11:05, 02/05/2021

Covid-19 nóng ở châu Á: Thế giới trông chờ vào vaccine, chạy đua đối phó biến thể mới

Trái ngược với xu thế dịu xuống ở châu Âu, tuần qua chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 tại châu Á, với tâm điểm là Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á.

Trái ngược với xu thế dịu xuống ở châu Âu, tuần qua chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 tại châu Á, với tâm điểm là Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á.
 
Sự xuất hiện của các biến thể mới có độc lực mạnh hơn, sự chậm trễ của các chiến dịch tiêm chủng, cũng như tâm lý chủ quan của chính quyền và người dân là những nguyên nhân của các làn sóng bùng phát dịch. Trong bối cảnh này, nhiều nước đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine, coi đây là công cụ quan trọng giúp thế giới chạy đua với những biến thể mới và nhanh chóng khống chế dịch bệnh.
 

 

Ấn Độ vẫn chưa tới đỉnh dịch và những gì đang diễn ra tại nước này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ảnh minh họa: Reuters
Ấn Độ vẫn chưa tới đỉnh dịch và những gì đang diễn ra tại nước này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ảnh minh họa: Reuters
 
Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, Ấn Độ đã phải chứng kiến thêm 7,7 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Cột mốc 400.000 ca mắc mới trong 1 ngày cũng nhanh chóng bị phá vỡ, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 19 triệu ca mắc Covid-19 trên tổng số gần 1,4 tỷ dân và hiện là tâm dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Số ca tử vong cũng ở mức 6 con số, với hơn 200.000 ca.
 
Bùng phát lây nhiễm đã đẩy hệ thống y tế tại Ấn Độ đến ngưỡng quá tải. Thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, oxy, đồ bảo hộ y tế đang là thực tế phổ biến ở hầu khắp các bệnh viện. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chưa tới đỉnh dịch và những gì đang diễn ra tại nước này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới.
 
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Đây là một kịch bản đang diễn ra trên khắp thế giới và sẽ còn tiếp tục trừ khi chúng ta đảm bảo được quyền tiếp cận công bằng với những công cụ cần thiết để cứu mạng sống. Giải pháp là rất đơn giản. Chúng ta cần sự chia sẻ của các quốc gia và công ty đang kiểm soát những công cụ này”.
 
 
Không chỉ Ấn Độ, nhiều nước Đông Nam Á cũng phải đối mặt với xu hướng lây nhiễm nghiêm trọng. Từng được xếp vào danh sách những nước chống dịch thành công, Thái Lan, Campuchia và Lào đang lần lượt phải chứng kiến sự bùng phát trở lại một cách đáng lo ngại của dịch bệnh. Trong khi Campuchia đang trải qua những ngày “điêu đứng” vì dịch khi số ca mắc liên tục chạm ngưỡng 3 con số, thì tại Thái Lan, số ca tử vong do Covid-19 đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong một tháng lên trên 4.000 ca. Trung bình số ca mắc mới theo ngày cũng ở mức hơn 2.000.
 
Ông Suksan Kittisupakorn, một quan chức y tế Thái Lan cho biết: “Số ca hàng ngày hiện đã tăng lên. Đây được cho là điều tồi tệ nhất đối với Thái Lan kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, cũng từ dịch bệnh, chúng tôi hiểu được là cần phải cải thiện cũng như tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe đất nước. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng số giường bệnh lên 10.000 giường trong thời gian ngắn và tự tin có thể ngăn chặn đợt bùng phát này”.
 
Những nước chịu ảnh hưởng nặng trong đợt dịch đầu tiên như Philippines, Malaysia cũng chưa thể chặn đứng đà lây nhiễm. Đặc biệt tại Philippines, trung bình số ca mắc Covid-19 theo ngày lên tới hơn 9.000 ca.
 
Trong bối cảnh này, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhiều nước đang tập trung vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Trong khi Thái Lan vừa cải biến một phần sân bay quốc tế ở Bangkok thành điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19, phục vụ tiêm hơn 1.000 liều mỗi ngày, thì chính quyền Campuchia cũng yêu cầu tiêm chủng cho toàn bộ 3 triệu người ở “Khu vực Đỏ” – nơi được khoanh vùng chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh.
 
Còn tại Ấn Độ, từ hôm qua, nước này đã mở rộng chương trình tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả những người trưởng thành từ 18 đến 45 tuổi. Nhằm tăng cường nguồn cung vaccine toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới mới đây đã cấp phép khẩn cấp cho vaccine Moderna của Mỹ. Đây là loại vaccine thứ 5 được phê chuẩn. Bước đi được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia chưa thể sản xuất vaccine Covid-19 có thể tiếp cận nguồn vaccine để nhập khẩu và tiêm cho người dân./.
 
Theo VOV