Sau mùa giải 2018 - 2019 cực kỳ thành công, đến Juventus với tư thế ngẩng cao đầu, Matthijs de Ligt được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung vệ hàng đầu thế giới. Tuy vậy, khi mùa giải 2019 - 2020 tại Serie A mới trải qua 9 vòng đấu, người ta đã bắt đầu lo lắng việc Matthijs de Ligt sẽ trở thành hiện tượng một mùa.
Sau mùa giải 2018 - 2019 cực kỳ thành công, đến Juventus với tư thế ngẩng cao đầu, Matthijs de Ligt được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung vệ hàng đầu thế giới. Tuy vậy, khi mùa giải 2019 - 2020 tại Serie A mới trải qua 9 vòng đấu, người ta đã bắt đầu lo lắng việc Matthijs de Ligt sẽ trở thành hiện tượng một mùa.
Mùa giải 2018 - 2019, khi ấy mới 19 tuổi, Matthijs de Ligt đã là trung vệ đội trưởng của Câu lạc bộ Ajax, cùng tập thể các cầu thủ còn non trẻ của Ajax vào đến bán kết Champions League, điều không ai có thể nghĩ đến trước khi mùa giải bắt đầu. Riêng bản thân Matthijs de Ligt đã được nhận giải Golden Boy 2018 (giải dành cho cầu thủ trẻ dưới 21 tuổi thi đấu ấn tượng nhất ở các giải đấu hàng đầu châu Âu), Cầu thủ Hà Lan xuất sắc nhất mùa giải 2018-2019, lọt vào đội hình tiêu biểu của Champions League 2018-2019 và UEFA Nations League 2019… Với những biểu hiện xuất sắc như vậy, Matthijs de Ligt đã được Câu lạc bộ Juventus “phá két” đưa về với giá kỷ lục 75 triệu euro để đầu tư cho tương lai.
Mọi chuyện tưởng như cực kỳ thuận lợi với cầu thủ này khi trung vệ kỳ cựu Giorgio Chiellini đã chấn thương ngay khi mùa giải mới bắt đầu, và mặc nhiên Matthijs de Ligt có suất đá chính bên cạnh trung vệ Leonardo Bonucci. Nhưng mọi chuyện đã trở nên không suôn sẻ như mong đợi. Bởi dù là thủ lĩnh hàng phòng ngự của Ajax, nhưng Matthijs de Ligt có vẻ như vẫn “ngợp” khi thi đấu trong màu áo Juventus. Dù vẫn thi đấu hết sức cố gắng, không thiếu tự tin và xông xáo, nhưng sự chắc chắn mà cầu thủ này từng thể hiện tại Ajax dường như đã biến mất.
Khi Matthijs de Ligt phạm sai lầm liên tiếp trong những trận giao hữu, người ta còn có thể lý giải bởi môi trường mới và đồng đội mới, vẫn kỳ vọng cầu thủ này sẽ nhanh chóng hòa nhập và tỏa sáng. Đáng tiếc, tần suất phạm sai lầm của anh diễn ra một cách khá… đều đặn. Chẳng hạn như anh mắc lỗi trong cả 3 bàn thua của Juventus trước Napoli; để bóng chạm tay dẫn đến quả phạt đền trong trận gặp Inter Milan; phá hụt bóng khiến Juventus bị thủng lưới trước Lokomotiv Moscow; mới đây nhất, cầu thủ này lại để bóng chạm tay dẫn đến quả phạt đền khiến Juventus mất điểm trước Lecce… Đó là chưa nói đến khá nhiều pha chọn sai vị trí, phá hụt bóng, thua trong tranh chấp tay đôi khác, dẫn đến khung thành Juventus chịu uy hiếp. Một vài sai lầm còn có thể lý giải, nhưng hàng loạt sai lầm diễn ra trong thời gian ngắn sẽ khiến cho người ta cảm thấy tài năng của Matthijs de Ligt là có vấn đề, và cầu thủ này đứng trước nguy cơ chỉ là hiện tượng một mùa.
Một phần lý do của việc Matthijs de Ligt có phong độ thi đấu tệ như vậy còn đến từ sự thích nghi vị trí, khi ở Ajax anh vốn thi đấu ở vị trí tương tự như Leonardo Bonucci, đó là kiểm soát thế trận từ xa, cung cấp bóng cho tuyến trên bằng khả năng chuyền bóng chính xác. Ở Juventus, chưa nói đến việc Matthijs de Ligt không thể sánh bằng Leonardo Bonucci ở mặt này, thì vị trí mà anh thay thế là của Giorgio Chiellini, với chức năng và nhiệm vụ hoàn toàn khác. Trong khi Bonucci điều phối bóng thì Chiellini sẽ đảm nhận nhiệm vụ lao lên trước để đánh chặn và tranh chấp bóng, rõ ràng đây không phải là sở trường của Ligt. Không có nhiều kinh nghiệm trong những cuộc tranh chấp tay đôi cũng như khả năng phán đoán tình huống, xảy ra sai lầm là điều không thể tránh khỏi.
Serie A là giải đấu đề cao tính chiến thuật và khả năng phòng ngự, nên chắc chắn sẽ rất khắc nghiệt đối với một cầu thủ “chân ướt chân ráo” mà lại phải đá trái vị trí như Matthijs de Ligt. Nếu muốn trở thành trung vệ đẳng cấp thế giới như mong muốn, đây chính là thử thách buộc anh phải vượt qua. Còn không, anh cũng chỉ là hiện tượng một mùa như nhiều cái tên khác trong làng túc cầu thế giới.
Trần Khánh