10:12, 05/12/2019

SEA GAMES 30 - Không sợ gì cả, chừng nào còn niềm tự hào Việt Nam

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30 có không ít gương mặt quen thuộc từng góp mặt ở những kỳ trước. Trải qua những mùa SEA Games "có vinh có tủi", họ đã ngày một trưởng thành hơn, với chung một tinh thần đầy quyết tâm, nỗ lực cống hiến hết sức mình để mang vinh quang về cho màu cờ sắc áo.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30 có không ít gương mặt quen thuộc từng góp mặt ở những kỳ trước. Trải qua những mùa SEA Games “có vinh có tủi”, họ đã ngày một trưởng thành hơn, với chung một tinh thần đầy quyết tâm, nỗ lực cống hiến hết sức mình để mang vinh quang về cho màu cờ sắc áo.


Trương Đình Hoàng - Động lực  phấn đấu từ huy chương vàng boxing SEA Games 2015


Trương Đình Hoàng là vận động viên (VĐV) môn boxing gốc Đắk Lắk duy nhất tham dự SEA Games 30. Hoàng sinh năm 1990 và đã đầu quân cho đội tuyển trẻ quốc gia từ năm 2006. Chỉ ba năm sau, anh đã khoác áo tuyển quốc gia để tham dự SEA Games.

 


Thế nhưng trong 3 lần đầu dự SEA Games năm 2009, 2011 và 2013, anh đều ngậm ngùi dừng bước ở vòng bán kết. Chỉ đến kỳ năm 2015, “giấc mơ vàng” của anh mới thành hiện thực.


Năm 2016, Đình Hoàng bất ngờ tuyên bố từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế do chấn thương ở mắt. Anh quay về quê nhà, tự mở phòng tập và lo cho gia đình. Tuy vậy, dường như đam mê với boxing là quá lớn, đến năm 2019, anh quyết định quay lại thi đấu chuyên nghiệp.


Trở lại sàn đấu sau 3 năm vắng bóng, Đình Hoàng đã gây được tiếng vang khi giành chiến thắng trước các đối thủ sừng sỏ trên trường quốc tế, trở thành võ sĩ boxing Việt Nam đầu tiên đoạt đai vô địch WBA Đông Á. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, anh tuyên bố trở lại với đội tuyển quốc gia, tham dự SEA Games 30 ở hạng cân 81kg.


“Boxing gắn liền với tôi đã mười mấy năm rồi. Vào thời điểm 2016, dù phải giã từ đội tuyển quốc gia do chấn thương, tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Tôi vẫn theo dõi mọi người đi thi đấu và vẫn muốn tiếp tục”, anh chia sẻ. Đối với anh, động lực thi đấu hiện tại chính là gia đình nhỏ với hai cậu con trai hiếu động và nghịch ngợm, thường xuyên đeo găng và bắt chước ba chơi boxing.


Đình Hoàng cũng cho biết, thành tích huy chương vàng mà anh từng đạt được tại SEA Games 2015 là động lực để phấn đấu tốt hơn: “Với mình, thể thao không phải cái gì mình đã đạt được rồi thì nhất định sẽ đạt được nữa. Quan trọng là phải cố gắng hết mình để vượt qua được bản thân, cống hiến hết mình vì thể thao nước nhà”.


Vận động viên Judo Nguyễn Tấn Công - Vươn lên từ thất bại, phấn đấu từ thành công


Câu chuyện của Nguyễn Tấn Công - VĐV Judo 25 tuổi đến từ Phan Thiết, Bình Thuận lại là một ví dụ về tinh thần vươn lên của người Việt. Công tập Judo từ năm 10 tuổi và đã đã  gặt hái không ít thành công trong quá trình thi đấu chuyên nghiệp. Đáng chú ý phải kể đến huy chương bạc giải Judo Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc 2006 và lọt top 16 VĐV xuất sắc tại ASIAD 2018.

 


Thế nhưng hành trình tại SEA Games của anh lại không hề dễ dàng. Trắng tay sau kỳ SEA Games 2013 là một kỷ niệm buồn đối với Công. Chia sẻ về thất bại năm ấy, Công cho rằng nguyên nhân là do “mình lì quá”. “Ở trận đấu trước, mình có dấu hiệu bị giãn cơ nhưng vẫn ráng chịu đau thi đấu, đến trận sau thì khớp sưng lên nên bỏ cuộc không đấu được”, Công nhớ lại. “Sau thất bại đó, mình đã rút kinh nghiệm sâu sắc. Sau khi hồi phục, mình đã cố gắng tập luyện và thi đấu các giải trong nước để có cơ hội tại SEA Games 2015”.


Tuy vậy, vào năm 2015 Nguyễn Tấn Công lại không được góp mặt trong danh sách thể thao Việt Nam tham dự SEA Games tại Singapore. “Khi biết tin, mình buồn lắm nên đã xin về nhà nghỉ ngơi. Sau khoảng 2 tháng thì mình trở lại nhờ sự động viên của gia đình và đặc biệt là thầy Nguyễn Ngọc Phong - Huấn luyện viên trưởng đội Judo tỉnh Bình Thuận. Lúc đó mình lại phấn đấu nhắm đến kỳ SEA Games sau”. Và đó cũng chính là động lực giúp anh mang về huy chương bạc cho đoàn ở hạng cân 73kg tại SEA Games 2017.


