11:07, 17/07/2022

Kỳ 2: Giải bài toán thoát lũ

Để chống ngập cho TP. Nha Trang mỗi khi mưa lớn kéo dài, UBND tỉnh đã cho phép thành phố nghiên cứu giải pháp căn cơ như: khơi thông, chỉnh trị dòng chảy, xử lý việc lấn chiếm lòng sông, đầu tư hệ thống thoát lũ đồng bộ…

 

Kỳ 2: Giải bài toán thoát lũ

 

Để chống ngập cho TP. Nha Trang mỗi khi mưa lớn kéo dài, UBND tỉnh đã cho phép thành phố nghiên cứu giải pháp căn cơ như: khơi thông, chỉnh trị dòng chảy, xử lý việc lấn chiếm lòng sông, đầu tư hệ thống thoát lũ đồng bộ…

 

Nhánh sông từ cầu sông Tắc về cầu Bình Tân đã bị bồi lấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập nước phía tây Nha Trang, cần được đầu tư nạo vét.

Nhánh sông từ cầu sông Tắc về cầu Bình Tân đã bị bồi lấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập nước phía tây Nha Trang, cần được đầu tư nạo vét.


Chống ngập xung quanh các dự án


Ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, một số dự án khu đô thị mới triển khai trên địa bàn thành phố thi công san nền theo cao độ quy hoạch cao hơn nền hiện trạng khu dân cư giáp ranh dự án từ 1 đến 3m dẫn đến khu dân cư bị ngập cục bộ khi có mưa lớn, gây thiệt hại tài sản của người dân, phát sinh đơn thư khiếu kiện. Ví dụ các dự án: Khu tái định cư Ngọc Hiệp, Khu đô thị Hoàng Long, Khu đô thị Lê Hồng Phong I, Khu đô thị Vĩnh Trung…

 

Một đoạn sông Tháo (Vĩnh Thạnh) đã bị bồi lấp, cỏ mọc um tùm  không có chức năng thoát lũ, cần được nạo vét và đấu nối vào hệ thống thoát lũ trên địa bàn.

Một đoạn sông Tháo (Vĩnh Thạnh) đã bị bồi lấp, cỏ mọc um tùm không có chức năng thoát lũ, cần được nạo vét và đấu nối vào hệ thống thoát lũ trên địa bàn.


Do đó, chủ đầu tư các dự án cần phải đầu tư một số tuyến cống bao, mương thoát nước tại vị trí giáp ranh dự án với khu dân cư hiện trạng để giải quyết thoát nước. Bên cạnh đó, khi phê duyệt các dự án đầu tư khu đô thị mới, cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước phải khớp nối giữa khu dân cư hiện trạng với khu đô thị mới.

Đồng bộ dòng thoát lũ

Mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan về giải pháp thoát lũ, hạn chế ngập lụt cho khu vực phía tây Nha Trang. Ông thống nhất với toàn bộ đề xuất nghiên cứu các tuyến thoát lũ của UBND TP. Nha Trang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tập trung rà soát các quy hoạch, cập nhật các tuyến thoát lũ bổ sung theo đề xuất của địa phương, đơn vị… Đồng thời, giao BQL Dự án phát triển tỉnh cập nhật, rà soát các đề xuất, nghiên cứu để đưa vào tổng thể của Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể.

Ông Nguyễn Đắc Tài - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng ngập ở khu vực phía tây Nha Trang như sau: Khảo sát đầy đủ, toàn diện hệ thống sông ngòi vùng hạ lưu phía nam sông Cái, trên cơ sở đó kết nối lại, nạo vét (nơi nào có thể và cần thiết sẽ mở rộng lòng sông) hệ thống sông ngòi, kênh mương trong lưu vực, nhất là khơi thông cửa khẩu sông Cạn, sông Tháo với sông Cái. Các công trình xây dựng (đường xá, cầu cống, vật kiến trúc, nhà cửa...) về sau trong khu vực liên quan (từ thị trấn Diên Khánh, xã Diên Toàn, Diên An (huyện Diên Khánh) đến xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Phước Đồng (TP. Nha Trang) phải quan tâm đến việc không ngăn trở hướng thoát chính của lũ. Đối với chuỗi đồng ruộng Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải có luận chứng về vấn đề thoát lũ và tránh gây thêm ngập cục bộ hay toàn cục.


