20:50, 06/09/2023

Khoảng trống của thể thao Khánh Hòa
Kỳ 1: Một thời “vàng son” 

AN NHIÊN

Thời “vàng son”, Khánh Hòa không thiếu những nhân tài thể thao mà đến nay mỗi khi nhắc đến tên hẳn vẫn còn lưu lại trong ký ức nhiều người. Tuy vậy, qua thời gian, lớp nhân tài ngày ấy người thì giải nghệ, người vì miếng cơm manh áo nghỉ thi đấu, hoặc chuyển đến địa phương khác mưu sinh, để lại một khoảng trống khó lấp đầy. Vì vậy, rất cần những chính sách, chế độ đãi ngộ để giữ chân và thu hút nhân tài thể thao, tạo động lực, tiền đề đưa thể thao xứ Trầm sớm ngày trở lại đỉnh cao.

Kỳ 1: Một thời “vàng son” 

Thể thao Khánh Hòa ngày ấy, mỗi khi nhắc đến ai cũng biết bởi nơi đây có nhiều gương mặt nổi danh trong nước và quốc tế, như: Diệp Bảo Minh (wushu tán thủ), Đoàn Kiến Quốc (bóng bàn), Phạm Đình Khánh Đoan, Trúc Vân, Thu Lan (điền kinh), Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ người khuyết tật)… Thế nhưng, do không còn đỉnh cao phong độ hoặc phải lo cuộc sống mưu sinh nên nhiều vận động viên (VĐV) nghỉ thi đấu, chuyển sang hướng khác.

Những gương mặt nổi danh 

Những năm cuối thế kỷ XX, đầu XXI, Khánh Hòa nổi lên là một trong những vùng đất sản sinh nhân tài thể thao. Thành tích của những VĐV ở các đấu trường trong nước và quốc tế không chỉ làm rạng danh ngành Thể thao xứ Trầm, mà còn mang vinh quang về cho Tổ quốc. Cái tên đầu tiên phải kể đến là võ sĩ wushu tán thủ hạng cân 56kg Diệp Bảo Minh. Vốn xuất thân từ VĐV môn võ cổ truyền, nhưng nhờ có tố chất của một võ sĩ đấu vật, Diệp Bảo Minh khi chuyển sang thi đấu môn wushu tán thủ lập tức đã gặt hái thành công. Cụ thể, sau khi giành huy chương vàng (HCV) SEA Games 21 (năm 2001), cùng năm đó, Diệp Bảo Minh đã xuất sắc giành HCV ở giải vô địch thế giới khi đánh bại võ sĩ người Belarus trong trận chung kết môn tán thủ tại Armenia. Ngoài thành tích nổi bật trên, Diệp Bảo Minh còn mang về không ít HCV SEA Games 22, giải vô địch châu Á trước khi “treo găng”, chuyển sang làm công tác huấn luyện vào năm 2004... 

Đoàn Kiến Quốc (ngoài cùng bên trái) - tài năng một thời của bóng bàn Khánh Hòa.
Đoàn Kiến Quốc (ngoài cùng bên trái) - tài năng một thời của bóng bàn Khánh Hòa.

Nói về thời "vàng son" của thể thao Khánh Hòa, điền kinh được coi là môn có nhiều nhân tài bậc nhất. Thế hệ “vàng” đầu tiên của điền kinh Khánh Hòa với những gương mặt nổi bật, kiện tướng quốc gia, như: Lê Đức Lập, Lan Thanh, Huyền Nga (việt dã), Huỳnh Thị Cúc, Văn Trúc, Nguyễn Phương (cự ly ngắn), Nguyễn Thị Ngọc Giao, Võ Thị Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Diễm. Thế hệ "vàng" thứ hai của điền kinh Khánh Hòa có bộ ba: Khánh Đoan, Thu Lan, Trúc Vân. Ở kỳ SEA Games 21, bộ ba VĐV này mang về phần lớn huy chương cho thể thao Việt Nam; riêng môn điền kinh, hầu hết HCV đều do các VĐV Khánh Hòa giành được. Trong đó, riêng Khánh Đoan giành 2 HCV nội dung 800m và 1.500m; Thu Lan giành HCV nhảy xa và huy chương bạc nhảy tam cấp; Trúc Vân giành 2 huy chương đồng nội dung 5.000m và 10.000m; Võ Thị Ngọc Hạnh giành huy chương bạc nội dung 4 x 100m và huy chương đồng nội dung 200m. Thế hệ sau còn có Nguyễn Đăng Đức Bảo, Nguyễn Đăng Thanh Thúy, Vinh Thiên và gần đây là Trần Nhật Hoàng, “ngôi sao” trẻ giành 3 HCV SEA Games 30 và tấm HCV SEA Games 32.

