Cách đây chừng 50-60 năm, Nha Trang có nhiều tiệm đóng giày thủ công nổi tiếng được khách ưa chuộng. Theo thời gian, giày công nghiệp đa dạng về mẫu mã và giá thành rẻ đã khiến nghề làm giày thủ công vốn nổi tiếng về sự bền chắc và êm chân ngày càng ít khách… Dẫu vậy, nhiều người vẫn đang bám trụ với nghề để mưu sinh, lưu giữ nét đẹp một thời.
Cách đây chừng 50-60 năm, Nha Trang có nhiều tiệm đóng giày thủ công nổi tiếng được khách ưa chuộng. Theo thời gian, giày công nghiệp đa dạng về mẫu mã và giá thành rẻ đã khiến nghề làm giày thủ công vốn nổi tiếng về sự bền chắc và êm chân ngày càng ít khách… Dẫu vậy, nhiều người vẫn đang bám trụ với nghề để mưu sinh, lưu giữ nét đẹp một thời.
Nghề làm đẹp những bàn chân
8 giờ sáng, sau giờ cà phê với bạn bè, ông Lê Cường - chủ tiệm giày Việt Cường (152 Thống Nhất, TP. Nha Trang) mở cửa tiệm. Ông lau cánh tủ gương, mở cửa lấy những đôi giày ra đánh lại lớp xi mới bóng loáng đẹp đẽ rồi cẩn thận xếp lại vào tủ rất ngay ngắn. “Con người có số. Giày dép cũng có số. Nếu ở thời điểm những năm 70-80 của thế kỷ trước, những đôi giày này làm gì có cơ hội ngồi chễm chệ trong tủ như bây giờ. Khi ấy, làm đôi nào ra là bán đôi nấy”, người thợ giày tóc hoa râm mở lòng.
13 tuổi, ông Cường đã được bố mẹ cho đi học nghề đóng giày thủ công với ông Châu “đế”- thợ giày của tiệm giày Vina (đường Thống Nhất). Nghề làm giày rất nhiều công đoạn, khó nhất là pha da, làm mũ giày, nặng nhất là làm đế. Sau khi hoàn thiện mũ, đưa vào phom, giày tiếp tục được khâu mép, khâu đế, đóng gót. Phải mất 3-4 năm học hỏi, ông Cường mới lành nghề rồi đi làm thuê cho tiệm giày Minh Sơn ở Buôn Ma Thuột, sau năm 1975 mới về lại Nha Trang. Từ chỗ làm thuê, đến cuối thập niên 80, ông Cường ra mở tiệm riêng, bám trụ với nghề cho đến bây giờ. Dù không còn đắt khách như xưa, việc đóng giày cũng đủ để ông trả tiền thuê mặt bằng, trang trải cuộc sống.
Khách hàng của ông chủ yếu là đàn ông trung niên, giới trẻ thích thời trang ưa đi tiệm mua đồ sẵn hơn là đi giày thủ công. Ông L. (một chủ thầu xây dựng) là bạn hàng lâu năm của tiệm giày Việt Cường. Sau hơn 10 phút đo chân, tư vấn kiểu dáng, cuối cùng ông cũng chốt được đơn hàng với khách là một đôi giày màu nâu cánh gián có giá gần 1 triệu đồng. “Ông L. có chân thấp chân cao nên phải là thợ lâu năm trong nghề, trực tiếp làm tất cả công đoạn thì mới có thể đóng đôi giày khiến khách hài lòng. Với trường hợp này, mình phải làm đôi giày cao quá cổ chân để che khuyết điểm, đồng thời phần đế cũng phải được độn thật khéo. Được cái vị khách này rất hào phóng, có lần đặt luôn 2 đôi một lúc”, ông Cường chia sẻ.
Lân la ở các tiệm giày, tình cờ tôi gặp ông Nguyễn Bá Quang (80 tuổi, ở đường Đồng Nai), một thợ giày kỳ cựu của tiệm giày ABC (đường Thống Nhất) ghé thăm tiệm. Bắt chuyện mới biết, năm 1963, ông Quang từ Huế vào Nha Trang rồi xin vào làm thợ giày ở tiệm ABC. Thời ấy, cùng với nghề kim hoàn, thợ đóng giày, thợ may rất được xã hội coi trọng, thu nhập khá cao. “Công việc của anh thợ giày khá vất vả. Các công đoạn tạo nên đôi giày đều được làm bằng tay, từ ra da, tạo mẫu, bào mướt đế bằng mảnh thủy tinh, vạt bớt da mỏng để xếp mí mũi giày, đục lỗ, may các kiểu…”, ông Quang cho biết. Theo người thợ lão làng này, đóng giày bây giờ đã nhàn nhã hơn trước rất nhiều, bởi đa phần thợ giày có đế đúc sẵn, việc vạt da cho mỏng cũng được làm bằng máy. Chỉ những đôi giày đặc biệt, thợ mới phải làm đế bằng tay và đó cũng là khi người thợ chứng tỏ tay nghề của mình. “Thợ giày giỏi là người có thể đóng ra những đôi giày vừa che đi khiếm khuyết của đôi bàn chân, vừa đẹp”, lời tâm sự của ông Quang cũng là lời lý giải cho sự tồn tại của nghề đóng giày thủ công trong thời đại công nghiệp.