Đối với Công, nhiệm vụ của anh tại SEA Games lần này bên cạnh phát triển bản thân, còn là giành triển thắng để để gửi tặng người thầy đã dẫn dắt anh từ những ngày đầu tiên.


 Đoàn Kiến Quốc:  Không sợ gì cả, chừng nào còn niềm tự hào Việt Nam


Với người hâm mộ môn bóng bàn, Đoàn Kiến Quốc là cái tên đã quá quen thuộc. Từng là VĐV chủ lực của đội tuyển bóng bàn Việt Nam, chàng trai Khánh Hòa từng không ít lần phá vỡ những kỷ lục ngoạn mục: 8 lần vô địch quốc gia; 3 lần được xướng tên VĐV tiêu biểu toàn quốc.

 

Huấn luyện viên Đoàn Kiến Quốc (trái)  đang tận tình hướng dẫn các vận động viên

Huấn luyện viên Đoàn Kiến Quốc (trái) đang tận tình hướng dẫn các vận động viên


Đoàn Kiến Quốc cũng chính là vận động viên bóng bàn duy nhất của Việt Nam góp mặt tại 2 kỳ Olympic liên tiếp năm 2004 và 2008, đồng thời là tay vợt bóng bàn Việt Nam đầu tiên giành chiến thắng tại đấu trường Olympic. Tại SEA Games năm 2005, anh giành huy chương bạc, và rồi bốn năm sau quay lại sân chơi khu vực, anh đã xuất sắc giành lấy tấm huy chương vàng đôi nam.


Với thành tích đầy ấn tượng sau 20 năm làm VĐV chuyên nghiệp, sau rời đội tuyển quốc gia vào năm 33 tuổi, Kiến Quốc không từ bỏ bóng bàn mà trở lại quê nhà để truyền lửa cho lứa VĐV trẻ của Khánh Hòa.


Trở lại đấu trường SEA Games năm nay, anh đã ở một vai trò mới, là huấn luyện viên dìu dắt các gương mặt trẻ tham gia giải đấu quan trọng này.


Lần đầu dẫn đoàn đi thi đấu SEA Games, là huấn luyện viên Đoàn Kiến Quốc đặt mục tiêu phấn đấu đạt kết quả tốt nhất. Anh cho biết: “Trước đây ở vị trí VĐV, đa phần áp lực và động lực để hoàn thành mục tiêu đều nằm trong sự kiểm soát của bản thân mình. Còn khi ở vị trí là huấn luyện viên, việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu đó còn phụ thuộc nhiều vào VĐV - nên đó sẽ là một thử thách lớn vì mình cần biết cách tiếp lửa cho các bạn trẻ”.


Hơn 20 năm thi đấu chuyên nghiệp, hơn ai hết, Kiến Quốc hiểu được những khó khăn, áp lực của VĐV trước các giải đấu. Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra giáo trình luyện tập phù hợp, anh cũng thường xuyên động viên, nhắn nhủ chân tình tới các VĐV. “Các em không có gì phải sợ cả, chừng nào còn giữ được niềm tự hào Việt Nam trong tim mình”.


Khi được hỏi về mục tiêu dài hơi, anh cho biết: “Trước mắt mình phải tập trung cho SEA Games, sau đó sẽ cố gắng phát triển phong trào bóng bàn tỉnh nhà cũng như bóng bàn Việt Nam ngày càng phát triển”.


Có thể thấy, thế hệ VĐV kỳ cựu của Việt Nam luôn là nền tảng quan trọng cho sự lớn mạnh của thể thao nước nhà. Họ không chỉ là niềm hi vọng mang về vinh quan cho dân tộc mà còn là người dẫn dắt tiên phong, đảm bảo cho ngọn đuốc của nền thể thao Việt Nam được truyền cho thế hệ kế cận.


T.K

 


 

 

Đi cùng khí thế đang lên của nền thể thao Việt Nam, hứa hẹn nhiều thành công tiếp nối hiện tại cũng như trong tương lai, Bia Saigon tự hào đồng hành cùng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30 trong vai trò Nhà tài trợ chính thức. Nhằm khích lệ tinh thần cho các VĐV, Bia Saigon cam kết trao thưởng cho toàn bộ VĐV và đội tuyển thể thao Việt Nam thi đấu ngay khi giành được huy chương vàng trong khuôn khổ Đại hội.


Với tinh thần “Lên như Rồng, Chiến thắng như Rồng”, Bia Saigon luôn đồng hành cùng sự vươn lên không ngừng mỗi ngày của thế hệ trẻ Việt Nam, cùng vinh danh cho những thành công mang lại niềm tự hào chính cá nhân các bạn, cho quê hương nơi nuôi dưỡng tài năng của các bạn và cho tổ quốc Việt Nam.