11:12, 06/12/2022

Trải nghiệm làm lính cứu hỏa

Một lần trải nghiệm làm chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, không ít người nhận ra mình còn thiếu nhiều kỹ năng xử lý nếu tình huống không may xảy ra. Họ cũng cảm nhận rõ hơn công việc vất vả, hiểm nguy và nỗ lực của các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong việc thực thi nhiệm vụ.

Một lần trải nghiệm làm chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC), không ít người nhận ra mình còn thiếu nhiều kỹ năng xử lý nếu tình huống không may xảy ra. Họ cũng cảm nhận rõ hơn công việc vất vả, hiểm nguy và nỗ lực của các chiến sĩ cảnh sát PCCC trong việc thực thi nhiệm vụ.


Khi các em thử làm chiến sĩ cứu hỏa


Chiều vừa tắt nắng, hàng trăm học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) đã tập trung tham gia chương trình trải nghiệm “Chúng em là chiến sĩ cảnh sát PCCC tương lai”. Mồi lửa vừa được châm, khay xăng bốc cháy dữ dội; báo động cháy được phát ra; xe cứu hỏa hú còi, sẵn sàng ứng cứu; các chú cảnh sát khẩn trương điều xe… Đến lượt các em được trải nghiệm dùng bình cứu hỏa dập tắt đám cháy khay xăng, bình gas; di chuyển trong môi trường có khói, khí độc; thực hành sơ cứu, di chuyển nạn nhân; sử dụng phương tiện cứu sinh đúng cách… Có em xung phong nhập vai nạn nhân, người cứu nạn để thực hành. Có em e ngại không dám lại gần bình gas đang cháy, cầm vòi phun đến khi tắt lửa vẫn chưa dừng vì còn… nhắm mắt! Em Phạm Thị Khánh Băng (lớp 11B4) chia sẻ: “Ở nhà, em nấu ăn bằng bếp điện nên khi ở gần bình gas phát lửa em rất sợ. Thế nhưng, được các chú công an động viên, tập trung nghe hướng dẫn thật kỹ, em đã dập tắt được đám cháy. Trải nghiệm này thực sự rất bổ ích, giúp chúng em có những kỹ năng cần thiết khi có sự cố cháy nổ xảy ra”.

 

 Các bé Trường Mầm non Bình Minh (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) thực hành với lăng chữa cháy.

Các bé Trường Mầm non Bình Minh (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) thực hành với lăng chữa cháy.


Chương trình dành cho lứa tuổi nhỏ hơn cũng diễn ra đầy hưng phấn ở nhiều nơi. Các bé mầm non, tiểu học được hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi có cháy; làm quen với trang thiết bị, phương tiện PCCC; cách xử lý, thoát nạn khi gặp sự cố cháy nổ; chơi trò chơi liên quan đến PCCC… Học sinh THCS được trải nghiệm thoát nạn bằng xe thang và dây hạ chậm; dùng bình chữa cháy, lăng, vòi chữa cháy… Em Nguyễn Chí Thành (7 tuổi, phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) nhắc lại bài học vừa thuộc “Nghe chuông báo cháy phải lấy khăn ướt bịt mũi, miệng, chạy ra ngoài”. Em Phan Nguyễn Thảo Nguyên (8 tuổi, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) nói “chương trình giúp em gan dạ, bình tĩnh hơn khi gặp đám cháy”. Cô Phan Thị Huỳnh Thùy, chủ nhóm lớp mầm non Hiền Nhi (phường Phước Long, Nha Trang) cho biết, ở trường, các bé đã được giới thiệu về các chú cảnh sát PCCC, được dạy kỹ năng ứng xử trong tình huống cháy nổ. Nhưng đây là lần đầu tiên các bé được tham gia trải nghiệm nên rất háo hức. Hoạt động này rất bổ ích với các bé và cũng giúp củng cố kiến thức PCCC, tăng cường kỹ năng cho các cô giáo.

 

Các bé Trường Mầm non Bình Minh (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) thực hành với lăng chữa cháy.

Các bé Trường Mầm non Bình Minh (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) thực hành với lăng chữa cháy.


Truyền cảm hứng nhận điều tích cực


Ngày 21-8, tại chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ cảnh sát PCCC” khóa 40, một cậu bé bất ngờ chạy lên nói to: “Chú ơi, cháu là người trong hình ạ!” rồi chỉ vào em trong bức hình chụp cảnh chữa cháy dán trên bảng tin thanh niên ở trụ sở. Em là Phan Nhật Hoàng (7 tuổi), một trong 3 nạn nhân được cứu trong vụ cháy trên đường Sinh Trung, phường Vạn Thạnh, Nha Trang xảy ra sáng 1-1-2020. Chương trình trải nghiệm khiến Hoàng nhớ lại nỗi sợ hãi khi xảy ra cháy rồi vỡ òa mừng vui khi được cứu thoát. Em rất hào hứng, chăm chú theo dõi hướng dẫn, bởi em hiểu rõ sự cần thiết của các kỹ năng này.

