10:09, 13/09/2022

Kỳ 2: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tuy cơn sốt đất đã đi qua nhưng để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh Khánh Hòa, các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư tại các huyện miền núi. Điều này, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền ở miền núi phải quyết liệt vào cuộc, siết chặt quản lý đất đai để giữ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

 

Tuy cơn sốt đất đã đi qua nhưng để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh Khánh Hòa, các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư tại các huyện miền núi. Điều này, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền ở miền núi phải quyết liệt vào cuộc, siết chặt quản lý đất đai để giữ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).


Những hệ lụy


Trong cơn sốt đất, nhiều hộ ĐBDTTS đã bán đất, đến khi tiêu hết tiền, không còn đất sản xuất thì lấn chiếm đất rừng. Ông Nguyễn Văn Hào - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết, nhiều trường hợp người dân bán đất rồi lấn chiếm đất rừng trái phép. Có trường hợp lợi dụng, xúi giục ĐBDTTS lấn chiếm đất rừng trái phép để bán lại cho họ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lâm phận công ty xảy ra 14 vụ việc liên quan đến phá rừng trồng để lấn chiếm đất, với tổng diện tích hơn 4ha; 14 vụ phá rừng tự nhiên trái pháp luật, với tổng diện tích 3,1ha.

 

Lâm phận Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa tại Khánh Thượng luôn “nóng”  vì bị người dân lấn chiếm đất rừng trồng.

Lâm phận Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa tại Khánh Thượng luôn “nóng” vì bị người dân lấn chiếm đất rừng trồng.


Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, trong khi giá đất tăng rất cao, nhất là tại huyện miền núi Khánh Sơn, đã dẫn đến tình trạng người dân bán đất rồi đi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tình trạng này ngày càng phức tạp, tăng cả số vụ lẫn tính chất vi phạm. Chỉ tính riêng 7 tháng năm nay, đơn vị đã lập biên bản 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tất cả đều xảy ra trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Trong đó, 5 vụ phá rừng với tổng diện tích hơn 4,78ha; 19 vụ ken, hủy hoại tổng cộng 385 cây thông; 8 vụ lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích 2,47ha. Khi bị phát hiện, các đối tượng còn sẵn sàng manh động, liều lĩnh, thường xuyên đe dọa, chửi bới lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.


Việc ĐBDTTS bán đất còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới… Trong các chương trình, tỉnh xác định tập trung dành nguồn lực rất lớn để đầu tư cho các địa phương miền núi; có nhiều chính sách đầu tư trực tiếp để phát triển kinh tế hộ ĐBDTTS, từ đó giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS. Ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhận định: “Những hộ ĐBDTTS bán đất đa phần là hộ nghèo, thuộc đối tượng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước triển khai, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Không còn đất đồng nghĩa với việc các hộ sẽ thiếu điều kiện để thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nút thắt của việc giảm nghèo ở miền núi nằm ở đây”.  

 
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực từ các địa phương khác trong tỉnh để hỗ trợ phát triển 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Tỉnh cũng quyết tâm rất lớn để sớm đưa 2 địa phương này thoát khỏi danh sách các huyện nghèo, phát triển nhanh và bền vững. Muốn vậy, một trong những nội dung trọng tâm là đầu tư trực tiếp để các hộ ĐBDTTS ở miền núi thoát nghèo bền vững. Trong điều kiện tỉnh phải tìm cách để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho các hộ ĐBDTTS, tình trạng biến động đất đai, sang nhượng quyền sử dụng đất của ĐBDTTS thời gian qua đang ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các chương trình đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương miền núi.


Tuyên truyền, vận động người dân giữ đất


Theo lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đối với quyền sử dụng đất của ĐBDTTS thì có quy định đối với đất Nhà nước cấp không thu tiền sử dụng đất trong vòng 10 năm không được chuyển nhượng. Đối với đất của người dân thì không có quy định cấm hoặc hạn chế quyền này nên không thể yêu cầu người dân không chuyển nhượng. Vì vậy, để giải quyết bài toán giữ đất cho người dân vẫn dựa vào công tác tuyên truyền là chính; phải tuyên truyền nâng cao nhận thức giúp người dân thấy rõ hiệu quả của việc giữ đất để phát triển kinh tế sẽ ổn định cuộc sống, qua đó mới hạn chế được tình trạng bán đất.


Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn chia sẻ: “Nếu không giữ được đất thì ĐBDTTS sẽ còn nghèo. Vì vậy, Huyện ủy đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền cơ sở phải vào cuộc tích cực, trách nhiệm để giữ đất cho ĐBDTTS”. Trong bối cảnh ấy, Huyện ủy Khánh Sơn chỉ đạo UBND huyện ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai trên địa bàn; nghiêm cấm cán bộ, đảng viên tham gia vào quá trình mua bán đất của ĐBDTTS… Trong khi đó, ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho hay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 17 (năm 2022) về tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền trái quy định, trong đó có một số nội dung cụ thể để tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Cụ thể như: Chỉ đạo việc chấm dứt xác nhận đơn đối với trường hợp hiến đất mở đường giao thông để phân lô, bán nền; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ biến động đất đai, nhất là của ĐBDTTS, các trường hợp phân lô, tách thửa; xử lý nghiêm các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, huyện cũng đã hoàn tất hồ sơ kiểm điểm, xử lý 3 địa phương có tình trạng buông lỏng quản lý đất đai.


Đến nay, từ các cấp ủy, chính quyền cơ sở đến các thôn, tổ dân phố ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cũng đã vào cuộc nhằm giữ đất cho ĐBDTTS. Như ở Chi bộ Tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp, Khánh Sơn) đã phân công mỗi đảng viên theo sát 5-7 hộ dân để nắm chắc biến động đất đai của từng hộ; tuyên truyền, vận động các hộ giữ lại đất sản xuất; việc này được chi bộ thống nhất gắn với việc hoàn thành trách nhiệm của đảng viên. Bên cạnh đó, những mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao của chính ĐBDTTS trong tổ dân phố cũng được giới thiệu, hướng dẫn để người dân học tập cách làm. Nhờ vậy, nhiều hộ ĐBDTTS ở đây đã không bán đất mà đầu tư trồng sầu riêng để cho thu nhập cao.


Còn ở Khánh Vĩnh, UBND các xã, thị trấn cũng vào cuộc rà soát nắm bắt biến động đất đai trong ĐBDTTS; phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong ĐBDTTS để tuyên truyền vận động người dân giữ đất phát triển sản xuất; cử cán bộ địa chính xã tham gia với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện trong quá trình đo đạc, thực hiện các thủ tục đất đai đối với ĐBDTTS, vận động người dân giữ đất…


Hy vọng, với những giải pháp đã được triển khai, nhận thức về tầm quan trọng của đất đai trong đời sống ĐBDTTS ở các địa phương miền núi sẽ có chuyển biến mạnh mẽ.


Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Ưu tiên hỗ trợ các hộ giữ đất để sản xuất

Trong triển khai các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với các địa phương miền núi, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương ưu tiên hỗ trợ cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo còn giữ được đất để sản xuất.

Các địa phương cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh và các chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề này. Trong đó, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, giữ lại tư liệu sản xuất của mình; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiểm soát chặt việc tách thửa, hạn chế việc tách nhỏ đất nông nghiệp để chuyển mục đích sử dụng đất; xử lý nghiêm những trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp không đúng quy định; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp trên, nếu để buông lỏng quản lý, xảy ra sai phạm về đất đai… sẽ bị xử lý nghiêm.


HẢI LĂNG  


 Kỳ 1: Nỗi lo khi sốt đất