Hôm chúng tôi lên các đảo ở Trường Sa, nhìn những công trình đa chức năng như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch... và những mái ấm hạnh phúc, những lớp học với những đứa trẻ hồn nhiên trên đảo là minh chứng cho sức sống mới ở Trường Sa.
Hôm chúng tôi lên các đảo ở Trường Sa, nhìn những công trình đa chức năng như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch... và những mái ấm hạnh phúc, những lớp học với những đứa trẻ hồn nhiên trên đảo là minh chứng cho sức sống mới ở Trường Sa.
Điểm tựa giữa trùng khơi
Được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, những năm qua, hệ thống y tế ở Trường Sa không ngừng được nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Các bác sĩ quân y được điều ra đảo thực hiện nhiệm vụ không chỉ đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, mà còn phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản trên các ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư dân Cao Văn Thơ (55 tuổi, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) đã có hơn 20 năm đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, Nhà giàn DK1 chia sẻ, ông và các thuyền viên trên tàu đã nhiều lần được các bác sĩ, quân và dân trên các đảo ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 điều trị, hỗ trợ thuốc men, lương thực, thực phẩm khi đang khai thác, đánh bắt trên biển. Có những thời điểm nguy hiểm đến tính mạng, nhưng đều được các bác sĩ trên đảo cứu chữa kịp thời. Điều đó tạo niềm tin vững chắc cho ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Thiếu tá, bác sĩ Vũ Xuân Tích - Bệnh xá Trưởng đảo Trường Sa Lớn cho biết, hiện nay, bệnh xá đã có đầy đủ máy đo huyết áp, máy thở, máy điện tim, máy phục vụ phẫu thuật… Với những thiết bị hiện đại, Bệnh xá Trường Sa có thể thực hiện được những ca mổ ít phức tạp. Khi gặp những trường hợp khó chẩn đoán, khó điều trị, bệnh xá có thể kết nối trực tuyến qua vệ tinh Vinasat 1 với Bệnh viện Quân y 175 và bệnh viện sẽ cử bác sĩ đầu ngành để hỗ trợ. Nếu phẫu thuật thì có 1 camera toàn thể và 1 camera chiếu vào phần mổ, các bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh có thể hướng dẫn đến từng chi tiết. Những trường hợp bệnh nặng, bệnh xá sẽ báo ngay Bộ Quốc phòng điều máy bay trực thăng ra đảo đón bệnh nhân về đất liền chữa trị.
Không chỉ Bệnh viện Quân y 175, các bệnh viện khác như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 7A, Viện Quân y 110, Bệnh viện Quân y 87… cũng đưa các tổ quân y thực hiện nhiệm vụ y tế ở các đảo, điểm đảo. Những năm qua, hệ thống y tế trên đảo được kết nối liên hoàn, thành chuỗi trên quần đảo Trường Sa. Năm 2021, đảo Núi Le A tiếp nhận khoảng 250 lượt ngư dân đến khám, chữa bệnh; bệnh xá đảo Trường Sa tiếp nhận hơn 1.000 ca bệnh…
Gieo chữ nơi đầu sóng
Đến Trường Sa hôm nay không khác biệt so với đất liền với những mái ấm khang trang, những đứa trẻ xúng xính đồng phục, khăn quàng đỏ, được ba mẹ dắt tới trường. Anh Lê Xuân Việt là dân quân trên đảo Trường Sa Lớn, còn vợ ở nhà nội trợ. Anh Việt chia sẻ, tuy ở đảo còn nhiều khó khăn nhưng tình quân dân ấm áp, con cái được học hành đầy đủ khiến anh thêm yêu biển, đảo quê hương.
Huyện đảo Trường Sa hiện có 3 trường học ở 2 xã Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa. Các thầy giáo tình nguyện ra đảo gieo chữ đang đảm nhận giảng dạy, chăm sóc cho trẻ mầm non và tiểu học. Lúc chúng tôi ghé thăm, thầy giáo Nguyễn Công Qua - giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn đang cầm tay nắn nót từng nét chữ cho các học sinh. Em Võ Đan Thư, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Sinh Tồn khoe bài kiểm tra được điểm 10 và nói rằng, nhờ được thầy cầm tay rèn chữ, nay em đã có thể nắn nót được những nét chữ đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt.
Ở Trường Sa, do số lượng học sinh ít nên các thầy dạy theo kiểu học ghép, mỗi lớp có đầy đủ học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Dù phải soạn giáo án, lên các chương trình nhiều hơn, nhưng học trò chăm ngoan, lễ phép là nguồn động lực để những người thầy gắn bó, cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục nơi đảo xa. Với các thầy, đây không chỉ là trường học mà còn là gia đình, học sinh như chính con em mình.
Thầy Bành Hữu Tình (sinh năm 1983), giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ, việc tổ chức dạy và học nơi đây tuân thủ theo quy định và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc học tập, thi cử, chấm điểm, xếp loại học sinh như trên đất liền. Học sinh trên đảo được may đồng phục đến trường, trang bị sách vở và dụng cụ học tập đầy đủ. Bên cạnh việc học, các em học sinh thường xuyên được dẫn đi tham quan, giới thiệu các địa điểm lịch sử trên đảo, tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi với các chiến sĩ trên đảo, từ đó vun đắp trong lòng tình yêu quê hương, biển, đảo. Thầy Tình bộc bạch, trường học ở đây luôn được các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là quân và dân trên đảo tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất; học sinh ở Trường Sa rất ngoan ngoãn, lễ phép. Đến nay, thầy Tình đã đón 4 cái Tết ở Trường Sa. Được sự quan tâm động viên của quân và dân trên đảo cùng gia đình làm hậu phương vững chắc đã tiếp cho thầy thêm nghị lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “gieo chữ, trồng người” ở Trường Sa.
Nhìn những em thơ đang chăm chỉ học hành giữa đất trời Trường Sa, trong lòng chúng tôi dâng lên nhiều cảm xúc, đọng lại trong lời bài hát Sức sống Trường Sa: “Ôi! Tôi đứng đây giữa biển trời bao la. Tiếng học vần ê a dưới nếp nhà ngói mới. Chẳng còn xa đâu, chẳng còn đêm tối. Đất ấm tình người, người ấm tình nhau…”.
Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa: Những năm qua, quân và dân ở Trường Sa đã quyết tâm xây dựng các tổ chức vững mạnh, tăng cường mối đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, trên dưới một lòng, quân và dân một ý chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, giải pháp Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tốt chương trình của Hải quân nhân dân Việt Nam, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. |
THÁI THỊNH