Vận động viên  nổi tiếng một thời  Phạm Đình Khánh Đoan.
Vận động viên nổi tiếng một thời Phạm Đình Khánh Đoan.

Ngày ấy, bóng bàn cũng được coi là môn thể thao thế mạnh của Khánh Hòa, với vô số thành tích huy chương cá nhân, đồng đội của tay vợt Đoàn Kiến Quốc ở các giải đấu quốc gia, SEA Games. Nổi bật nhất là chiếc HCV lịch sử đồng đội nam tại SEA Games 25 của tay vợt người Khánh Hòa giành được cùng với người đồng đội Đinh Quang Linh. Đoàn Kiến Quốc còn là VĐV duy nhất của bóng bàn Việt Nam có 2 lần tham gia thế vận hội (Olympic) 2004 và 2008. Ngoài ra, thể thao Khánh Hòa còn có bộ đôi quần vợt Kim Trang - Kim Lợi từng làm mưa, làm gió tại các giải đấu quốc gia.

Nhiều lo toan cuộc sống mưu sinh

Qua thời gian, một phần các VĐV qua thời đỉnh cao phong độ đã giải nghệ, phần phải lo cuộc sống mưu sinh nên nghỉ thi đấu và chuyển sang hướng khác. Cũng kể từ đó, thể thao Khánh Hòa xuất hiện khoảng trống khó lấp đầy. Hơn 15 năm trở lại đây, thành tích của thể thao Khánh Hòa dần sụt giảm, cả đấu trường quốc tế và quốc nội, đặc biệt là trong các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, IX. Ngoại trừ Trần Nhật Hoàng, gương mặt trẻ mới xuất hiện gần đây, thế nhưng phong độ của anh cũng không ổn định khi không thể bảo vệ thành công thành tích HCV tại kỳ SEA Games 31, chỉ giành được 1 HCV nội dung hỗn hợp 4 x 400m nam - nữ tại SEA Games 32.

Thế hệ “vàng son” của thể thao Khánh Hòa mất hút có rất nhiều nguyên nhân, song đa số vì cuộc sống mưu sinh. Như trường hợp của võ sĩ Diệp Bảo Minh, sau thời gian “treo găng”, chuyển sang làm huấn luyện viên (HLV) wushu tán thủ Khánh Hòa được 4 năm với mức lương không đủ nuôi gia đình. Đến năm 2008, võ sĩ này khăn gói ra Hà Nội phụ trách huấn luyện lực lượng an ninh cho một công ty, sau đó vào TP. Hồ Chí Minh mở lò dạy võ. Còn Trúc Vân, “nữ hoàng” trên đường chạy 10.000m SEA Games 22 đã quyết định từ bỏ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao khi còn sung sức ở tuổi 28 để chọn học nghề trang điểm, cùng với chồng mở tiệm áo cưới mưu sinh. Tay vợt Kim Trang du học nước ngoài, Kim Lợi chuyển sang nghề làm tóc, Nguyễn Đăng Đức Bảo đi xuất khẩu lao động. Đáng tiếc nhất, tay vợt Đoàn Kiến Quốc cũng rời Khánh Hòa đầu quân cho Câu lạc bộ Bóng bàn Dầu khí (Petro Việt Nam), mãi sau này mới quyết định trở về Khánh Hòa trong cương vị VĐV duy trì thành tích bóng bàn vừa là HLV đào tạo lứa trẻ.

"Nhân tài thể thao Khánh Hòa trước giờ chỉ có đi, không có về" - đó là những gì ông Nguyễn Minh Đạt - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh chia sẻ khi tôi đề cập đến câu chuyện thu hút nhân tài thể thao. Theo ông Đạt, những nhân tài thể thao ngày ấy nhiều người nghỉ thi đấu chuyển sang hướng khác; những ai có nền tảng gia đình tốt hơn, khi qua thời kỳ đỉnh cao phong độ đã chọn cách ở lại tiếp tục trau dồi kỹ năng, kiến thức trở thành các HLV như trường hợp của bà Hoàng Thị Huyền Nga, Khánh Đoan, Thu Lan… Còn các VĐV đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, chẳng có ai chọn về đầu quân cho thể thao Khánh Hòa, vì thời ấy VĐV còn quá nhiều lo toan.

AN NHIÊN

Kỳ 2: Cần cú hích trong đãi ngộ nhân tài