10:11, 14/11/2007

Phim Luật đời: Vòng quay nghiệt ngã của số phận

Sau thành công của phim “Ma làng”, khán giả truyền hình háo hức chờ xem phim “Luật đời” - bộ phim được giới thiệu là khai thác đề tài gai góc, đậm tính thời sự. Thế nhưng, có vẻ như...

Nghệ sĩ Hà Văn Trọng (trái) trong vai ông Hòe - nhân vật chính của phim “Luật đời”.

Sau thành công của phim “Ma làng”, khán giả truyền hình háo hức chờ xem phim “Luật đời” - bộ phim được giới thiệu là khai thác đề tài gai góc, đậm tính thời sự. Thế nhưng, có vẻ như “Luật đời” không tạo được sức hút đối với khán giả truyền hình như “Ma làng”.

Phim Luật đời (25 tập, đạo diễn Mai Hồng Phong, Hồng Nhung) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Luật đời và Cha con của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, phát sóng lúc 21 giờ trên kênh VTV1 từ ngày 2-11. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của các thành viên trong gia đình ông Lê Hòe (nghệ sĩ Hà Văn Trọng đóng) - một sĩ quan quân đội chuyển ngành trở thành cán bộ tuyên huấn cao cấp, một người giáo điều và duy ý chí. Trong mắt mọi người, ông Hòe là đảng viên gương mẫu và có uy tín ở thành phố Thanh Hoa, thế nhưng ông đã từng bỏ vợ cả ở quê và gá nghĩa với bà Phụng - nhân viên mậu dịch. Những năm xóa bỏ chế độ bao cấp qua nhanh, thành phố Thanh Hoa thay đổi từng ngày, cơ chế thị trường đã tác động mạnh đến từng gia đình, cá nhân. Trong vòng xoáy đó, Lê Đại - con trai ông Hòe (một sĩ quan quân đội) quyết định chuyển ngành để làm kinh tế. Ông rất tức giận khi cho rằng con trai đã đánh mất bản lĩnh, tư cách của người đảng viên và mặc dù đang thành công trong sự nghiệp chính trị, ông vẫn quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi vì cho rằng mình không còn đủ uy tín. Chưa dừng lại ở đó, bi kịch của gia đình ông Hòe lên đến đỉnh điểm khi Đại lại quyết định rời bỏ Sở Công thương thành phố, nghỉ sinh hoạt Đảng để thành lập doanh nghiệp… Với câu chuyện 3 thế hệ trong 1 gia đình, Luật đời đã phản ánh số phận của từng thành viên trong gia đình trong sự chi phối của quy luật cuộc sống, cơ chế xã hội mà nổi bật lên sự nghiệt ngã của số phận: Quá say sưa kiếm tiền, thỏa mãn với những phi vụ làm ăn, xem việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của người vợ, Đại quên rằng bên cạnh mình còn có những người thân đang cần sự quan tâm chia sẻ. Các thành viên trong gia đình theo đuổi những mục đích riêng, đẩy gia đình đến bờ vực của sự tan vỡ: vợ ngoại tình, con trai duy nhất trở nên bất cần và ngang tàng trong cuộc sống…

Có thể nói, điểm mạnh của Luật đời chính là ở kịch bản, tác giả đã mạnh dạn đi vào những vấn đề khá gai góc của cuộc sống. Êkip làm phim đã khai thác sâu những vấn đề khá nhạy cảm, mang tính thời sự nóng hổi như: vấn đề đảng viên làm kinh tế, một số đảng viên lợi dụng danh nghĩa Đảng để làm điều không đúng. Bên cạnh đó, phim cũng đề cập đến những cái cũ kỹ, lỗi thời, những rào cản không hợp lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước… Kịch bản có nhiều kịch tính, sự diễn xuất của dàn diễn viên có “đẳng cấp” cũng đem lại nhiều hy vọng. Chỉ mới qua những tập đầu tiên, nhưng có thể nói nghệ sĩ Hà Văn Trọng đã rất thành công khi hóa thân vào ông cán bộ tuyên huấn cao cấp Lê Hòe - người giáo điều, duy ý chí và luôn đề cao nguyên tắc trong cuộc sống lẫn công việc. Bên cạnh ông Hòe, Quốc Tuấn cũng “tự làm mới mình” qua nhân vật Lê Đại, một con người thức thời, giàu tham vọng. Bên cạnh đó là sự góp mặt của Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Cường, Thanh Qúy, Hoàng Mai…

Ngoài những điểm mạnh đó, Luật đời tiếp tục gặp phải một số lỗi quen thuộc về bối cảnh, phục trang. Dẫu vậy, khán giả có thể đặt hy vọng vào tác phẩm của đạo diễn Mai Hồng Phong - người đã khá thành công với những bộ phim có đề tài thời sự như Những ngọn nến trong đêm, Con nhện xanh…

XUÂN THÀNH