Thực hiện chủ trương phát triển Chính phủ điện tử, ngày 4-5-2018, UBND tỉnh ban hành quyết định về kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0. Quá trình xây dựng và triển khai đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thực hiện chủ trương phát triển Chính phủ điện tử, ngày 4-5-2018, UBND tỉnh ban hành quyết định về kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0. Quá trình xây dựng và triển khai đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Kết quả khả quan
Hiện nay, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về CNTT phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh. 100% sở, ban, ngành, địa phương đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành (E-Office) và mở rộng đến Văn phòng Tỉnh ủy, tất cả khối Mặt trận - đoàn thể tỉnh, nâng tổng số đầu mối sử dụng lên hơn 650 cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh đạt hơn 97%. Trong đó, tỷ lệ văn bản chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng chiếm 71,6% so với tổng số văn bản đi, đến giữa các cơ quan trong tỉnh. Phần mềm E-Office của UBND tỉnh cũng kết nối với hệ thống của Văn phòng Chính phủ qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Đặc biệt, ngày 31-8-2018, Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh được đưa vào vận hành, với 6 phân hệ cơ bản: Cổng thông tin Dịch vụ hành chính công trực tuyến, phần mềm Một cửa điện tử giải pháp kiến trúc mới và 4 phân hệ cơ sở dữ liệu. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) được cập nhật, tiếp nhận, giải quyết trên phần mềm Một cửa điện tử giải pháp kiến trúc mới, trong đó có 140 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, phần mềm Một cửa điện tử giải pháp kiến trúc mới đã tiếp nhận và giải quyết 237.969 hồ sơ, trong đó có 33.166 hồ sơ trực tuyến, chiếm 14%. Các phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu đều cơ bản được xây dựng để liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của địa phương và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tính đến ngày 9-7, có 230.771 khách hàng đã thực hiện dịch vụ, có tài khoản và kho lưu trữ trực tuyến trên Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh, trong đó có 11.213 khách hàng ngoại tỉnh. Với 113.316 hồ sơ trực tuyến liên thông trên hệ thống, nếu tính trung bình mỗi hồ sơ giảm 3 ngày luân chuyển so với hồ sơ giấy thì tổng thời gian giải quyết được rút ngắn 339.948 ngày. Ngoài ra, trong tháng 8, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp hoàn thành kết nối phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của các sở, ngành, UBND cấp huyện vào Trục liên thông văn bản quốc gia.
Theo báo cáo xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2018 do Bộ Nội vụ công bố, chỉ số hiện đại hóa hành chính của Khánh Hòa đạt 89,25%, xếp thứ 2 toàn quốc và là 1 trong 4 tỉnh có tỷ lệ TTHC phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 và 4 hơn 60% số TTHC đã triển khai.
Còn vướng mắc
Tuy vậy, việc ứng dụng CNTT của tỉnh còn một số vướng mắc: kinh phí đầu tư, trang bị hạ tầng CNTT còn thiếu, nhất là cấp xã, đơn vị sự nghiệp; cán bộ chuyên trách mỏng và yếu, đặc biệt ở cấp xã, huyện… Cơ chế bảo đảm phát triển Chính quyền điện tử hiện cũng chưa đủ mạnh. Cách tiếp cận Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0 và 2.0 khác biệt căn bản, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiệm vụ của địa phương. Nhiều quy định chưa phù hợp hoặc chậm sửa đổi như: thuê dịch vụ CNTT, quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nguồn vốn đầu tư ứng dụng CNTT chủ yếu từ ngân sách địa phương…
Đặc biệt, ở một số lĩnh vực, địa phương phải duy trì nhiều hệ thống thông tin để quản lý một nội dung, nhóm dịch vụ hành chính công, tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ thực thi nhiệm vụ. Danh mục TTHC trực tuyến do Chính phủ ban hành thay đổi thường xuyên, một số không đủ điều kiện thực hiện trực tuyến hoặc không có hồ sơ thực tế tại địa phương. Một số TTHC chỉ được đơn giản hóa theo hướng ghép vài TTHC cùng lĩnh vực thành 1 TTHC, nhưng về bản chất không giảm TTHC và khiến việc cung cấp, giải quyết TTHC ở địa phương trở nên phức tạp, tạo ra rào cản trong thực tế.
Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chính phủ điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm có cơ chế pháp lý cho việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thiết lập hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng cấp địa phương; hướng dẫn yêu cầu, chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử. Bên cạnh đó, đề nghị sớm hướng dẫn về phạm vi, chức năng của nền tảng tích hợp, chia sẻ ứng dụng, cơ sở dữ liệu quốc gia để thống nhất mô hình triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ ứng dụng, cơ sở dữ liệu tại địa phương, tránh đầu tư trùng lắp…
NGUYỄN VŨ