Cùng quan điểm, ông Lê Đại Dương cho rằng, tỉnh cần xem xét bố trí vốn đầu tư đồng bộ các hệ thống kênh thoát lũ theo quy hoạch chung thành phố được duyệt; kết nối thoát nước sông Quán Trường ra sông Cái, khơi thông dòng chảy cho sông Bà Vệ và sông Kim Bồng. Ngoài ra, khi xây dựng các phương án thoát lũ lâu dài, cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét tính toán đến cao trình ngập lụt ở sông Cái khi Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái hoàn thành.


Ông Nguyễn Duy Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, UBND TP. Nha Trang đã đề xuất nghiên cứu 9 tuyến thoát lũ trong khu vực. Trong đó, có thể kể đến một số tuyến quan trọng như: Tuyến thoát lũ hồ Suối Dầu bị hẹp ở đoạn từ cầu Xuân Sơn đến cầu đường sắt Phú Vinh (khẩu độ trung bình đoạn này chỉ khoảng 8m, trong khi các đoạn khác 25m). Đoạn cuối sông Tắc nối ra sông Đồng Bò đã bị thu hẹp dòng chảy bởi các dự án khu đô thị mới đang tổ chức san nền lấp sông nên cần thiết phải nới rộng. Một tuyến thoát lũ quan trọng khác đó là tuyến kênh đào nối sông Quán Trường - sông Đồng Đen - sông Cái. Hiện nay, tuyến sông Đồng Đen (ranh giới của TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh) đã bị Dự án Khu đô thị Nam sông Cái - huyện Diên Khánh cắt mất nguồn nước từ thượng lưu. Do đó, tỉnh cần đầu tư tuyến kênh đào rộng khoảng 20m nối sông Quán Trường đến sông Đồng Đen, đồng thời nạo vét đoạn sông Đồng Đen khơi thông ra sông Cái.


Ngoài ra, UBND TP. Nha Trang cũng đề xuất đầu tư hệ thống thoát lũ đồng bộ cho hạ lưu sông Quán Trường bằng các giải pháp như: Đầu tư tuyến kênh đào từ Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường ra sông Cái; nạo vét khơi thông nhánh sông Quán Trường từ hạ lưu cầu đường sắt Phú Vinh đến Đập Nước; cho phép nạo vét và khơi thông dòng chảy sông Kim Bồng đoạn từ cầu Chợ Mới (đường 23-10) ra sông Quán Trường đoạn qua Khu đô thị Lê Hồng Phong II; nạo vét khơi thông sông Bà Vệ đoạn từ sông Kim Bồng đến cống đường sắt…


Xây dựng các giải pháp căn cơ


Ông Hồ Tấn Quang - Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án phát triển tỉnh cho biết, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất danh mục Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới để thực hiện. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho BQL nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó có hợp phần nghiên cứu giảm thiểu ngập lụt cho TP. Nha Trang. BQL đang giao cho đơn vị tư vấn thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đây được coi là giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt đối với vùng ven Nha Trang.


Được biết, trước mắt, UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ kinh phí cho UBND TP. Nha Trang tổ chức ngay việc khơi thông các dòng chảy đã bị tắc nghẽn, thực hiện trong năm 2022. UBND tỉnh cũng giao UBND TP. Nha Trang phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra tình trạng san lấp, thu hẹp dòng chảy các tuyến tiêu thoát lũ trong khu vực, nhất là tại các dự án khu đô thị; đồng thời chỉ đạo các xã, phường tổ chức rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm phạm vi của các tuyến sông, lạch tiêu thoát lũ để đảm bảo thông thoáng dòng chảy, giảm thiểu ngập cục bộ.

 

Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh: Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường có tổng mức đầu tư hơn 593,3 tỷ đồng, nhằm chỉnh trị nắn dòng, cắt dòng hạ lưu và nạo vét lòng dẫn sông Quán Trường; xây dựng kè, mái đê tả sông Quán Trường… Dự án hoàn thành ngày 30-6-2019. Dự án Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến đầu sông Tắc có tổng mức đầu tư gần 285,4 tỷ đồng. Dự án đào tuyến kênh thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến đầu sông Tắc, chiều dài 3.420m. Dự án đã hoàn thành ngày 31-12-2019. Cả 2 dự án này đang hoàn thiện toàn bộ công trình để nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. BQL đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép tiếp tục thực hiện đầu tư đoạn hạ lưu sông Tắc để đảm bảo thoát lũ trong khu vực từ cầu đường sắt Bắc - Nam về đến cầu Bình Tân, khu vực đang có nhiều dự án đô thị san lấp mặt bằng thu hẹp dòng chảy làm mất khả năng tiêu thoát cho tuyến sông này.


THÀNH NAM - HỒNG ĐĂNG