từ khá lâu rồi, cách mà câu lạc bộ Manchester United tham gia thị trường chuyển nhượng hay bị người hâm mộ gọi là chuyển nhượng kiểu… Manchester United. Mới nghe qua thì hơi lạ, nhưng trên thực tế thì nó lạ thật bởi kiểu chuyển nhượng không giống ai của thượng tầng câu lạc bộ, vừa phải chi ra những số tiền không hề nhỏ, vừa có quỹ lương thuộc dạng siêu cao, vừa có nhiều tin đồn chuyển nhượng khủng hàng đầu thế giới, lại vừa có sự thiếu hiệu quả trong chuyển nhượng cũng thuộc dạng… hàng đầu thế giới. Có thể nói, chính sự chuyển nhượng thiếu hiệu quả đã góp phần rất lớn trong việc câu lạc bộ này cứ mãi lận đận mà không thể lấy lại được vầng hào quang trong quá khứ.


Kể từ sau khi huấn luyện viên Alex Ferguson nghỉ hưu, đồng hành với thành tích của Manchester United tụt dài không phanh là công tác chuyển nhượng cũng tệ hại không kém. Qua các đời huấn luyện viên David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho và Ole Gunnar Solskjaer hiện tại, điểm chung trong phong cách chuyển nhượng của Manchester United đó là sự mua bán cực kỳ thiếu hiệu quả trên thị trường chuyển nhượng. Sân Old Trafford không còn là sự lựa chọn hàng đầu của những cầu thủ chất lượng cao, mà đã trở thành một dạng công cụ để các cầu thủ mặc cả lương bổng hoặc điều kiện ưu đãi với câu lạc bộ chủ quản, bằng cách tung tin… muốn đến Manchester United. Còn trên thực tế, phong cách chuyển nhượng thường thấy của Manchester United là không thể đưa về những cái tên mà huấn luyện viên cần, nếu có thì cũng bị ép giá cao đến vô lý, hoặc nhùng nhằng không quyết để rồi cầu thủ lựa chọn những đích đến khác.


Những thương vụ thể hiện sự yếu kém trong chuyển nhượng mua bán cầu thủ của Manchester United kể từ sau khi huấn luyện viên Alex Ferguson về hưu, có thể nói là… nhiều không đếm xuể. Chẳng hạn như chiêu mộ Marouane Fellaini từ Everton với giá 27,5 triệu bảng trước khi thị trường chuyển nhượng Hè 2013 đóng cửa có 3 phút; hoặc vội vã đưa một Radamel Falcao còn chưa kịp hồi phục sau chấn thương nặng khi chuyển nhượng Hè 2014 sắp đóng cửa. Đưa về một Fred trong kỳ chuyển nhượng Hè 2018 thay vì một trung vệ là Harry Maguire với giá khoảng 60 triệu bảng Anh như huấn luyện viên Mourinho đòi hỏi, để rồi sau đó lại chịu Leicester City “chém đẹp” 80 triệu bảng Anh cũng với chính Harry Maguire. Bán một tiền đạo cắm như Romelu Lukaku trong khi câu lạc bộ không còn tiền đạo cắm thực thụ đẳng cấp nào, rồi lại thương thảo quá chậm với Mario Mandzukic khiến cho không thể kịp hoàn thiện hợp đồng. Hoặc mới nhất là việc chiêu mộ Bruno Fernandes đã trì hoãn quá lâu khiến cho người hâm mộ không khỏi nghĩ đến trường hợp của Erling Haaland, người tưởng chừng sẽ đến với Manchester United nhưng lại… rẽ hướng qua Borussia Dortmund.


Quá nhiều sai lầm trong việc mua bán chuyển nhượng như vậy, đã khiến cho huyền thoại câu lạc bộ là Gary Neville đã kịch liệt lên án Ed Woodward, người chịu trách nhiệm cho công tác chuyển nhượng của Manchester United. Thực tế cho thấy Gary Neville lên án là không hề sai. Một câu lạc bộ chi vào thị trường chuyển nhượng nhiều thứ 6 thế giới trong 10 năm qua, một câu lạc bộ có quỹ lượng cao thứ 2 thế giới ở thời điểm hiện tại, nhưng lại có một đội hình chỉ được đánh giá là có chất lượng trung bình khá là một điều không thể chấp nhận. Có thể nói, Manchester United đang dần trở thành một trò cười trên thị trường chuyển nhượng khi bị “nơi nơi ép giá”, mục tiêu thì nhiều mà cầu thủ thực sự có chất lượng chấp nhận đến lại chẳng bao nhiêu.


Trước mắt lực lượng của Manchester United đang thiếu chiều sâu khá là rõ ràng, nhưng khả năng được bổ sung lực lượng bởi những bản hợp đồng chất lượng trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2020 đang diễn ra lại là không cao. Bởi lẽ đầu tư cho Ole Gunnar Solskjaer ở thời điểm này vẫn đang có những sự lưỡng lự nhất định, khi chưa chắc Solskjaer còn là huấn luyện viên trưởng của Manchester United ở mùa giải sau. Đồng thời với công tác chuyển nhượng bất ổn như vậy, rất có thể thượng tầng Quỷ đỏ thành Manchester sẽ phải tập trung chấn chỉnh lại, trước khi tiếp tục đổ tiền vào chiêu mộ cầu thủ.

Cao Duy