 

Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh)  thực hành dập tắt đám cháy bình gas.

Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh) thực hành dập tắt đám cháy bình gas.


Trên bàn làm việc của các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh có một tấm bưu thiếp với hình chụp bé Bảo Anh (phường Tân Lập, Nha Trang) được các chú hướng dẫn dùng vòi phun nước dập lửa với dòng chữ: “Chúc các cô, chú luôn nhiệt huyết, máu lửa. Chúc trại hè thành công tốt đẹp!”. Một bức thư khác được viết nắn nót: “Nếu có cháy, con sẽ rất sợ, nhưng con biết cách thoát ra nhờ các chú đã dạy. Các chú là siêu anh hùng, luôn đi vào lửa cứu người. Con kể cho các bạn, bạn nào cũng ước muốn được gặp các chú…”.

 

Trải nghiệm trên xe thang.

Trải nghiệm trên xe thang.


Trên trang Zalo cá nhân, Thượng úy Phạm Sỹ Dược - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đăng dòng chữ: “Truyền cảm hứng - Nhận điều tích cực”, như khẩu hiệu của các anh,  những người luôn trăn trở phải đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức truyền đạt. Thượng úy Phạm Sỹ Dược tâm sự: “Điều tôi tâm huyết nhất với công tác tập huấn, tuyên truyền về PCCC là mong rằng với những kỹ năng được truyền đạt sẽ giúp mọi người xử lý kịp thời trong tình huống phát sinh sự cố cháy nổ, biết thoát nạn an toàn, đúng cách. Những phản hồi tích cực càng thôi thúc chúng tôi phải làm tốt hơn nữa công tác này”.


Cần xây dựng ý thức phòng cháy


Mới đây, trong buổi tuyên truyền cho người dân, tiểu thương phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa), trả lời câu hỏi “Khi có sự cố cháy, tai nạn (đuối nước, sụp đổ cấu kiện…) cần gọi số điện thoại nào?”, vẫn còn người lúng túng, không phải vì quên số 114, mà vì phân vân có cần bấm mã vùng không; có người biết số 114 báo cháy, nhưng không biết báo cứu nạn, cứu hộ số nào.


Thượng tá Hồ Chí Thanh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tâm sự: “Có lần, một người dân bực dọc ngắt máy chỉ vì gọi báo cháy mà bị hỏi nhiều quá. Họ không biết, chúng tôi cần có thông tin chi tiết để có phương án chữa cháy hiệu quả. Có trường hợp gọi điện thoại thông báo một câu ngắn gọn “Đang cháy ở đường Trần Quý Cáp”. Thực hiện nguyên tắc “xuất xe trong vòng 90 giây”, lực lượng nhanh chóng triển khai tới nơi thì không thấy cháy, về trụ sở lại nhận được điện thoại “Cháy tại đường Trần Quý Cáp ở… Ninh Hòa!”.


Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, trong cuộc sống, phòng luôn quan trọng hơn chống, phòng cháy vẫn hơn chữa cháy. Muốn vậy, phải xây dựng ý thức phòng cháy cho mọi người dân. Hiện nay, nhiều người dân còn chủ quan, bị động; trong khi phải xác định cứu mình trước khi được cứu, vì khi xảy ra cháy, “thời gian vàng” là 5 phút đầu tiên, lúc thiệt hại còn chưa đáng kể. Đơn vị triển khai các lớp tuyên truyền, tập huấn, chương trình trải nghiệm cũng nhằm lan tỏa sâu rộng kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, để mọi người có đầy đủ kiến thức cơ bản về an toàn PCCC và có kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới một số nội dung tuyên truyền, nâng cấp trải nghiệm cho phù hợp hơn. Đặc biệt, đơn vị có thể triển khai nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ pháp luật về PCCC” tại trường học, để các thành viên của câu lạc bộ trở thành những tuyên truyền viên PCCC tích cực, đồng thời giúp các em có kiến thức nhất định về PCCC, có kỹ năng, phản ứng nhanh nhạy khi xảy ra sự cố.

 


Công trình thanh niên “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và kỹ năng thoát nạn tại địa bàn cơ sở, khu dân cư, trường học” do Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh thực hiện từ tháng 8-2016. Đến nay, Đoàn Thanh niên đơn vị đã triển khai 994 lớp cho gần 65.000 người, gồm lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành, dân phòng, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên… Riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tuyên truyền trực quan 21 buổi cho gần 5.700 người; tổ chức 58 chương trình trải nghiệm cho hơn 8.000 học sinh và hơn 3.600 thầy, cô giáo cùng phụ huynh. Tháng 10-2022, công trình được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Công an tuyên dương là công trình, phần việc tiêu biểu của tuổi trẻ Công an nhân dân nhiệm kỳ 2017 - 2022.
 


NGUYỄN VŨ - HOÀNG NGÂN