Vang danh một thời
Không ai nhớ, tiệm giày thủ công đầu tiên ở Nha Trang ra đời khi nào, nhưng đường Thống Nhất là nơi tập trung nhiều tiệm giày thủ công nhất. Lâu năm nhất là tiệm giày ABC ra đời từ khoảng những năm 1959-1960, tiếp đó là các tiệm CAVA, VINA ra đời vào đầu thập niên 60 ở thế kỷ trước, rồi đến các tiệm Việt Dũng, Tân Thành… Theo dòng thời gian, lớp thợ giày, chủ tiệm năm xưa đã thành “người thiên cổ”. Các tiệm giày thời ấy cũng lần lượt đóng cửa, nay chỉ còn tiệm giày ABC đang kinh doanh. Theo bà Mai Thị Phượng - chủ tiệm giày ABC, người khai sinh tiệm giày này là ông Mai Văn Dự (đã mất cách đây vài năm), một thợ giày người Huế rất giỏi nghề. Tiệm làm ăn rất phát đạt, có lúc trong nhà nuôi cả chục người thợ. Sau này, dù không còn đắt khách như xưa song tiệm vẫn duy trì được một lượng khách ổn định. Hàng năm, đến ngày giỗ tổ nghề, cánh thợ giày ở Nha Trang vẫn thường tập trung về tiệm ABC để cúng tổ nghề.
Nổi tiếng không kém là tiệm giày CAVA của ông Phan Văn Trực. Là người gốc Nha Trang, nhưng ông Trực học nghề đóng giày từ những người thợ giày miền Bắc di cư vào sống ở thành phố biển. Sau khi lành nghề, ông mở tiệm giày Tân Mỹ ở gần Mả Vòng, đến năm 1962, ông chuyển về số 237 Thống Nhất mở tiệm giày CAVA. Thời thịnh hành, tiệm có đến 10 thợ giày ăn ở trong nhà, nhiều người ở Tuy Hòa (Phú Yên), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng đến học nghề. Khách đến đặt làm giày, sửa giày rất đông, nhất là mùa lễ, Tết. Con cái trong gia đình ông vẫn theo nghề đóng giày, nhưng gần đây tiệm giày CAVA đã chính thức đóng cửa để lại nuối tiếc cho nhiều người. “Ba tôi mất năm 1989, tôi tiếp tục làm chủ tiệm gìn giữ nghề gia đình. Năm 2018, khi em gái bán nhà ở số 237 Thống Nhất, tôi chuyển tiệm lên đường 23-10 nhưng được thời gian ngắn khu vực này triển khai Dự án Nút giao thông Ngọc Hội, rồi dịch Covid-19 nên tôi đóng cửa tiệm luôn. Bây giờ trong gia đình không còn ai theo nghề, tôi thật sự tiếc”, bà Phan Thị Hương - chủ tiệm giày CAVA nức tiếng một thời ngậm ngùi kể.
Vẫn còn những khách hàng ruột
Hỏi chuyện, những thợ giày, chủ tiệm đóng giày kỳ cựu cho biết, trước đây, đời sống người dân còn thấp nên chỉ có công chức, giáo viên, người buôn bán có tiền mới đóng giày. Đã vậy phải vài năm mới đóng một đôi giày mới. Thế nên các chủ tiệm giày luôn cố gắng làm hài lòng khách hàng để giữ khách.
Tôi gặp ông Nguyễn Văn Hòa (xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) ở tiệm giày ABC. Ông cho biết mình đã đóng giày ở đây gần 30 năm và vẫn tiếp tục dùng giày đóng. “Giày đóng thủ công mang rất vừa chân và bền, đẹp… Khi hư hỏng có thể đến nhờ sửa, đánh xi dễ dàng”, ông Hòa chia sẻ. Tương tự, bà Minh Trang - giáo viên tiếng Anh lại luôn ưa thích mua, đặt giày ở tiệm Như Ý vì luôn được chủ tiệm tư vấn rất kỹ càng; không phải bán xong giày là hết chuyện mà bao giờ cũng luôn có cam kết ngầm về việc bảo hành giữa tiệm với khách.
Có lẽ cũng vì sự chăm chút, tỉ mỉ ấy nên giữa thời buổi các tiệm giày cao cấp ở các trung tâm thương mại cho đến những tiệm giày bình dân nhan nhản khắp phố, các tiệm giày thủ công vẫn còn đất sống. Đi sâu tìm hiểu nghề làm giày thủ công tôi mới nhận ra, dường như điểm níu giữ khách không chỉ là những đôi giày bền, đẹp mà còn là mối thâm tình giữa khách với chủ để các tiệm giày thủ công có thể tồn tại qua hàng chục năm. Để bây giờ, trong khi nhiều người thích đến chợ hay các cửa hàng mua giày dép đóng sẵn, vẫn có một số người muốn đến tiệm đóng giày theo mẫu mình thích. Đáp lại, những người thợ giày như ông Lê Cường vẫn luôn cố gắng làm ra những đôi giày thật đẹp để níu giữ nét đẹp của một nghề từng “vang bóng một thời”.
X.T